Góc Anh Ngọc: Dưới cánh tay Chúa...

16/06/2014 15:52 GMT+7 | Ký sự World Cup

(lienminhbng.org)… Là cả một thành phố trải rộng phía trước và phía sau, với trùng điệp những ngọn núi, những khu dân cư nhà cửa lô xô cái sau cái trước, những bãi biển dài và đẹp chạy hết tầm mắt, biển xanh phía dưới và trời sâu thẳm trên đầu. Rio de Janeiro nhìn từ đỉnh Corcovado có một sự hấp dẫn kì lạ, hệt như khi ta cảm thấy đã ở rất gần với thiên đường, xóa đi cảm giác nặng nề và tù túng đã từng có khi đặt chân đến những favela (khu ổ chuột của Rio).

Khi những chú vẹt chao cánh bay đi dưới một đêm trăng Rio, tượng Chúa Cứu thế hiện ra trong một quầng sáng đẹp đẽ, và thành phố của những giấc mơ và bao cơn ác mộng Brazil bừng sáng lên ở phía dưới đôi tay dang rộng của Người, vừa như đang chào đón, vừa như đang che chở cho hàng triệu tâm hồn sống ở phía dưới. Thật khó có thể quên được những cảnh đẹp đẽ và lãng mạn như thế khi đã xem phim “Rio”. Carlos Saldanha là một đạo diễn giỏi.

Ông là một carioca (người Rio de Janeiro) và ông biết phải làm cho Rio trở thành bất tử như thế nào trong phim hoạt hình của mình, khi lồng trong tình yêu của lứa đôi hình ảnh sôi động và đầy màu sắc lễ hội carnival, những khu favela lụp xụp và nhớp nhúa, nhưng yêu bóng đá như máu thịt của họ, những đường phố đẹp đẽ của khu Lapa, Leblon, bãi biển Copacabana và cả những trường đoạn lãng mạn, như khi chiếc tàu điện thong thả xuống núi dưới hoa rơi, trong tiếng hát của Jamie Foxx cho bản ballad “Flying Love”.

Tượng Chúa cứu thế ở Brazil

Liệu ai đó có thể đem lòng yêu một thành phố chỉ vì những hình ảnh ấy, vì bức tượng Chúa và vì bản nhạc đáng yêu, với những câu hát tỏ tình, như “Anh không biết điều đó xảy ra thế nào/Không biết tại sao/Nhưng em không cần một lí do khi những vì sao bừng sáng/Để yêu nhau”? Và liệu ai đó, một khi đã lên trên đỉnh núi Corcovado, dưới cánh tay Chúa, có thể gạt đi những nỗi ám ảnh đã ngự trị trong lòng họ khi đến Rio, thấy những mặt tối của nó-những căn nhà lụp xụp trong các khu ổ chuột, những đứa trẻ đường phố bị khinh rẻ và bị coi không khác bọn trộm cướp và móc túi, những khu dân cư nghèo, nhếch nhác và buồn thảm ở ngoại ô?

Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra với mình vào lúc lên đến đỉnh ngọn núi ấy, nhưng lòng yêu cuộc sống và khao khát đi bỗng bừng lên khi bản “Flying love” ấy lại vang lên trong đầu. Và sau đó nữa, là những nốt nhạc dạo của bản “Aquarello do Brasil” (Màu nước Brazil) tôi đã từng nghe không biết bao lần nhiều năm về trước. Rio đã ở trong tôi thực ra từ trước khi tôi đặt chân đến đây, trong những bộ phim tôi đã xem, từ “Now, Voyager” (với Bette Midler), “Notorius” (với Cary Grant và Ingrid Bergman) cho đến “Rio” của Saldanha, từ những câu hát của Roberto Carlos cho đến các bản nhạc của Jobim huyền thoại.

Rio nhìn từ trên cao như một thiên đường thực sự

Rio nhìn từ trên cao như một thiên đường thực sự, dù ở dưới, nhiều favela là một dạng địa ngục. Chúa đã ở đó, trên đỉnh Corcovado, từ hơn 80 năm trước, sau khi bức tượng cao 38 mét trên đỉnh núi cao 700 mét này được hoàn thành. Không ở đâu ngắm Rio đẹp như trên núi Corcovado, vì ở đó, ta có thể nhìn thấy thành phố ở tất cả mọi hướng. Trong những ngày trời đẹp mà ánh nắng không quá gắt và gió không quá mạnh, phía dưới giống như một cái khăn trải bàn để bày ra những món ăn ngon nhất cho một bữa tiệc thật đã mắt. Không chỉ nhìn thấy những bãi biển dài và cát trắng của Rio, từ Copacabana, Ipanema và Leblon, mà còn cả Vườn bách thảo và sân vận động Maracana huyền thoại, nơi Chúa cứu thế trên đỉnh Corcovado không thể nhìn thấy, cũng không thể nghe được những lời cầu khẩn của hàng triệu người Brazil trước trận chung kết thua đau đớn Uruguay vào năm 1950. 

Gần như ở góc nào của Rio, người ta cũng nhìn thấy tượng Chúa. Nhưng không phải ở chỗ nào, ánh mắt của Chúa Cứu thế cũng rọi được tới. Những bất công vẫn tồn tại. Ngày ngày, người ta vẫn chết vì đủ mọi lí do trong các favela. Những cuộc biểu tình và bãi công đã bùng lên trước World Cup có thể trở lại bất cứ lúc nào, một khi đội tuyển Brazil không thắng. Và đội tuyển vàng-xanh ấy từ lâu đã hiểu rằng, họ có thể cầu Chúa phù hộ trước các trận đấu, nhưng Chúa không thể thay họ ghi bàn và đem lại các chiến thắng, vì ngài không thể xuống sân đá bóng. Những thảm họa như năm 1950 vẫn có thể xảy ra ở World Cup này, dưới mắt tượng Chúa Cứu thế, im lặng và bất lực.

Ngài đã ở đâu khi Senna chết trong một tai nạn thảm khốc ở đường đua Imola năm 1994, đã ở đâu khi Ronaldo co giật trong đêm trước trận chung kết France 98, đã ở đâu trong cả cuộc đời của những triệu người đang sống và chết trong các favela? Ngài không thể trả lời, nhưng cánh tay ngài luôn dang rộng để đón chào tất cả đến với vương quốc của thiên đường, giống như các linh mục vẫn dang rộng cánh tay trong các lễ nhà thờ và nói “hãy cùng cầu nguyện”. Chúa Cứu thế đón chào Rio, và nếu người ta không tìm thấy sự bình yên trong một cuộc sống hỗn độn, hãy cố gắng tìm thấy nó trong tâm hồn. Triết gia Kierkegaard bảo, “Chúa vừa là đấng cứu thế, vừa là người phán xét chúng ta”. Tôi không biết Chúa trên đỉnh Corcovado có thể cứu vớt ai và phán xét mọi người không, chỉ biết rằng bức tượng ấy được bầu là một trong số 7 kì quan mới của thế giới, và khiến hàng triệu người đặt chân đến đó cảm thấy yêu cuộc đời, bởi chỉ có tình yêu cuộc sống, chứ không phải may mắn, mới có thể đưa họ đến đây.


Cám ơn đời đã cho ta sống. Cám ơn đời đã cho ta đến những nơi như thế này, để hiểu rằng, không có gì quan trọng hơn chính cuộc sống. Nhiều năm trước, tôi đã có cảm giác ấy khi thấy Jack và Rose dang hai tay ở mũi tàu trong phim “Titanic”, đã từng bất giác nhắm mắt lại và dang hai cánh tay khi đứng trên đỉnh Cape Point và nhìn về phía dải đất chạy dài từ Cape Town xa xôi. Trời trên cao, biển dưới chân và nắng ở trên vai. Bên cánh tay phải là Ấn Độ Dương. Bên cánh tay trái là Đại Tây Dương. Biển của hai đại dương khác màu và mắt thường có thể nhận ra dưới nắng. Đấy là điểm gần tận cùng của Châu Phi, tận cùng của thế giới. Khát khao đi, khát khao tri thức, khát khao chinh phục, khát khao yêu đời đã đưa tôi đến đó trong một ngày World Cup của 4 năm trước. Khi nhìn thấy một cột chỉ đường với tấm biển “Rio de Janeiro 6.055 km”, tôi đã ước năm 2014 sẽ có mặt ở Rio. Bây giờ tôi đang ở đây, dang cánh tay mình dưới hai cánh tay Chúa và cám ơn đời đã cho những chuyến đi đến bao ngóc ngách của thế giới.


Bây giờ là tháng World Cup, và trong khi Chúa Cứu thế bất động nhìn xuống Rio phía dưới chân mình trong câm lặng, thì Chúa của người Brazil là những chiến thắng của đội vàng-xanh và đôi tay dang ra trong hạnh phúc của Neymar sau mỗi bàn thắng. Chân sút 22 tuổi ấy đã tỏa sáng trong trận đấu với Croatia, đã trở thành thần tượng của cả một dân tộc, đang là biểu tượng của một Brazil mới khao khát vươn lên mạnh mẽ để làm liền da vết thương Maracana 1950 còn chưa kín miệng. World Cup đang diễn ra đầy hào hứng và kịch tính. Tình yêu bóng đá của người Brazil đang ngày càng lớn dần, như tình cảm mà tôi dành cho Rio, giống như câu hát của Jamie Foxx trong “Flying love”:

“Now I know love is real

So when sky high, as the angels try

Letting you and I, fly love”...

    

Biểu tượng của Rio de Janeiro và Brazil

Ý tưởng dựng một biểu tượng Chúa trên đỉnh Corcovado, nơi cao nhất thành phố, được đưa ra vào năm 1921, khi một nhóm có tên Circulo Carioca tổ chức một cuộc thi xây tượng đài kỉ niệm 100 năm ngày Brazil giành độc lập. Kiến trúc sư Heitor Silva Costa (1873-1947) đã giành chiến thắng, nhưng ông phải mất 10 năm để dự án trở thành hiện thực, do dự án bị coi là quá tham vọng, quá khó thực hiện vì quy mô của nó.

Lúc đầu, Heitor hình dung ra một bức tượng Chúa tay cầm một quả địa cầu và một cây thánh giá, nhưng hội đồng thành phố muốn tạo ra một biểu tượng lớn có thể nhìn thấy từ khoảng cách rất xa. Chính vì thế, ông đã vẽ lại thiết kế, với hai cánh tay dang rộng ra, và bản thân việc Chúa dang tay cũng đã thể hiện hình ảnh của một cây thập giá. Tượng Chúa Cứu thế được xây từ năm 1926 đến 1931, với sự cộng tác đắc lực của nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski, trên đỉnh núi Corcovado (trong tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là “thằng gù”). Tượng được làm ở Pháp do công nhân Brazil thời điểm đó không thể thực hiện được những công trình lớn như thế. Các bộ phận của tượng được chuyển thành từng khối bằng tàu biển từ Pháp về Brazil. Riêng đầu Chúa đã gồm có 50 phần khác nhau tạo thành.

Cho Thế vận hội mùa hè 2016, chính phủ Brazil có kế hoạch tạo ra một bản sao bức tượng cao 10 mét và đặt ở đồi Primrose, phía Bắc London, nhằm quảng bá cho đất nước. Bồ Đào Nha, nước từng cai trị Brazil, cũng có một bản sao khác của bức tượng. Cao 110 mét và hoàn thành năm 1959, tượng Chúa Cứu thế của Bồ Đào Nha có tên Cristo-Rei (Chúa Ki tô Vua) nhìn xuống thủ đô Lisbon.

Tượng Chúa Cứu thế được bầu là một trong 7 kì quan mới của thế giới, và là biểu tượng của Rio và Brazil.


Bài và ảnh Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm