Bất chấp chiến tranh, bóng đá Iraq vẫn đi lên

07/10/2015 05:47 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Muốn có một ĐTQG mạnh phải dựa vào giải quốc nội mạnh là triết lý làm bóng đá của Iraq. Không chỉ đầu tư cho giải quốc nội, họ cũng sẵn sàng để các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu và theo dõi sát sao quá trình phát triển và phong độ của cầu thủ ấy.

Giám đốc quản lý Basil Hanna chia sẻ: “Chúng tôi đã gọi cả cầu thủ trẻ và những cầu thủ có kinh nghiệm lên ĐTQG để họ thi đấu cùng nhau. Chúng tôi làm vậy để luôn phải chắc chắn rằng khi một nhóm cầu thủ đã già và rời đội thì lứa trẻ đã có đủ sức thay thế cho các đàn anh. Chúng tôi làm như thế liên tục, liên tục để duy trì một ĐTQG mạnh cũng như gián tiếp phát triển nền bóng đá.  

Chúng tôi không chỉ trông vào các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Giải bóng đá nội địa của Iraq có chất lượng rất tốt, đó là nguồn cung chính thức và dồi dào để HLV lựa chọn những cầu thủ trẻ thi đấu ở trong đội tuyển”.

Người nước ngoài biết đến Iraq là một vùng chiến sự kể từ khi Mỹ đổ quân xuống đất nước vùng vịnh Tây Á này vào năm 2003. Nhiều người sẽ nảy sinh suy nghĩ bóng đá Iraq bị kìm hãm, cầu thủ đổ bộ ra nước ngoài thi đấu và người dân sẽ không còn mặn mà đến bóng đá. Nhưng sự thật thì ngược lại.

Chia sẻ với báo giới Việt Nam, HLV trưởng Yahya Alwan cho biết: “Chiến tranh chỉ xảy ra ở một số nơi. Còn giải bóng đá của Iraq diễn ra ở một nơi khác rất yên bình và không chịu ảnh hưởng gì cả. Chúng tôi chấp nhận thi đấu trên sân trung lập do Iraq vẫn còn những bất ổn.  

Ở Iraq, các đội bóng trả lương khá tốt, các cầu thủ sẽ không phải nghĩ đến các việc khác. Họ chỉ có việc là tập luyện ở các CLB mà thôi. Với tôi, Iraq là một đất nước giàu có. Người dân ở Iraq cũng cuồng nhiệt với bóng đá. Theo trí nhớ của tôi, mỗi trận đấu của Iraq có khoảng 50.000 khán giả theo dõi”.

Nếu AFC Champions League là giải đấu mà bóng đá Đông Bắc Á chiếm lĩnh, thì AFC Cup lại thuộc về bóng đá Tây Á. Với riêng bóng đá Iraq, họ giành ngôi á quân ở 2/3 mùa giải gần nhất của AFC Cup.

Sau chức vô địch Asian Cup 2007 với thế hệ của Younus Mahmood, thành tích của bóng đá Iraq bị cạnh tranh mạnh mẽ từ sự trỗi dậy của các nền bóng đá khác trong châu lục, đặc biệt là bóng đá Đông Bắc Á. Nhưng ngược lại đất nước Tây Á này lại sản sinh ra nhiều cầu thủ chất lượng thi đấu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Gần đây nhất là Ali Adnan, hậu vệ trái đang chơi cho Udinese của Italia.

Ali chỉ là một trong số rất nhiều cầu thủ Iraq thi đấu ở nước ngoài nhưng ông Basil Hanna lại không cho rằng đó là điều khó khăn khi lựa chọn.

“Có nhiều cầu thủ Iraq thi đấu trên toàn thế giới. Chúng tôi theo sát các cầu thủ này ở các giải đấu, đặc biệt là các giải đấu được đánh giá cao trên thế giới. Từ những giải đấu ấy và theo cách đánh giá riêng mà chọn cầu thủ thi đấu cho ĐTQG”, ông Basil Hanna nói.

Chưa đá, Iraq đã chuẩn bị cho trận tái đấu với Việt Nam

Việc ông Basil Hanna đến Việt Nam trước 5 ngày để thị sát điều kiện ăn ở cho đội tuyển Iraq, mang theo cả đầu bếp riêng cho đội đã đủ cho thấy ông Basil kỹ tính và tâm huyết với đội tuyển đến mức nào.

Không những vậy, trong buổi tập của ĐTQG Iraq chiều qua (6/10), ông Basil có hành động kỳ lạ khi mang theo quả bóng “Động Lực” của Việt Nam và hỏi chuyện phiên dịch người Việt Nam cho đội tuyển. Những tưởng đó là sự phàn nàn nhưng sau đấy mới biết, ông muốn mua một số lượng bóng này về Iraq để nếu có chạm trán với Việt Nam lần nữa, Iraq sẽ có thể làm quen ngay với trái bóng mới.

Ông Basil Hanna cho biết: “Chúng tôi muốn có một sự chuẩn bị trước vì quả bóng Động Lực sẽ được sử dụng để thi đấu những trận đấu diễn ra ở Việt Nam. Tôi muốn mua về để dự trữ và lần sau nếu Iraq có chạm trán với Việt Nam thì đã có sẵn trong kho và chỉ việc mang đi mà thôi”.


Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm