06/09/2016 06:35 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ấn tượng mạnh nhất đối với tôi trong ngày khai giảng năm nay là hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu lên lớp tại một trường trung học.
Một tiết học đã diễn ra bình thường như bao tiết học khác. Nhưng hẳn rằng, sự xuất hiện của GS Ngô Bảo Châu trên bục giảng đã biến đây thành một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của các em học sinh bên dưới. Và với tôi, đây là một lớp học biểu tượng trong ngày khai giảng.
Tất nhiên, ai cũng hiểu, buổi lên lớp này của GS Ngô Bảo Châu chỉ mang tính chất “ví dụ” thôi, nó có ý nghĩa khếch trương cho một hệ thống trường học mới của một doanh nghiệp đang bắt đầu đầu tư mạnh vào giáo dục. Nhưng công bằng mà nói, đó là một “màn” ra mắt rất ý nghĩa.
Giáo sư Ngô Bảo Châu dạy buổi học đầu tiên của trường TH School ngay sau Lễ khai giảng
Ngày khai giảng là ngày mở đầu năm học mới. Chúng ta đã nói rất nhiều về sự nghiệp “trồng người”, hay về mục tiêu “dạy làm người” của nền giáo dục. Chúng ta cũng nói rất nhiều về chuyện “tiên học lễ, hậu học văn”... Tất cả những mục tiêu đó đều vô cùng quan trọng và thiết yếu.
Nhưng nội dung căn bản của giáo dục vẫn là truyền bá tri thức. Ham học hỏi, đam mê tri thức là vẻ đẹp của lứa tuổi học trò, mà có lẽ không chỉ ở các cấp học phổ thông, mà cả ở các cấp học cao hơn như đại học, nghiên cứu sinh...
Không có biểu tượng giáo dục nào đẹp đẽ hơn là những tấm gương hiếu học, nhờ học hành mà trở thành những bậc đại hiền, đại trí, những tri thức tài ba trong thiên hạ... khiến xã hội phải kính cẩn, nghiêng mình.
Nhưng dường như không phải lúc nào người ta cũng quan niệm như thế. Người Việt chúng ta được tiếng là hiếu học, thậm chí đầu tư cho con học hành lên cao bằng mọi giá.
Nhưng sự “hiếu học” ấy đôi khi không phải là cho con em mình vươn tới những đỉnh cao tri thức, mà lại nhằm vào những thứ rất thiết thực trong cuộc sống như: học hành để thăng quan tiến chức, học để có cái nghề sau này dễ xin việc hay chí ít cũng là học để có được cái bằng, đỡ phải thua chị kém em, còn nghề nghiệp thì sau này tính sau...
Đôi khi, hình ảnh những đứa trẻ “đầu to, mắt cận” vì vùi đầu vào học lại bị chế giễu. Bây giờ chúng ta xem trọng những đứa trẻ năng động, tháo vát trong cuộc sống hơn. Ngay cả sinh viên cũng vậy.
Mỗi lần nghe ai đó ôm đàn nghêu ngao Bài ca sinh viên với những câu như “Cùng dắt nhau qua những ngày gian khó/ Cùng dắt nhau qua quãng đời sinh viên”, tôi lại có cảm giác như đó là bài ca của những người... xuất khẩu lao động nơi xứ người, hơn là bài ca của những trí thức thời đại.
Tôi mong rằng, Bài ca sinh viên của thời nay phải là cùng dắt nhau vượt qua những “bức tường tri thức” của loài người.
***
Trở lại với GS Ngô Bảo Châu. Ông là mẫu mực của một con người thành đạt như học hành. Mà sự thành đạt ở đây là vươn tới những đỉnh cao tri thức khiến thế giới phải ngưỡng mộ (giải thưởng Fields là một minh chứng). Ông là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất cho con đường học hành trong thời hiện đại.
Hy vọng rằng, cùng với tiết học “mẫu” tại trường trung học nêu trên trong ngày khai giảng, trong thời gian tới, GS Ngô Bảo sẽ dành thời gian lên lớp nhiều hơn nữa ở các cấp học, để thổi bùng niềm đam mê tri thức cho các thế hệ học trò.
Nền giáo dục Việt Nam rất cần những biểu tượng tri thức như GS Ngô Bảo Châu trong ngày khai giảng.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất