04/10/2021 07:29 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Phải đến hơn ba tháng nữa, Australian Open 2022 mới chính thức khởi tranh vào đầu năm sau. Nhưng một thông điệp rõ ràng cho các tay vợt muốn tham dự: chấp nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc sẽ bị khước từ cơ hội tham dự giải đấu.
Đó chắc chắn là thông tin tay vợt hàng đầu thế giới Novak Djokovic không hề muốn nghe một chút nào. Tay vợt người Serbia vẫn tiếp tục kháng cự với ý định tiêm vắc xin phòng Covid-19, bất chấp việc anh đã từng nhiễm virus corona hồi năm ngoái. Cách đây chưa lâu, Djokovic đã bày tỏ quan điểm khá mập mờ về chuyện anh muốn tiêm vắc xin hay không: “Tôi nghĩ rằng đây là một quyết định mang tính cá nhân, mọi người hoàn toàn có thể lựa chọn việc tiêm vắc xin hay không”.
Chính quyền bang Victoria, nơi diễn ra Australian Open hàng năm, nhiều khả năng sẽ yêu cầu tất cả các tay vợt muốn tham dự giải Grand Slam đầu tiên trong năm phải tiêm đầy đủ vắc xin phòng dịch kể cả khi tình hình tiêm chủng ở bang đạt mức 90% dân số đã được tiêm đầy đủ. Điều này khiến ông Craig Tiley, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Australia, lo ngại những tiêu chuẩn ngặt nghèo từ chính quyền bang sẽ khiến nhiều tay vợt lớn vốn tỏ ra khá ngần ngại trong việc tiêm vắc xin có thể tính đến phương án từ chối tham dự giải đấu.
Trong lúc ông Tiley tìm mọi cách để giảm nhẹ yêu cầu tiêm vắc xin, ông Brett Sutton, người phụ trách công tác y tế bang Victoria, khẳng định khó có thể có ngoại lệ cho các tay vợt tham dự Australian Open. Còn ông Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria, khẳng định không đồng tình với ý tưởng chiếu cố cho những tay vợt hàng đầu như Djokovic đến Melbourne được cấp visa mà không cần đảm bảo việc tiêm chủng: “Các danh hiệu Grand Slam không thể là thứ giúp các tay vợt miễn trừ trách nhiệm. Thứ duy nhất giúp các tay vợt có cơ hội giành danh hiệu là họ phải đảm bảo việc tiêm đầy đủ hai liều vắc xin. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện với Thủ tướng Australia cũng như dựa trên các suy luận khách quan. Thậm chí kể cả khi bạn là người bản xứ, bạn không thể có cơ hội hiện diện ở Australian Open nếu không đảm bảo việc tiêm chủng. Thế nên, nếu bạn là người nước ngoài, cơ hội để bạn đến Australia mà không cần tiêm vắc xin là rất thấp”.
Thực tế, Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nam (ATP) và nữ (WTA) không hề có quy định bắt buộc các tay vợt phải tiêm vắc xin, thay vào đó họ sẽ tự mình đưa ra lựa chọn. Ở giải quần vợt US Open hồi tháng Chín vừa qua, ATP ước tính có khoảng một nửa số tay vợt nam tham dự đã hoàn thành việc tiêm vắc xin, trong khi tỷ lệ này ở các tay vợt nữ theo ước tính của WTA là khoảng 60%. Tất nhiên, cả hai hiệp hội vẫn khuyến cáo các tay vợt nên tiến hành việc tiêm chủng để có thể nới lỏng các hoạt động tại những giải đấu do mình tổ chức. Tuy vậy, khán giả muốn đến sân theo dõi các trận đấu tại US Open buộc phải trình chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin ở cửa ra vào.
Hiện tại, các tay vợt vẫn đang có những quan điểm khác nhau về chuyện tiêm vắc xin. Nữ tay vợt Ashleigh Barty là một trong số những tay vợt tiến hành tiêm vắc xin sớm nhất khi cô đã bắt đầu thực hiện từ tháng Tư sau chiến dịch của WTA. Không ít các nam tay vợt lại tỏ ra chần chừ như Djokovic, bao gồm trường hợp của tay vợt người Hy Lạp Stefanos Tsitsipas và tay vợt người Đức Alexander Zverev.
Còn về công tác tổ chức Australian Open, dự kiến các tay vợt sẽ không còn phải cách ly bắt buộc 14 ngày như những gì đã thấy ở giải đấu hồi đầu năm nay, vốn đã phải lùi lại thời điểm tổ chức sang tận ngày 8/2, muộn hơn ba tuần so với kế hoạch tổ chức ban đầu.
Đ.Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất