Góc nhìn 365: Không gian công cộng cần gì?

18/06/2020 06:55 GMT+7

(lienminhbng.org) - Vấn đề trang trí không gian công cộng đang được hâm nóng trở lại trong thời gian qua, với câu chuyện về con đường gốm sứ, hoặc trước đó là việc “sơn tượng” tại công viên Thống Nhất. Ở cả 2 câu chuyện ấy, những băn khoăn và phản biện từ dư luận đều bước đầu có hiệu quả.

Góc nhìn 365: 'Món nợ' con đường gốm sứ

Góc nhìn 365: 'Món nợ' con đường gốm sứ

Ngày 9/6, thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết: thành phố Hà Nội đã có chủ trương gắn lại những bức tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông mới để thay thế cho một phần “con đường gốm sứ” vừa bị phá bỏ.

Cụ thể, sau khi hơn 300 mét tranh trên con đường gốm sứ bị phá bỏ để mở rộng mặt đê Nghi Tàm, các cơ quan chức năng đã khẳng định sẽ khôi phục và gắn lại phần diện tích này. Còn, ở công viên Thống Nhất, 17 bức tượng tại đây đều được quét trả lại màu trắng ban đầu, sau khi chúng được tự ý sơn xanh đỏ để khắc phục tình trạng xuống cấp.

Thật ra, vấn đề trang trí không gian công cộng tại các đô thị bằng các tác phẩm nghệ thuật mới chỉ được chú ý từ hơn chục năm qua. Như những gì được ghi lại, trong thời điểm vài chục năm trước, những không gian này vẫn thường được trang trí khá giản dị theo tính chất “bao cấp” với các loại hình nghệ thuật chủ yếu là phù điêu hoặc tượng ngoài trời.

Để rồi, khi xã hội bước sang một giai đoạn phát triển mới, việc “làm đẹp” này đã được mở rộng hơn cả về loại hình, quy mô và không gian. Đơn cử, đó có thể là những hình thức điêu khắc, tranh tường, nghệ thuật graffity..., được triển khai bởi mọi thành phần từ nghệ sĩ, cộng đồng tới doanh nghiệp. Và, không chỉ xuất hiện tại công viên, quảng trường, những loại hình nghệ thuật công cộng ấy còn sẵn sàng “bén rễ” ở những vị trí đặc biệt như nhà máy cũ, bến xe bus, hay đơn giản chỉ là các bức tường lâu năm của một khu tập thể.

Nhưng, ở thời điểm hiện tại, điều kiện để những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện tại không gian công cộng cũng khác trước rất nhiều. Một phần, điều này đến từ việc thẩm mỹ (và yêu cầu) của cộng đồng đã được nâng cao. Một phần khác, sự phức tạp và đa dạng của một đô thị hiện đại cũng đòi hỏi nhiều tiêu chí ở các loại hình nghệ thuật nơi công cộng.

Đơn cử, song song với sự tiếc nuối dành cho đoạn “con đường gốm sứ” bị phá bỏ, đã có những ý kiến cho rằng đoạn tranh tường xây lại (trong tương lai) cần được nghiên cứu và thẩm định kĩ, để khắc phục nhược điểm của công trình này: Chủ đề quá nhiều, quá lan man và thiếu sự kết nối về tổng thể trên suốt quãng đường dài gần 4km. Thậm chí, có cả đề xuất, rằng đoạn tranh tường mới chỉ cần lát gốm, với gam màu trầm và hoa văn chìm rất nhẹ... - thay vì là những bức tranh nối tiếp và đa màu sắc.

Chú thích ảnh
Bức tượng được sơn lại tại công viên Thống Nhất

Và ở hướng ngược lại, cũng đã có những chuyên gia phân tích rằng việc “sơn lại” 17 bức tượng xưa cũ trong công viên Thống Nhất lẽ ra đã có thể được dư luận đánh giá tích cực - nếu như những người thực hiện có sự nghiên cứu thêm về thẩm mỹ và không quét màu theo kiểu “hồn nhiên” tô mắt và tóc màu đen, tô môi màu cam (hoặc đỏ) như vậy.

Nói rộng hơn, bên cạnh những chuỗi tác phẩm được đánh giá tích cực gần đây như phố bích họa Phùng Hưng, hay con đường nghệ thuật từ bãi rác Phúc Tân ven sông Hồng, không gian công cộng tại Hà Nội cũng không ít lần xuất hiện những tác phẩm bị coi là thảm họa thị giác. Sự bùng nổ của khá nhiều loạt tranh tường dễ dãi cả về nội dung, tạo hình, chất liệu... là điển hình.

***

Sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần đơn thuần gắn với nhu cầu “làm đẹp” không gian công cộng. Trong một chừng mực, đó là xu thế tất yếu của những đô thị phát triển - khi mà thực tế trên thế giới đã chứng minh: Những tác phẩm nghệ thuật công cộng thành công có thể thay đổi số phận của cả một khu phố, với lượng khách du lịch đổ về và tạo ra sự gia tăng về giá trị của quỹ đất xung quanh.

Chỉ có điều, thành công ấy phải bắt nguồn từ những đòi hỏi rất phức tạp - không chỉ ở giá trị tự thân của mỗi tác phẩm nghệ thuật, mà còn ở sự tương thích giữa chúng với các yếu tố về cảnh quan vật lý, lịch sử, đặc thù xã hội... và đặc biệt là cộng đồng thụ hưởng.

Bởi thế, trong bối cảnh Hà Nội đã được UNESCO ghi danh vào mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới, đã đến lúc, vấn đề nghệ thuật tại các không gian công cộng cần được tạo điều kiện phát triển một cách chuyên nghiệp hơn, bởi đội ngũ những người làm nghề và cả những quy chế đi kèm. Có thể phức tạp, nhưng đó là đòi hỏi tất yếu ở một thành phố đã chọn công nghiệp văn hóa làm trọng tâm phát triển...

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm