25/11/2021 07:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chúng ta vừa đón nhận một thông tin đặc biệt: Trong năm 2022, tổ chức UNESCO sẽ cùng Việt Nam vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm ngày sinh - 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Cụ thể, cùng với 58 hồ sơ khác của thế giới, 2 danh nhân Việt Nam đã có tên trong nghị quyết về “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023”, được Đại hội đồng UNESCO thông qua trong phiên họp ngày 23/11.
Và, tin vui này đến với Việt Nam trùng với thời điểm chúng ta đang kỷ niệm ngày Di sản văn hóa (23/11) và tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc một ngày sau đó.
Với rất nhiều người Việt Nam, 2 tên tuổi vừa được UNESCO vinh danh không hề xa lạ. Ở đó, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà văn hóa với những vần thơ đậm tính nhân văn mà còn là một tấm gương có thật cho những con người vượt qua mọi rào cản hiện tại để theo đuổi lý tưởng của mình. Còn bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ hơn 2 thế kỷ trước đã được biết tới với tư tưởng tiến bộ về nữ quyền, cũng như những vần thơ đầy ắp sự lạc quan trong cuộc sống.
Cũng phải nhắc lại, trước 2 nhà thơ này, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/ năm mất của các danh nhân Việt Nam, như kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019).
Và, điểm chung ở tất cả những cái tên ấy chính là những đóng góp đặc biệt trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Để rồi, sự vinh danh của cộng đồng quốc tế với các danh nhân văn hóa Việt Nam cũng chính là sự ghi nhận những giá trị nhân văn và bất biến của chúng ta về văn hóa, lịch sử của mình.
***
Ai cũng biết, bên cạnh những hằng số bất biến, văn hóa cũng luôn có sự vận động theo thời gian để tích lũy thêm những giá trị hiện đại. Ở đó, bên cạnh nỗ lực lưu giữ, truyền bá những truyền thống của cộng đồng, chúng ta cũng không thể bỏ qua sứ mệnh của những nhà văn hóa, và trực tiếp nhất là những văn nghệ sĩ vốn gắn liền với thiên chức sáng tạo.
Chính họ là những người khám phá và kết tinh vẻ đẹp cũng như sự nhân văn của dòng chảy trong cuộc sống thường nhật - để rồi từ đó tạo dựng những nét đẹp văn hóa và làm phong phú thêm bề dày truyền thống của dân tộc. Và, qua mỗi giai đoạn, hệ thống giá trị văn hóa của dân tộc lại có thêm những chiều kích mới mà thời đại mang về.
Giống như, nếu thời đại của nữ sĩ Hồ Xuân Hương gắn với việc khẳng định vai trò cá nhân của con người và sự bình đẳng nam nữ, thời đại của Nguyễn Đình Chiểu gắn với khát vọng độc lập của cả một dân tộc thì thế kỷ XXI lại đang mở ra trước người Việt những câu hỏi mới của một thời đại công nghệ với sự gắn kết phi biên giới, với những thách thức lớn cho sự sáng tạo để bắt kịp dòng chảy của thế giới - đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến cả nhân loại “bước sang trang” và nhìn nhận lại mọi giá trị của mình.
Và khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra vào hôm qua 24/11 và mở ra những kỳ vọng đặc biệt về việc đưa nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới, tin vui từ sự tôn vinh 2 danh nhân văn hóa của dân tộc cũng chính là lời khích lệ với các văn nghệ sĩ trước những đòi hỏi của sự sáng tạo. Bởi, đó cũng là thiên chức mà họ đang nắm giữ.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất