07/10/2015 11:49 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Một HLV xuất sắc chưa phải là yếu tố bảo đảm để đem lại danh hiệu cho đội bóng. Bởi dù có tài năng đến mấy thì ông thầy cũng không thể xỏ giày vào sân thi đấu, mà đấy là nhiệm vụ của các cầu thủ.
HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto trước khi tạo được các cột mốc lịch sử quan trọng cho nền bóng đá cũng như các ĐTQG ở giai đoạn 2007 – 2008 đã từng nhiều lần làm bại tướng. Cụ thể, HLV trưởng người Áo cố lắm cũng chỉ giúp U23 Việt Nam giành HCB 2 kỳ SEA Games 2003 (trên sân nhà) và 2005 (Bacolod, Philippines). Thành tích này không khá hơn người tiền nhiệm Karl Heinz Weigang (Chiang Mai, Thái Lan 1995).
Trong khi đó, HLV Calisto cũng chỉ đem về chiếc HCĐ ở Tiger Cup 2002 ở thời điểm mà bóng đá Việt Nam đang diễn ra một cuộc chuyển giao thế hệ lớn nhất từ trước đến nay. Đó là “Thế hệ vàng” đã qua bên kia sườn dốc và chỉ còn lại Huỳnh Đức, Văn Sỹ, để nhường lại cho lứa cầu thủ cuối 7 đầu 8 (tức sinh vào những năm cuối của thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước). Vì thế, chiếc HCĐ đã được xem là rất thành công.
Khi trở lại chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, như đã nhắc, cả HLV Riedl và HLV Calisto đều được thừa hưởng di sản do chính họ tạo dựng, với một thế hệ cầu thủ có thể nói là tài năng nhất kể từ sau hội nhập (SEA Games 91). Thế hệ của những Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Như Thành, Dương Hồng Sơn,… cùng với lứa 84-85 bao gồm Tấn Tài, Phước Tứ, Công Vinh, Vũ Phong, Việt Cường, Quang Thanh,…
Con người quyết định chiến thuật, nên ngoài tài năng ra, không thể nói là HLV Riedl, cũng như HLV Calisto đã không được thời vận ủng hộ. Và, như tất cả đều đã biết, HLV Calisto cũng không thể giúp đội tuyển Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vương ở kỳ AFF Cup 2010, sau khi hàng loạt các trụ cột như Công Vinh, Việt Thắng, Tài Em, Như Thành, Hồng Sơn,… dính chấn thương hoặc mất phong độ. Đấy cũng là cái vận.
Dài dòng như thế để thấy rằng, tính thời điểm là rất quan trọng, thậm chí quyết định thành công hay thất bại của một HLV, khi họ sẽ không thay đổi triết lý huấn luyện. Giỏi và quái chiêu như Jose Mourinho cũng đang khóc dở mếu dở, chỉ 2 năm sau khi quay trở lại dẫn dắt Chelsea. Chỉ tạm hỏi, HLV Toshiya Miura lúc này liệu có đang được sự cổ suý của thời thế, hay ngược lại? Chúng tôi nghiêng nhiều hơn về vế sau.
Trong chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, Tài Em cho rằng chỉ HLV Calisto mới có thể “trị” được Thái Lan, trên thực tế cũng không hẳn đúng 100%. Trước HLV Calisto, ở Tiger Cup 98 dưới thời HLV Riedl, đội tuyển Việt Nam từng hạ Thái Lan 3-0 ở bán kết trên sân Hàng Đẫy. Sau đó, tại SEA Games 2003 trên sân nhà, U23 Việt Nam hoà Thái Lan 1-1 ở vòng bảng và chỉ chịu thua sát nút 1-2 trong trận tranh HCV ở Mỹ Đình.
Nhưng, Tài Em và các đồng đội cũ của anh có lý, bởi so với các ĐTQG ở kỷ nguyên của HLV Riedl và HLV Calisto, chất lượng cầu thủ trong tay HLV Miura lúc này kém hơn hẳn. Niềm hy vọng số 1 trên hàng công là Công Vinh đã không còn nhanh và nhạy như 7-8 năm về trước, thời điểm anh ghi các bàn thắng quan trọng vào lưới Thái Lan, ở cả 2 trận chung kết đi và về. Lối chơi cũng mất hẳn tính bất ngờ.
Thời cuộc rõ ràng không ủng hộ HLV Miura và các học trò, phần đông là người trẻ. Đó là điều chúng ta có thể cảm nhận được bằng mắt thường chứ chẳng cần những phân tích sâu xa. Nên, thất bại là điều có trong dự cảm và khi nó xảy ra, sự mất mát cũng dễ chấp nhận hơn. Thuê tướng đánh trận mà trải qua hơn một năm, với đủ các trận đánh lớn nhỏ vẫn chưa định hình được mảng miếng, thì trông chờ gì đại cục?!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất