Góc nhìn 365: 'Của một đồng, công một nén'

04/03/2021 07:51 GMT+7

(lienminhbng.org) - Trong những ngày Hải Dương còn bị giãn cách xã hội, đã có hàng trăm chuyến xe “giải cứu” nông sản từ tỉnh này lan tỏa ra thị trường. Những chuyến xe ấy có thể tới Hà Nội, Hải Phòng, tới các đô thị ở miền Bắc. Và có cả chuyến xe chở nông sản vượt gần hai ngàn km vào Nam để... biếu không cho người dân tại đây.

Góc nhìn 365: Điệp khúc 'giải cứu nông sản'

Góc nhìn 365: Điệp khúc 'giải cứu nông sản'

Cụm từ “giải cứu” nông sản đang liên tục được nhắc tới trong dòng thời sự chủ lưu vài ngày qua. Kèm theo đó, trên mặt báo hoặc không gian mạng cũng tràn ngập những hình ảnh về từng đoàn người xếp hàng dài dằng dặc trước tấm bảng đỏ có dòng chữ “Điểm bán nông sản ủng hộ bà con vùng dịch”.

Chính xác là 1.800 km, và là biếu không. Vài ngày trước, “gian hàng nông sản 0 đồng giải cứu giúp bà con tỉnh Hải Dương” đã xuất hiện tại Quận 3, TP.HCM và thu hút hàng trăm người dân đến hưởng ứng.

Đó là gian hàng của một nhóm bạn trẻ TP.HCM. Họ không tiếc công sức, tiền của để mua và vận chuyển 20 tấn bắp cải từ Hải Dương về thành phố mang tên Bác.

Chú thích ảnh
Gian hàng giải cứu nông sản Hải Dương 0 đồng tại TP.HCM - Ảnh: Bạch Hạc

Nếu làm một phép so sánh đơn thuần thì hành động giải cứu nông sản của nhóm bạn trẻ này cũng không khác mấy so với những điểm bán nông sản với “giá rẻ như cho” rầm rộ tại Hà Nội những ngày qua. Đó đều là những hành động đẹp giữa thời điểm dịch bệnh khó khăn, đều là những tấm lòng thơm thảo chia sẻ cùng đồng bào khi gặp hoạn nạn…

Nhưng khi xuất hiện những rào cản về không gian, thời gian, khi gặp những trở ngại có thể làm phát sinh thêm chi phí hay sức lực... thì người ta cũng dễ chùn bước. Trong trường hợp của nhóm bạn trẻ TP.HCM giải cứu nông sản Hải Dương, nếu chọn một hình thức ủng hộ đồng bào dễ dàng và thuận tiện hơn, cũng không ai trách được họ.

Người xưa có câu: “Của một đồng, công một nén” ý chỉ vật chất tuy nhỏ bé nhưng tinh thần và công sức là vô cùng lớn lao. Quả thật, công sức để vận chuyển ngần ấy nông sản từ Bắc vào Nam là vô cùng lớn, chưa kể đến thời gian, chi phí cũng phải đổ ra nhiều hơn so với những trường hợp giải cứu khác.

Vậy tại sao họ phải tốn công sức như vậy?

Tự thân hành động mua nông sản giải cứu cho nông dân vùng dịch Hải Dương của nhóm bạn trẻ này đã là một hành động biểu thị lòng tốt. Dĩ nhiên, sau đó họ hoàn toàn có thể bán lại với mức giá dù đắt hay rẻ, hoặc biếu không cho bà con ở một cái chợ nào đó gần nhất. Nhưng họ đã mang vào tận TP.HCM để bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đến lấy mang về. Như vậy lòng tốt được nhân lên 2 lần. Một việc làm giải cứu nhưng có hai hành động thể hiện lòng tốt.

Mặt khác, ở nơi chưa có hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản vùng dịch nào như ở TP.HCM thì việc xuất hiện gian hàng giải cứu nông sản ít nhiều cũng tạo cơ hội để đồng bào ở phía Nam chung tay hỗ trợ Hải Dương vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

***

Năm qua, chúng ta nhắc nhiều đến từ thiện. Đó cũng là một năm cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào sâu đậm trong mỗi người Việt.

Chú thích ảnh
Dẫu là gian hàng 0 đồng song người lấy vẫn đề nghị san sẻ bằng một phần tiền - Ảnh: Bạch Hạc

Dẫu là gian hàng 0 đồng, chủ trương không bán và người dân cũng chẳng mất tiền mua nhưng thực tế, theo chia sẻ của nhóm tình nguyện, có rất nhiều người khi đến gian hàng đã đề nghị gửi lại một phần tiền để san sẻ khó khăn. Đã có rất nhiều người đóng góp số tiền cao gấp nhiều lần so với số lượng nông sản họ lấy. Những thùng tiền tùy tâm ủng hộ nông sản Hải Dương vì thế mà ra đời tại điểm giải cứu này, như một cách để bất cứ ai cũng có thể cùng chung tay giúp đỡ đồng bào trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn.

Một hành động đẹp sẽ nhân lên nhiều việc làm tốt. Mỗi người góp một chút, một ít sẽ làm nên cả một cộng đồng chung lòng cùng làm việc thiện.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm