Hallyu - Công cụ chinh phục thế giới của Hàn Quốc

30/11/2012 15:45 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Hàn Quốc rất bài bản trong việc quảng bá - kinh doanh văn hóa tại nước ngoài. Cuối tháng 11 vừa qua, liên tiếp có hai sự kiện liên quan đến Kpop đáng chú ý (nhất là với người hâm mộ Việt Nam): đại nhạc hội Kpop tại Hà Nội ngày 29/11 và Lễ trao giải MAMA - giải thưởng lớn của Kpop - tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30/11.

“Cuốn sách vỡ lòng cho người nước ngoài”

Hallyu (Làn sóng Hàn) là công cụ giáo dục không phải cho người Hàn mà là cho người nước ngoài. Chẳng hạn, ở Mỹ - thị trường mơ ước của mọi nghệ sĩ Hàn và toàn bộ ngành giải trí Hàn. Nhìn từ nước Mỹ, phóng viên thường trú Jane Han của tờ Korea Times nhận định: “Nhóm nhạc Super Junior hay bộ phim Bản tình ca mùa Đông với ngôi sao Bae Yong Jun có thể là những cuốn sách vỡ lòng mới của người nước ngoài khi học về Hàn Quốc”.

“Trước đây khi chúng tôi dạy ngôn ngữ, luôn là ngữ pháp và từ vựng, cũng như cách học sinh Hàn Quốc học tiếng Anh”, giáo sư Lee Hyo Sang của Đại học Indiana nói với Korea Times. “Nhưng chúng tôi nhận ra, chính nhạc pop và phim truyền hình Hàn Quốc đã khiến sinh viên trở nên yêu thích tiếng Hàn, và sẽ thật thoải mái và hiệu quả nếu thêm vào chương trình học những yếu tố mà người học thích”, ông Lee nói.

Nhóm DBSK lần cuối sang Việt Nam?

Chính ông Lee và các thành viên khác trong Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc tại Mỹ (AATK) đang soạn chương trình dạy mới chú trọng các yếu tố văn hóa. Hiện tại, có 70 trường phổ thông và 93 trường đại học, cao đẳng ở Mỹ có các lớp tiếng Hàn. Cùng với sự nổi lên của Làn sóng Hàn, lượng sinh viên thích học tiếng Hàn càng tăng lên.

Lời bài hát, chẳng hạn Beautiful Woman (Bonamana) của Super Junior, sẽ là một chất liệu giảng dạy, sử dụng để minh họa cho các cấu trúc ngữ pháp. Hay, phim Bản tình ca mùa Đông sẽ được đưa ra so sánh với Dawson’s Creek, một phim truyền hình ăn khách của Mỹ gần như cùng giai đoạn (lần lượt chiếu vào các năm 2002 và 1998), để người học thấy được sự giống và khác nhau giữa hai bộ phim đều theo kiểu “melo” của hai nền phim ảnh.

Theo thời gian và sự trẻ hóa về độ tuổi của công chúng, Kpop (nhạc pop thần tượng Hàn Quốc) ngày càng chiếm thế thượng phong trong Làn sóng Hàn, hiện tại đã chiếm ưu thế hơn hẳn so với phim truyền hình.

Ông John Hirai, người đứng đầu mảng âm nhạc của YouTube ở Nhật và Hàn, nhận định tại Hội thảo âm nhạc Mu: Con ở Seoul vào tháng 10: “Hàn Quốc là một đất nước không chỉ dẫn đầu châu Á mà còn dẫn đầu thế giới về việc sử dụng Internet và đặc biệt là mạng xã hội YouTube, trong việc quảng bá không chỉ âm nhạc mà còn nhiều lĩnh vực khác của nền giải trí. Tất cả chúng ta đều biết, Kpop đã trở thành một hiện tượng thế giới”.

Hirai chọn trường hợp Psy và Gangnam Style để làm ví dụ cho sự kết hợp tuyệt vời YouTube và quảng bá âm nhạc. “Rất nhiều công ty giải trí và nghệ sĩ đều nỗ lực rất mệt mỏi để vượt ra ngoài châu Á nhưng điều đó chưa từng xảy ra. Sau đó, một anh chàng như Psy bật lên, thật không thể tin nổi”.

Tham vọng chinh phục thế giới

Cuối tháng 11 này, liên tiếp có hai sự kiện liên quan đến Kpop đáng chú ý (nhất là với người hâm mộ Việt Nam): Đại nhạc hội Kpop tại Hà Nội ngày 29/11 và lễ trao giải MAMA - giải thưởng lớn của Kpop - tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30/11.

Riêng MAMA là một giải thưởng ít nhiều thể hiện tham vọng lớn lao của ban tổ chức ở Hàn Quốc. Đưa lễ trao giải sang Macau (năm 2010) hay Hong Kong (năm ngoái và năm nay), ban tổ chức muốn biến MAMA thành sự kiện âm nhạc khu vực châu Á và rộng ra toàn cầu.

Cơn sốt văn hóa Hàn Quốc đến từ âm nhạc và điện ảnh

Năm ngoái, phát biểu của một vị lãnh đạo ban tổ chức MAMA rằng “muốn đưa giải thưởng này trở thành tầm cỡ như Grammy của Mỹ”, được đăng trong thông cáo báo chí gửi cho các báo Việt Nam, đã khiến nhiều người phải… tủm tỉm cười. Nhưng năm nay, MAMA đã có Psy cùng bài hát thành công nhất trong lịch sử nhạc Hàn Gangnam Style. Mà Psy thì vừa gây sốt tại các lễ trao giải EMA của châu Âu lẫn AMA của Mỹ. Psy là sức hút lớn cho MAMA năm nay, cũng như tại Đại nhạc hội Kpop ở Việt Nam, màn biểu diễn Gangnam Style của nữ ca sĩ Hyun A (người hợp tác với Psy trong bài hát này) chắc chắn sẽ rất được trông đợi.

Mặc dù vậy, tính toàn cầu của MAMA vẫn bị đánh giá thấp vì hầu hết giải thưởng thuộc về các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn, đã thế lại toàn ngôi sao thần tượng (ở Hàn Quốc, ca sĩ thần tượng được phân biệt với ca sĩ các dòng nhạc “đích thực” khác).

Kpop và Việt Nam

Vài ngày trước đại nhạc hội, một thông tin bị rỏ rỉ: Đại nhạc hội Kpop có thể là lần cuối DBSK sang Việt Nam. Cụ thể, Công ty SM Entertainment (quản lý các nhóm rất nổi như DBSK, SNSD, Super Junior…) thấy tiềm năng kinh doanh biểu diễn ở Việt Nam không lớn nên không hứng thú với việc tổ chức hòa nhạc tại đây. Có một dòng tin rộ lên gây chú ý: “Có thể DBSK sẽ không quay lại Việt Nam trong vòng 15 năm nữa”. Trong trường hợp này, “15 năm” có vẻ đồng nghĩa với “không bao giờ”.

Thông tin này, với nhiều người (đặc biệt là những người vẫn còn nhún vai và hỏi: “DBSK là ai?) thì không có gì to tát, nhưng lại là một thông điệp mạnh mẽ lan truyền trong cộng đồng fan của DBSK (Cassiopeia) tại Việt Nam: “Đây là lần đầu tiên, rất có thể là lần cuối cùng, nhiều khả năng là lần duy nhất, DBSK đến Việt Nam. Vậy bạn có chịu bỏ lỡ cơ hội này không”?

Nhưng, qua nhiều lần “sao” Hàn đến Việt Nam biểu diễn, người hâm mộ Kpop rút ra một điều rằng: công tác tổ chức ở Việt Nam chưa thực sự tốt. “Các sự kiện rất lộn xộn, chưa bao giờ có cảm giác trọn vẹn mà luôn xảy ra những chuyện khó chịu. Để dành tiền sang Thái Lan xem có khi còn hơn”, một người hâm mộ Kpop nói với TT&VH.

Nhận định đó không phải là võ đoán. Trong cộng đồng hâm mộ Kpop, một số từng đi xem biểu diễn ở Thái Lan và vài nước Đông Nam Á nên có kinh nghiệm để so sánh. Ví dụ thì nhiều. Việc bán phá giá vé ngay trước giờ diễn là chuyện không hiếm, từng xảy ra với 2AM, Backstreets

Boys, Westlife… gây thiệt hại uy tín cho nghệ sĩ. Không những thế, còn tạo ra tiền lệ chẳng hay ho gì. Đến Đại nhạc hội Kpop lần này, nhiều người vẫn có tâm lý: “Sát giờ diễn thử đến sân Mỹ Đình xem có vé rẻ bất ngờ không”.

Ngược lại, có những đêm diễn phát vé mời miễn phí như Music Bank ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hồi tháng 3 lại bị hét giá “trên trời”: vé VIP 9 triệu, vé chỗ ngồi xấu cũng lên đến 3-4 triệu đồng (theo VnExpress).

Hôm 2/11, trong buổi họp báo trước Đại nhạc hội Kpop 29/11, có phóng viên hỏi ban tổ chức về việc kiểm soát phe vé, bởi đây là chương trình rất thu hút nên nhiều khả năng phe vé sẽ hoạt động sôi nổi. Nhạc sĩ Phú Quang, cố vấn của đêm nhạc, cho rằng kiểm soát hay hạn chế được phe vé là “một ước mơ đẹp nhưng xa vời”.

Đó cũng là tình trạng chung của những đêm nhạc “hot” ở Việt Nam, với các chương trình có sự xuất hiện của Làn sóng Hàn thì lại càng khó tránh. Âu đó cũng là điều… tất yếu của thị trường ca nhạc trong giai đoạn này!

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm