07/12/2017 07:19 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chiều 5/12, Hội đồng nhân dân Hà Nội thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trong thành phố.
Cụ thể, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50%, cao nhất 300%, với giá trị tương ứng từ 20-160 nghìn đồng/m2/tháng.
Hiện, tổng số điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội là 939 điểm, trong đó, hơn 600 điểm trên vỉa hè và 300 điểm dưới lòng đường.
Như vậy, đều đặn mỗi tháng. lòng đường, vỉa hè Hà Nội lại "đẻ" thêm ra tiền bạc.
Dư luận lại rôm rả với câu hỏi: Tăng phí vỉa hè gấp 3, ai hưởng lợi? Và đâu là lý do chính để Hà Nội quyết tăng phí?
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, thành phố tăng giá trông giữ phương tiện giao thông không lấy mục tiêu thu tiền về ngân sách là chính. Việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, việc này còn khuyến khích nhà đầu tư vào bãi đỗ xe tĩnh, để giảm đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè.
Trước đó, TP.HCM cũng lập một đề án tăng phí như Hà Nội. Mục đích cũng tương tự, nhằm đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước trong duy tu bảo dưỡng đường bộ, bến bãi, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Ngoài ra, việc thu phí cũng nhằm tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn TP được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Thực tế, về bản chất của một đô thị văn minh, lòng đường là nơi dành cho xe cộ lưu thông, còn vỉa hè là nơi cho người đi bộ. Tức là tuyệt đối không buôn bán láo nháo.
Và thời gian qua, nhiều địa phương đã mở chiến dịch dành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong đó có Hà Nội, nhưng kết quả chưa hề khả quan. Bởi, mỗi mét vuông vỉa hè sản sinh ra quá nhiều lợi nhuận, nuôi sống bao nhiêu thân phận. Chưa kể, phải kể tới đủ thứ thế lực “đứng đằng sau” vỉa hè.
Chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thốt lên: "Tôi thống kê trong hơn 180 quán bia trên vỉa hè Hà Nội, hơn 150 quán có công an đứng đằng sau".
Không trả được vỉa hè về mục đích tốt đẹp, đã là một thất bại. Và thẳng thắn, những tích cực được nêu ra trong việc tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, cũng chỉ có giá trị như một giải pháp tạm thời. Trong tương lai, các đô thị cả nước phải “sửa sai” bước xuất phát đó, chứ không phải là tận thu vỉa hè, lòng đường.
Giống như cách mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu, tại một cuộc họp về lập lại trật tự lòng lề đường, rằng “vỉa hè không phải là nơi giải quyết công việc, xóa đói giảm nghèo”.
***
Bây giờ, sau khi tăng phí, Hà Nội trước hết phải giám sát bộ phận thu phí, tránh phát sinh tiêu cực, bảo kê, gia tăng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Bởi, khi nhà nước tăng phí hộ kinh doanh giữ xe, thì các hộ sẽ lại “chém” vào hầu bao của người dân, mà dân thì một ngày không thể thiếu xe máy (thiểu số ô tô), đắt mấy cũng phải gửi.
Quan trọng hơn, như ở nước ngoài, cần xây dựng nhiều bãi đỗ xe tĩnh- car park (và xe máy, xe đạp. Trong đó Hà Nội cần ưu tiên 12 tuyến phố khu bảo tồn cấp 1 của đô thị lõi. Rồi, phải xây được những tuyến Metro, hệ thống xe buýt, xe điện... đấy mới là những giải pháp lâu dài để diện mạo gío thông Thủ đô thực sự lột xác.
Nguồn thu từ việc tăng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường chắc chắn chỉ là một phần rất nhỏ cho những hạng mục ấy. Bên cạnh việc thu hút thêm các nguồn lực xã hội, việc tránh đầu tư dàn trải, lãng phí cũng cần được quan tâm.
Có gì đó chạnh lòng khi nhiều tuyến vỉa hè được lát những viên gạch bằng đá tốn, hứa hẹn có tuổi đời 60 -70 năm. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, người ta bắt gặp những đoạn gạch vỡ nát. Kiểu này, bao giờ chúng ta mới có được những con đường lát đá, những viên đá có tuổi đời hàng trăm năm đen bóng, chắc chắn, như ở Paris, Italia?
Nói chung, chuyện vỉa hè có mà bàn quanh năm.
Hữu Qúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất