Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 6): Cần không, công cụ chuyển đổi phiên âm tiếng Việt?

13/12/2017 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trước câu hỏi liệu có cần công cụ chuyển đổi phiên âm tiếng Việt? Tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư (Trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Công nghệ TP.HCM), người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy ngôn ngữ - ngữ văn tại Hàn Quốc và phiên âm tiếng Hàn tại Việt Nam có cuộc trao đổi cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Lấy kinh nghiệm từ Hàn Quốc - nước đã có công cụ này từ lâu, TS Anh Thư cho biết: “Từ lâu Hàn Quốc đã có công cụ quy định về luật phiên âm, chuyển đổi các ngoại ngữ, thuật ngữ của tiếng nước ngoài sang tiếng Hàn và ngược lại. Cách này có thuận lợi là nhanh chóng, thống nhất, bên cạnh cũng có những nhược điểm về ngữ âm, về đồng âm… Nhưng giới nghiên cứu, học giả, nhà văn, nhà báo… Hàn Quốc thường dùng công cụ này để hành văn” - Bùi Phan Anh Thư cho biết.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư

* Theo chị thì tại sao học giới Hàn Quốc dễ dàng chấp nhận một công cụ máy móc như vậy?

- Vì nỗ lực lớn nhất của người Hàn trong ngôn ngữ là viết cho gần với tiếng nói trên thực tế, nên luật phát âm và luật chính tả luôn song hành với nhau. Xét về luật phát âm, hệ thống nguyên âm/phụ âm tiếng Hàn luôn chia thành bảng âm tự tiêu chuẩn và bảng âm tự thực tế. Nhiều âm thực tế có nhưng lại không thuộc trong bảng âm tự tiêu chuẩn theo luật chính tả; nhiều âm tiêu chuẩn có nhưng thực tế không phát âm như tiêu chuẩn; cũng có những âm nếu viết y như phát âm thì sẽ sai luật chính tả, nhưng vẫn được công nhận cách phát âm như vậy là đúng…

Ví dụ, tên nước Việt Nam sẽ được người Nam Hàn phiên âm là Bê Thư Nam, nhưng người Bắc Hàn phiên là Bết Nam. Tương tự, áo dài cũng có 2 cách phiên âm là Ao dai và Ao chai; Nha Trang có khi gọi là Nha Chang, có khi lại gọi là Nha Tư Rang… Chính sự bất cập và nhiêu khê này, nên Hàn Quốc phải dùng tới công cụ để thuận tiện, thống nhất.

Hơn nữa, Hàn Quốc vốn có văn tự riêng, cho nên ai đó ra đời là đã có một cái tên cho người cùng dân tộc gọi, và một cái tên phiên Latin trong hộ chiếu để người ngoài dân tộc gọi. Hệ thống phiên âm Latin được ban hành thành luật và có chỉnh sửa cập nhật cho phù hợp với thời đại. Bản mới nhất hiện nay là bản số 14 năm 2017 (2017-14), do bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch ban hành. Ví dụ họ Lý có thể phiên âm thành YI hoặc LEE.

Nếu Việt Nam nghĩ đến một công cụ tương tự, tôi nghĩ về mặt kỹ thuật thì không khó để làm, nhưng sẽ khó trong quan niệm về cách phiên âm lúc ban đầu mà thôi, vì chúng ta bang giao rộng rãi, mà thế giới thì có nhiều lối phiên âm rất khác nhau.

Chú thích ảnh
Hình chụp màn hình chương trình phiên âm, chuyển đổi của Hàn Quốc

* Theo chị, những khó khăn ban đầu đó là gì? Hàn Quốc họ thường xử lý thế nào?

- Nhìn ở khía cạnh ngoại giao và văn hóa, ví dụ khi tên một chính khách, một danh nhân… được chuyển sang tiếng Hàn, thì cũng xảy ra một số trường hợp không thống nhất với nhau như Việt Nam trong phiên âm. Ví dụ như Obama thì Hàn Quốc sẽ phiên thành Ô Ba Ma hoặc Ô Bơ Ma, lúc ấy báo đài, cộng đồng mạng sẽ phản hồi, công cụ sẽ điều chỉnh để bớt sai về phiên âm. Khi xã hội chấp nhận một mẫu số chung thì lúc ấy công cụ thành chuẩn, thành luật.

* Trong phiên âm đối sánh, với bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, thì tiếng Việt (ký âm ABC kiểu Latin) và tiếng Hàn, tiếng nào có thuận tiện hơn? Tại sao?

- Tiếng Việt chắc chắn thuận tiện hơn, vì dấu và thanh điệu sẽ giúp cho việc phiên âm dễ chính xác, dễ gần với âm gốc hơn. Đối với các ngôn ngữ dùng ký tự Latin, Việt Nam có thể để nguyên con chữ một cách dễ dàng, đọc có thể sai chút đỉnh, nhưng viết thì đúng, còn hơn đọc sai mà viết cũng sai. Với các ngôn ngữ dùng ký tự Latin, Việt Nam không cần dùng công cụ chuyển đổi phiên âm. Còn đối với các ngôn ngữ không thuộc hệ Latin như tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Mông Cổ, tiếng Ả Rập… thì nhất thiết phải có luật phiên âm, không thì tình trạng “cát cứ” sẽ diễn ra, vừa không thống nhất, vừa không ai hiểu ai.

* Còn các từ gốc Hán, Việt Nam và Hàn Quốc đều có rất nhiều, người Hàn xử lý thế nào?

- Tiếng Hàn có nhiều từ gốc Hán, vậy thì khi phiên âm một tên người - ví dụ như Trần Hưng Đạo - báo chí Hàn sẽ dùng từ Hán song song chữ Hàn. Luật Giáo dục Hàn Quốc quy định tốt nghiệp cấp 3 phải biết khoảng 1.500 từ Hán cơ bản để đọc báo và học lên bậc cao hơn. Nên đọc những từ gốc Hán thì Hàn Quốc hầu như gặp ít khó khăn hơn Việt Nam, nhưng không thuận lợi bằng Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản...

* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này.

Kỳ 7: Ngôn ngữ cũng cần bình đẳng và chế tài

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 5): Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (kỳ 5): Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?

Vấn đề cần phải trả lời rốt ráo và minh bạch: Có cần phải cải cách và luật hóa chữ quốc ngữ hay không? Các sự cải tiến và luật hóa từ năm 1902 đến nay đã cho thấy điều gì? Có phải là sự thất bại thảm hại của sự can thiệp theo ý chủ quan của cơ quan quyền lực/cá nhân nào đó?

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm