Gập ghềnh hành trình 'xây dựng lại nước Mỹ'

20/12/2021 07:30 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Nếu như năm 2020 đi vào lịch sử nước Mỹ với những khó khăn và thách thức chưa từng có khi cường quốc hàng đầu thế giới này phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế và sắc tộc, và hơn hết là những mâu thuẫn, chia rẽ và phân cực sâu sắc ở trong nước, thì năm 2021 lại đánh dấu bước khởi đầu của một hành trình đầy hy vọng với những nỗ lực của chính quyền mới nhằm xoa dịu những mất mát, hàn gắn rạn nứt và đoàn kết người dân để xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn.       

Nước Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi sau đại dịch Covid-19

Nước Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi sau đại dịch Covid-19

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, số việc làm mới trong tuần trước thấp hơn dự kiến cho thấy nhiều người Mỹ vẫn gặp khó khăn để trở lại làm việc sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy hàng loạt chương trình nghị sự đối nội nhằm hiện thực hóa những cam kết trong chiến dịch tranh cử. Sau gần một năm lên nắm quyền, ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng đã thực  hiện được một trong những ưu tiên hàng đầu là kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, đưa người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. Đây chính là thành tựu và là dấu ấn nổi bật nhất của Tổng thống Biden.       

Kết quả này có được nhờ nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ cùng một chiến lược tổng thể của chính quyền mới. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của cuộc chiến chống COVID-19 là tăng mạnh tốc độ tiêm vaccine phòng bệnh, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi tiêm phòng như chi 121 triệu USD cho hơn 100 tổ chức ở các cộng đồng để thúc đẩy việc tiêm chủng, kêu gọi chính quyền các bang và địa phương thưởng tiền cho người dân đi tiêm và tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, tăng cường hành động và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch khác. Tính tới nay, Mỹ đã đạt được một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 khi hơn 70% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine, hơn 60% được tiêm đầy đủ và khoảng hơn 16% tiêm mũi tăng cường.       

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước khi ký ban hành một đạo luật, tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 13/12/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS COV-2 như Delta và Omicron có tốc độ lây lan nhanh chóng và nguy hiểm, cũng như tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số cộng đồng và địa phương, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ tư trong mùa Đông này. Tính tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins công bố ngày 19/12, Mỹ đã ghi nhận khoảng 50,8 triệu trường hợp mắc COVID-19 với hơn 806.340 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày khoảng 120.000 ca, trong khi số ca tử vong mỗi ngày là 1.200 người. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Tổng thống Biden cũng đã phải thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ vẫn cần hết sức thận trọng.       

Cùng với nhiệm vụ đẩy lùi đại dịch, phục hồi nền kinh tế cũng là ưu tiên quan trọng trong năm đầu tiên của Tổng thống Biden. Nhằm giúp đỡ những người dân Mỹ có thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ, trường học, ngành du lịch, khách sạn và các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề cũng như thúc đẩy công tác phòng chống đại dịch, phân phối vaccine, kế hoạch xét nghiệm và truy vết người nhiễm virus SARS-CoV-2, Tổng thống Biden đã ký ban hành dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD.

Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ và được cho là "liều thuốc" cần thiết để vực dậy nền kinh tế Mỹ bị đình trệ và giải quyết gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Gói cứu trợ này cũng được cho là một động lực lớn cho nền kinh tế vì tạo ra hàng triệu việc làm mới, giúp Mỹ có thể chiến thắng được đại dịch khi đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19, trợ giúp những gia đình đang gặp khó khăn nhất để vượt qua thời điểm khó khăn và mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ cơ hội để tồn tại.       

Với các biện pháp hỗ trợ kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra, tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục. Từ mức đáy của một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm ngoái, trong quý I/2021, nền kinh tế Mỹ đã bứt tốc và tăng trưởng 6,4% sau khi tăng trưởng 4,3% trong quý IV/2020.  Đây là mức tăng cao nhất trong quý đầu tiên của năm kể từ năm 1984. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 cũng cao nhất so với các cùng kỳ trong 70 năm qua với tốc độ hằng năm đạt 6,6%.       

Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia lo ngại giờ đã trở thành sự thật khi nước Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao nhất trong gần 40 năm qua. Gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng sau đại dịch, biến thể mới của virus SARS-COV-2, giá xăng tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều gói kích thích khổng lồ để hỗ trợ kinh tế, lãi suất bị kìm hãm ở mức thấp trong nhiều năm và chính phủ tiếp tục tung tiền mua trái phiếu được cho là những nguyên nhân cộng hưởng đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao.

Tồi tệ hơn, nhiều dự đoán cho rằng tình hình lạm phát không phải là tạm thời mà sẽ kéo dài cho tới năm tiếp theo. Điều này sẽ gây sức ép lớn đối với Nhà Trắng và các nhà lập pháp đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ đảng Cộng hòa, rằng chính sách sai lầm của chính phủ, gồm việc chi tiêu ồ ạt, đã kích thích nền kinh tế quá mức và góp phần làm gia tăng sự bất ổn về lạm phát.   

Chú thích ảnh
Quang cảnh tại quảng trường Herald ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Biden khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ mạnh hơn hầu như tất cả các nước khác. Người dân Mỹ có nhiều tiền trong túi hơn so với thời điểm này năm ngoái - nhiều hơn 100 USD mỗi tháng so với năm ngoái - ngay cả khi lạm phát tăng”. Tuy nhiên, lạm phát cao kéo dài đã lấn át những thành tựu kinh tế đạt được như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2%, chi tiêu tiêu dùng tăng trên mức trước đại dịch, tăng trưởng tiền lương tăng nhanh và thị trường chứng khoán tăng lên mức cao kỷ lục mới.       

Năm 2021 cũng chứng kiến Tổng thống Joe Biden thay đổi, thậm chí đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Biden đã từ bỏ chính sách "Nước Mỹ trước tiên", đưa nước Mỹ quay lại một loạt khuôn khổ đa phương, khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia tích cực vào quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran. Việc Mỹ tham gia trở lại các vấn đề toàn cầu đã phần nào củng cố vai trò của Washington trên trường quốc tế.        

Mỹ cũng cải thiện và làm mới quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc, Nhật Bản…, tham gia liên minh an ninh 3 bên với Anh và Australia (AUKUS), trong khi thể hiện quan điểm cứng rắn và thái độ thăm dò với các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Nga...

Có thể thấy, Tổng thống Biden đã thực thi chính sách đối ngoại trên quan điểm cốt lõi là thúc đẩy lợi ích quốc gia, duy trì các quan hệ đồng minh để củng cố sức mạnh của nước Mỹ cũng như tái can dự trong các vấn đề toàn cầu nhằm khôi phục ảnh hưởng và vị thế quốc tế của Washington.         

Tuy nhiên, việc Tổng thống Biden phải ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách về đối nội khiến nhiều "hồ sơ đối ngoại" vẫn bỏ ngỏ. Kể cả việc ông Biden thực hiên kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến cũng vấp phải sự chỉ trích của cả các thành viên đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ.          

Theo giới chuyên gia, tỷ lệ lạm phát cao của nền kinh tế, cùng nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại khác như cuộc khủng hoảng người nhập cư, rút quân khỏi Afghanistan, Iran, Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên đã có tác động lớn tới mức tín nhiệm của người dân Mỹ đối với Tổng thống Biden cũng như sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào năm 2022.       

Hiện tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Biden trong nhiều vấn đề đối nội như phục hồi kinh tế, lạm phát, bạo lực súng đạn đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Theo thăm dò mới được ABC News/Ipsos công bố ngày 12/12, có 53% số người được hỏi ủng hộ cách điều hành của lãnh đạo Nhà Trắng. song chỉ 28% ủng hộ cách ông xử lý vấn đề lạm phát, trong khi đa số (69%) không ủng hộ.       

Như vậy, dù đã tạo được những dấu ấn ban đầu trong năm đầu tiên cầm quyền, song với chính quyền của Tổng thống Biden, hành trình phía trước vẫn còn không ít thách thức để đạt được mục tiêu đoàn kết người dân và “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn”.

Đặng Huyền - Phóng viên TTXVN tại Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm