09/02/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xuất thân là tiến sĩ văn học và mới dấn thân sang hội họa nhưng Nguyễn Thị Thanh Lưu đã kịp tạc khắc dấu ấn cá nhân vào nền mỹ thuật bằng những bức tranh lụa đậm đặc thiên tính nữ Á Đông. Trong đó hình tượng trẻ thơ luôn là cảm hứng chủ đạo trong những tác phẩm chị.
Tôi đến thăm phòng tranh cá nhân của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu vào đúng ngày đầu tiên chị mở cửa đón khách. Phòng tranh được bài trí tinh tế với tông vàng ấm cúng nằm ở tầng 5 trong khu tập thể trên phố Tôn Đản (Hà Nội). Chị đặt tên cho phòng tranh của mình là Lưu’s Space - một nơi để tiếp đón bạn bè, các nhà sưu tập đến xem tranh và cũng một không gian sáng tác cho riêng mình chị.
Chạm ngõ nghệ thuật bằng văn chương
Nguyễn Thị Thanh Lưu sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương lâu đời ở Nghệ An. Lớp 5 chị đã học trường Năng khiếu Vinh, vào cấp 3 học chuyên văn Phan Bội Châu. Sau đó chị vào Khoa văn Tổng hợp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhờ có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc trong quá trình học tập nên chị được chuyển thẳng lên làm nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp đại học. Năm 2012, Nguyễn Thị Thanh Lưu bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ và trở thành tiến sĩ văn học ở tuổi 29.
Sau khi ra trường, chị có 4 năm làm công tác nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Sau đó chị kết hôn và sang Mỹ cùng chồng. Trong khoảng thời gian nghỉ sinh con, phải tạm dừng nghiên cứu văn học nhưng say mê viết lách cứ trỗi dậy thôi thúc chị sáng tác. Chị bắt đầu viết blog, viết truyện như một cách để thỏa mãn đam mê trong mình. Trong chặng đường sáng tác văn học, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã đã xuất bản cuốn tự truyện Làm dâu nước Mỹ (2014), truyện thiếu nhi Nhật ký Cà Kiu (2015) và tập thơ Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi (2019).
Tình cờ bén duyên hội họa và say đắm tranh lụa
Việc vẽ đến với Nguyễn Thị Thanh Lưu hết sức tình cờ. Năm 2016, trong một chuyến đi nghỉ mát cùng gia đình ở Hawaii, chị vô tình thấy một workshop dạy vẽ ở bờ biển và quyết định tham gia cho vui. Lớp học vẽ trong vòng 3 tiếng đồng hồ đó là khởi nguồn cho tình yêu hội họa trong chị. Trở về Việt Nam, chị tiếp tục tìm lớp vẽ để được học sâu hơn về mỹ thuật. Càng ngày chị càng dấn thân vào hội họa và say mê hơn cả viết lách.
Nói về lý do chọn theo đuổi tranh lụa, Thanh Lưu chia sẻ: “Mình sẵn niềm say mê với những thứ cổ truyền, ngày xưa làm luận văn tiến sĩ cũng chọn đề tài văn học dân gian. Sau này tiếp cận tranh lụa mình mê liền vì lụa là chất liệu mang tính cổ điển, đậm chất Á Đông”.
Tranh lụa vốn là vốn là dòng tranh kén người vẽ. Chất lụa trong suốt, mong manh, khó bảo quản, bắt buộc phải lồng khung kính, độ bền và tuổi thọ đều kém cạnh các dòng tranh khác. Kỹ thuật vẽ trên lụa cũng đòi hỏi người họa sĩ cẩn thận và chi chút hơn. Không giống như sơn dầu, nếu vẽ sai thì gạt đi rồi vẽ lại, lụa vẽ nét nào là ăn ngay nét ấy, vẽ hỏng thì không có cơ hội sửa chữa.
Các bức vẽ của Thanh Lưu chủ yếu sử dụng các gam màu ấm nóng như đỏ, vàng. Chất lụa đặc biệt phù hợp với tông đỏ. Kể cả khi thi thoảng đổi gió với tông màu lạnh như xanh, đen thì chị vẫn nhấn nhá ít sắc ấm nóng để cân bằng.
Một lý do khác khiến Thanh Lưu say mê với vẽ tranh lụa có lẽ bởi lụa cũng là hiện thân của nữ tính và mềm mại như chính con người chị. Bên cạnh đó, lụa cũng là chất liệu tự nhiên, màu nước trên tranh lụa cũng thân thiện với môi trường chứ không độc hại như sơn dầu hay sơn mài.
Tính tới thời điểm hiện tại, Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dấn thân vào vẽ tranh lụa được 3 năm. Khi đã bắt đầu say mê, chị vẽ ngày vẽ đêm, ngày nào cũng tập trung vẽ 5-6 tiếng đồng hồ. Vẽ với chị là liệu pháp tinh thần nên chị vẽ cái mình thích, mình yêu là chủ yếu chứ hiếm khi nhận vẽ theo đơn đặt hàng.
Cảm hứng từ “sự thông thái của hồn nhiên”
Trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi bén duyên với hội họa, chị đã vẽ hơn 100 bức tranh, riêng tranh lụa đã gần 70 bức và 2/3 trong số đó là vẽ về trẻ thơ. Nữ họa sĩ cho biết trẻ em luôn là đối tượng chị quan tâm và yêu thích nhất. Chị tiếp xúc hàng ngày với bọn trẻ nhà chị và bạn bè của nó cho nên cảm hứng xuất phát từ đời thường đi vào tác phẩm một cách rất tự nhiên. Bản thân chị sau khi làm mẹ cũng cảm thấy mình thay đổi nhiều và học được nhiều từ trẻ con.
“Trẻ con có trí tuệ mà không có người lớn nào có thể bắt chước được: Đó là sự thông thái của hồn nhiên. Đôi khi lời trẻ con nói với chị còn thông thái hơn cả lời triết gia” - nữ họa sĩ chia sẻ.
Nhân vật trẻ em trong tranh của chị là con chị, con của bạn bè và những người chị biết. Chị vẽ chúng đang đọc sách, đang đùa nghịch hay đang ngẩn ngơ ngắm cảnh.
Cuối năm 2021, Nguyễn Thị Thanh Lưu lần đầu ra mắt công chúng với triển lãm tranh lụa mang tên Có nhau tại không gian nghệ thuật Manzi. Có nhau bao gồm những bức vẽ tập trung khắc họa mối liên kết giữa con người với vạn vật xung quanh trong thời kỳ giãn cách xã hội. Qua đó thể hiện một triết lý phương Đông rằng con người không phải là trung tâm của vũ trụ.
Nói về những dự định tương lai, Nguyễn Thị Thanh Lưu tiết lộ chị sẽ tổ chức triển lãm riêng với tên gọi Người đọc với những bức vẽ về sự an nhiên điềm tĩnh của người đang đọc sách, trong đó phần nhiều vẫn là trẻ em. Dự án này được chị ấp ủ suốt 2 năm và dự định sẽ tổ chức vào tháng 4 - tháng có Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam cùng chuỗi các hoạt động bên lề như dạy trẻ em vẽ và đọc sách cho trẻ em.
Bàn về tương lai xa hơn, nữ họa sĩ dự định Hè 2022 sẽ trở lại Mỹ và liên hệ với các phòng tranh bên đó để tổ chức triển lãm tranh lụa. Triển lãm trên đất Mỹ sẽ như một workshop tập trung vào giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật vẽ tranh lụa, hướng vào giới họa sĩ thay vì công chúng nghệ thuật.
Mai Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất