Góc nhìn 365: Điều kiện cho lòng tốt

03/08/2021 07:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ tặng tiền cho bà con về quê tránh dịch ở vòng xoay Bắc Phan Thiết (Bình Thuận) đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận những ngày qua.

Góc nhìn 365: 'Về quê' mùa dịch

Góc nhìn 365: 'Về quê' mùa dịch

Một câu chuyện nhỏ nhưng cũng đủ khiến chúng ta thêm ấm lòng trong những ngày u ám vì bệnh dịch: Chiều 11/7 vừa qua, 47 đồng bào dân tộc H'rê đã về tới quê nhà tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) một cách an toàn.

Trong bộ đồ giản dị và đôi dép tổ ong, người phụ nữ ấy đứng tại trạm tiếp tế dã chiến, với xấp tiền mệnh giá 500 ngàn đồng trên tay. Lần lượt, những chiếc xe máy ghé vào trạm lấy bánh, lấy nước đều được chị tặng 500 ngàn đồng làm chi phí đi đường. Rồi, không đợi nghe lời cám ơn từ những người đang ngỡ ngàng cầm tiền, chị lại lặng lẽ lui vào góc trạm, vừa tranh thủ nhai sắn luộc vừa chờ đoàn xe khác.

Như những gì được chia sẻ, trong 2 ngày 30 và 31/7, khoảng 120 triệu đồng đã được người phụ nữ tên Huệ ấy phát hết. Tất cả đều là tiền túi của chị - và lý do cũng rất ngắn gọn: Cảm giác xót xa trước cảnh vất vả của những người phải chạy xe máy về quê trong mùa dịch này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh chị Huệ cầm xấp tiền trên tay đi phát tiền cho người dân đi xe máy trên đường về quê tránh dịch được lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: Internet

Đáng nói hơn, Huệ không phải là người duy nhất làm từ thiện theo cách ấy. Gần như song song với Huệ, ở phía Bắc, một phụ nữ tên Hiền cũng đứng ra giúp đỡ bà con ở khu vực cầu Bến Thủy (Nghệ An). Trên mui chiếc xe ô tô của Hiền, một thùng giấy đựng các phong bì tiền được đặt kèm theo dòng chữ "Mỗi người đi xe máy về quê, vui lòng nhận 1 phòng bì 500k” (500 ngàn đồng).

Như thống kê, trong 2 ngày, chị Hiền đã tặng khoảng 100 triệu đồng cho những người về quê tránh dịch.

***

Sự xúc động và khâm phục đang được cộng đồng dành cho 2 người phụ nữ ấy trong những ngày qua.

Chắc chắn, nó bắt nguồn phần nào từ giá trị trực tiếp của những phần quà - khi 500 ngàn đồng là số tiền không lớn, nhưng cũng không quá nhỏ với đại đa số chúng ta. Chắc chắn, chúng sẽ rất hữu dụng với những người lao động trong hành trình bất đắc dĩ kéo dài hàng trăm km, với cả loạt nhu cầu phát sinh trên đường.

Nhưng, xa hơn thế, cách mà 2 người phụ nữ ấy chia sẻ những đồng tiền của mình mới là điều khiến dư luận đồng cảm. Bởi, họ đã chọn cách giúp đỡ trực tiếp và tiện lợi nhất cho những đồng bào nghèo - thay cho sự ngần ngại về những xác suất “thiếu chính xác” có thể xảy ra.

Thẳng thắn, sự ngần ngại ấy đã từng - và vẫn đang - tồn tại trong xã hội, khi mỗi người đứng ra làm từ thiện: Chúng ta không tiếc công sức và vật chất, nhưng vẫn dễ có sự suy tính để những món quà của mình được sử dụng một cách hợp lý nhất, cho những người... xứng đáng nhất để nhận quà. Nói cách khác, chúng ta sẽ cố gắng tránh mọi “lỗ hổng” trong hành trình và mục đích sử dụng của những phần quà ấy.

Đó là điều bình thường dễ hiểu - khi mà sự phân hóa trong xã hội hiện đại sẽ mở ra nhiều cảnh ngộ khó khăn ở các mức độ khác nhau. Và, cũng phải nói thật: Lòng tham và sự tư lợi ở một số cá nhân vẫn đang tồn tại, khiến nhiều khi những phần quà từ thiện không được chuyển tới tay những người xứng đáng.

Với 2 phụ nữ trên, chị Huệ đang là chủ một vựa kinh doanh hải sản, còn chị Hiền là người đã làm từ thiện khá lâu năm. Chắc chắn, họ thừa hiểu câu chuyện này. Thế nhưng, vượt trên những toan tính ấy, sự xót xa trước cảnh ngộ của những đoàn người gồng gánh về quê là lý do để họ không ngần ngại gửi đi sự giúp đỡ của mình một cách trực tiếp và không toan tính.

Nó gắn với một cách ứng xử rất thật trong tâm thức của người Việt Nam, rằng trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta luôn đặt tình người lên cao nhất trong hoạn nạn, để rồi không ai có thể nhìn đồng bào mình đang đói rét mà không chia sẻ áo mặc, cơm ăn.

Và như thế, theo một nghĩa nào đó, tất cả những đồng tiền mà Huệ và Hiền chia sẻ trong mùa dịch đều không hề vô ích. Bởi, chúng khiến cả cộng đồng hiểu thêm rằng: Lòng nhân ái sẽ không cần - và không nên kèm theo - bất cứ một điều kiện nào, trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này.

Cũng cần phải nói thêm, trong Công điện ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội phải “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)”.

Hy vọng rằng, những ngày tới đây, sẽ không còn cảnh rồng rắn về quê tránh dịch một cách tự phát nữa.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm