Đà Nẵng gây bất ngờ khi đưa Tuồng ra diễn bờ sông

12/08/2015 11:20 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) – Đầu tháng 7/2015, UBND Thành phố Đà Nẵng gây bất ngờ thú vị khi chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng có những biện pháp nhằm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. Và lần đầu tiên, tuồng được đưa ra trình diễn phục vụ công chúng và du khách miễn phí bên bờ sông Hàn thơ mộng…

Tối Chủ nhật hàng tuần, tại Công viên bờ Đông Sông Hàn, Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuồng miễn phí cho tất cả người dân cũng như khách du lịch.

Một buổi biểu diễn thường bắt đầu từ lúc 19h30 đến 21h, chương trình thường tái hiện lại trích đoạn các vở diễn kinh điển.


Một cảnh trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” được biểu diễn dưới phố. Ảnh: Hoàng Yến

Chúng tôi thử làm khán giả vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, khí hậu mát mẻ, Sông Hàn lấp lánh ánh đèn, không thể thuận lợi hơn cho sự thăng hoa của tuồng.  Hôm nay các diễn viên sẽ tái hiện các trích đoạn: “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Ôn Đình chém tá”, “Kim Lân qua đèo”.

Chúng tôi quan sát, buổi biểu diễn thu hút khoảng 100 khán giả trong nước lẫn du khách nước ngoài, với đầy đủ mọi lứa tuổi.

Buổi biểu diễn thu hút rất nhiều khán giả, phóng viên và khách du lịch. Ảnh: Hoàng Yến

Đến  trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Ngày Xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Cà Lắp con quan Thiên hộ trong phủ Chúa cậy quyền thế luôn tìm gẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, tên Công tử Cà Láp sinh lòng ham muốn chiếm đoạt vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh và tình yêu của mình, đồng thời dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời và bảo vệ được người vợ trẻ của mình…

Trên sân khấu, các diễn viên cháy hết mình, âm thanh lan ra đầy màu sắc. Giọng tuồng mang ra biểu diễn ở không gian diễn xướng như thế này nghe cũng ma mị, hấp dẫn. Trên gương mặt các du khách biểu lộ nhiều sắc thái: tò mò, hào hức, thích thú hoặc lắng lại theo từng cung bậc, tiếng vỗ tay không ngớt.

Các diễn viên hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau trong mỗi trích đoạn. Ảnh: Hoàng Yến

Chị Nguyễn Thanh Nga, đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất vui khi được xem tận mắt các nghệ sỹ biểu diễn tuồng. Thực sự đây là một cách đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với khán giả, để khán giả hiểu hơn, yêu hơn”.

Bên cạnh biểu diễn phục vụ miễn phí khán giả, BTC còn “tiếp thị” tuồng bằng nhiều hình thức khác nhau như trang điểm và đeo mặt nạ ngay tại sân khấu, giới thiệu cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng, dịch vụ vẽ mặt nạ tuồng, cho thuê phục trang và chụp hình có thu phí...

Dịch vụ vẽ mặt nạ tuồng… Ảnh: Hoàng Yến

Chúng tôi như vui lây khi thấy không ít nam thanh, nữ tú xúm xít vẽ mặt nạ rồi chụp ảnh … “tự sướng”! Các diễn viên đã cho thấy sự nỗ lực cố gắng của họ, của nhà hát nói chung trong việc giới thiệu và quảng bá tuồng truyền thống khi đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả. Được biết, thù lao cho những buổi biểu diễn này cho các nghệ sỹ vẫn còn quá khiêm tốn.

… và bán ngay tại chỗ cho khán giả. Ảnh: Hoàng Yến

Sau 1 tháng đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, NSƯT Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã có những chia sẻ: “Những gì chúng tôi đã làm được đó là các diễn viên tham gia biểu diễn đều đặn mỗi tuần một lần, kể cả trời mưa. Số lượng khán giả đến xem biểu diễn ngày càng tăng lên, chất lượng biểu diễn tốt hơn và đã quảng bá được nghệ thuật tuồng đến rất nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng tôi cần sự quan tâm ủng hộ của khán giả lẫn các cơ quan chức năng nhiều hơn nữa để có thể giúp cho loại hình nghệ thuật truyền thống này tồn tại và phát triển hơn”.

Ông Trần Quang Thanh – Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Theo kế hoạch, nhà hát sẽ tổ chức diễn tuồng bên ngoài cho đến hết tháng 9, vì sau tháng 9 là mùa mưa. Đây chỉ là thời gian thí điểm để đánh giá hiệu quả và hiệu ứng của xã hội, đầu năm 2016 nghệ thuật tuồng sẽ quay trở lại diễn bên ngoài. Hiện nay, không chỉ tuồng, chúng tôi đã có kế hoạch dài hạn cho việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống xuống phố biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá và giữ gìn những giá trị cốt lõi”.

Diễn viên giới thiệu cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng. Ảnh: Hoàng Yến

Có thể nói, tuồng Việt Nam nói chung và tuồng miền Trung nói riêng đang rất khó khăn trong việc giữ gìn và quảng bá nét đặc sắc vốn có. Các sân khấu luôn sáng đèn là khao khát cháy bỏng của những nghệ sỹ tuồng. Việc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa tuồng xuống phố biểu diễn thời gian này cũng đã cho thấy động thái rõ ràng hơn về việc phải trực tiếp “tiếp thị”, “quảng bá” nghệ thuật ra khỏi phạm vi sân khấu thì tuồng mới có thể phát triển khỏe mạnh.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm