Góc nhìn 365: Sĩ tử và 'Hạ Mã'

06/07/2021 07:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - 2 tấm bia ấy nằm bên phải và bên trái cổng Nghi môn của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mỗi tấm có chữ Hán “Hạ Mã” được đắp nổi. Chẳng lạ, đó là tấm “biển báo” yêu cầu xuống ngựa, thường đặt ở cổng làng hoặc các không gian thiêng khi xưa để nhắc nhở sự thành kính cần thiết từ cộng đồng.

Góc nhìn 365: Văn Miếu mùa thi

Góc nhìn 365: Văn Miếu mùa thi

Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng quen mà lạ, khi những dòng người liên tục đổ tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội để cầu may, trong thời điểm kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp bắt đầu.

Và tất nhiên, hiểu điều ấy, chẳng ai nghĩ tới chuyện mang hương khói tới khấn vái trước những tấm bia này. Nhưng, những gì vừa diễn ra trước 2 tấm bia ấy cuối tuần qua thì buộc ta phải ngẫm ngợi.

Trong những bức ảnh được ghi lại, đó là câu chuyện của dòng người xúm đông xúm đỏ từ sáng sớm trước cổng Văn Miếu để vái vọng - khi di tích đặc biệt này không thể mở cửa đón khách trong mùa dịch. Thẻ hương bốc khói trên tay nhưng không có chỗ cắm, một số người đành đặt hương nằm lọt giữa lớp rào sắt - trong khi một số đông khác tập hợp trước 2 tấm bia Hạ Mã với vàng mã, hương, hoa... để lẩm nhẩm khấn xin.

Nhìn những tờ giấy ghi số báo danh và phòng thi trên tay, không khó để nhận ra phần lớn trong số đó là những sĩ tử sẽ chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 7 và 8/7 này. Chưa hết, cũng trong các bức ảnh, có cả những thí sinh kỳ công mang tới Văn Miếu cả đống đề thi, rồi tự... bốc chọn sau khi khấn để hy vọng được “mách nước” về bài thi sắp tới.

Chú thích ảnh
 Chiều 4/7 trước cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám khá đông sĩ tử đến dâng hương, cầu may trước ngày thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Như lời than từ phía Ban quản lý di tích, việc “hỏi thăm” lịch mở cửa Văn Miếu để tới dâng hương đã được các sĩ tử và gia đình gửi tới đây từ nhiều ngày trước. Để rồi, khi được tư vấn về di tích đóng cửa và không nên tụ tập trong mùa dịch bệnh, nhiều người vẫn kéo tới đây với tâm trạng bứt rứt “không đến không yên”.

Sự thực, đây là lần hiếm hoi Văn Miếu không đón khách trong mùa thi, nên dòng người mới đổ xô vào khấn vái trước tấm biển có tính chất “Xuống xe, tắt máy” ấy. Còn lại, vào những năm trước, chuyện cầu may của sĩ tử thường được gắn với các kiến trúc bên trong, chủ yếu là các bức tượng thờ và hệ thống văn bia cổ.

Ở đó, nếu các bức tượng thờ từng bị nhét tiền cúng một cách vô tội vạ vào phần bệ đỡ hoặc kẽ ngón tay thì những cụ rùa đá đội bia tiến sĩ luôn trở thành tâm điểm để các sĩ tử... xoa tay lên đầu lấy may, với niềm tin sẽ thi cử đỗ đạt. Trào lưu ấy thịnh hành tới mức, sau khi căng dây bảo vệ và ngăn cấm việc “xoa đầu”, đã có thống kê vui của những người trong cuộc rằng đầu mỗi cụ rùa đá hiện đã bị mài mòn đi gần 2mm so với nhiều năm trước đây...

***

Từ bao giờ, Văn Miếu - di tích vốn là biểu tượng của đạo học không chỉ tại Hà Nội, mà còn trong cả nền văn hóa Việt Nam - lại trở thành tâm điểm của những hành vi thiếu hiểu biết trong mùa thi theo cách ấy?

Câu trả lời không khó, nếu nhìn vào lịch sử của di tích này. Khởi điểm từ trường học của các hoàng tử nhà Lý, “ngôi trường” ấy đã từng bước mở rộng cho nhiều đối tượng, đặt nền móng mở đầu nền học vấn của Việt Nam và được vinh danh qua nhiều thế kỷ với quan điểm đào tạo và trọng dụng nhân tài của các vương triều phong kiến cũ, được thể hiện qua câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà chúng ta thường dẫn lại.

Và như lời các chuyên gia văn hóa, khởi nguồn của tục “cầu may” ấy có thể là câu chuyện sĩ tử khi xưa tìm tới các bia đá tiến sĩ, ngẫm ngợi nội dung văn bia và câu chuyện hiếu học của người xưa để làm gương học tập. Có nghĩa, trong một chừng mực, đó có thể là một nét văn hóa tích cực - trước khi bị biến tướng theo kiểu dâng lễ, cầu khấn lấy được như bây giờ.

Có nghĩa, câu chuyện ở đây vẫn là sự chi phối của tâm lý a dua, thiếu hiểu biết và có cả chút mê tín dị đoan - điều mà người ta từng bắt gặp ở rất nhiều nét văn hóa truyền thống bị phá vỡ trong một xã hội phát triển quá nhanh và quá nóng. Và việc giải quyết thực trạng ấy vẫn phải là một con đường dài về nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng, thay vì những biện pháp xử phạt hay khuyến cáo mà một số người đã nhắc đến khi chứng kiến câu chuyện quanh tấm bia “Hạ Mã” vừa qua...

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm