Họa sĩ Phạm Huy Thông: Đặc tả hy vọng của dân nghèo

11/12/2015 18:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vào lúc 18h ngày 11/12 tại địa chỉ mới của Craig Thomas Gallery (165 Calmette, quận 1, TP.HCM) sẽ khai mạc triển lãm Hy vọng của Phạm Huy Thông. Bộ tranh được khởi động từ tháng 3/2014, tập trung khai thác đề tài dân nghèo ở nông thôn và thành thị.

Phạm Huy Thông (sinh 1981) là một họa sĩ diễn ý thú vị và hiếm hoi của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Khoảng 10 năm qua, anh từng gây ấn tượng với các bộ tranh như Hộ pháp (từ năm 2004), Ghế (2005 - 2009), Cập nhật (2008 - 2009), Đồng bào (2010), Tay (2012)… Hiện thực đời sống tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á luôn hiện diện trong tác phẩm với cái nhìn phê phán, phản biện.

“Đứng về phe nước mắt”

Bộ tranh còn khai thác sự tương phản giữa hình ảnh những đám mây giông tố như tương lai vô định của người nghèo và hình ảnh những đám mây trắng tựa như hy vọng mà họ nuôi dưỡng trong lòng.

“Tuy những người sưu tập tranh tôi đều là những người có điều kiện hơn, nhưng với bộ tranh này, tôi không có ý định tạo ra sự thương cảm của xã hội, mà ngược lại, tạo ra nguồn động viên, bởi dù giàu - nghèo khác nhau, mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình và để vượt qua nó, cần có rất nhiều niềm tin vào tương lai” - Phạm Huy Thông cho biết.


Họa sĩ Phạm Huy Thông

Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã tạo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Và những người có địa vị thấp trong xã hội càng ngày càng bị đẩy ra ngoài rìa các cuộc chơi. Những năm kinh tế khủng hoảng, khoảng cách giàu nghèo lại nới rộng ra, đẩy những người ít tiền vào những tình cảnh kham khổ hơn.

Dường như Phạm Huy Thông luôn “đứng về phe nước mắt”, bởi trong các bộ tranh, khung cảnh hạnh phúc, sung sướng chưa bao giờ là cái nhìn ưu tiên, lạc quan, hớn hở…

“Đôi khi nhìn vào thu nhập của họ, tôi, một họa sĩ thuộc tầng lớp trung lưu, không thể hiểu nổi họ sẽ xoay xở thế nào để tồn tại. Có lẽ ngoài khẩu phần ăn ít ỏi hàng ngày, những người này phải có một nguồn hy vọng sống rất mãnh liệt, cung cấp cho họ dưỡng chất trần gian và dưỡng chất tinh thần” - Phạm Huy Thông tâm sự.


Tác phẩm Miếng đất ông cha, acrylic trên bố, 140 x 160cm, 2015

Bỏ làng xã ở phía sau lưng

“Tôi muốn mô tả hình ảnh người nông dân trong vòng xoáy đổi thay của kinh tế. Như trong mọi nền kinh tế đang phát triển khác, nông dân Việt Nam cũng phải rời bỏ nhà cửa, đồng ruộng để đến thành phố, tìm kiếm công việc và thu nhập đảm bảo hơn”.

“Văn hóa làng xã ngàn đời và ràng buộc dòng tộc đã dần trở nên lỏng lẻo bởi áp lực của mưu sinh. Trong những bức tranh sáng tác gần đây, tôi muốn nhìn sâu hơn nhưng tổng quát hơn những vấn đề xung quanh hình tượng một người nông dân rời làng ra đi. Sự phát triển của các thành phố lớn thực ra là tập hợp tích tụ đa dạng từ những vùng miền lân cận, đôi khi có thể được hiểu theo nghĩa rất “cơ giới”.

Xét trên khía cạnh văn hóa, sự giao lưu trong quá trình dân di là một sự bồi đắp. Mỗi người rời bỏ quê hương ra đi sẽ đóng góp cho điểm đến một đặc thù mới, một “đặc sản địa phương” đầy sinh động. Về mặt kinh tế, đây là sự trao đổi, người nông dân lên thành phố tìm kiếm thu nhập và chỉ trở về khi vào mùa gặt hái hoặc khi dòng tộc có những công việc không thể chối từ. Mang sức lực, thời gian và thậm chí là hạnh phúc của mình lên thành phố để bán, người nông dân mua lại được cơ hội được sinh tồn cho gia đình.

Sự trao đổi ở đây đôi khi có thể được đẩy lên thành mức “đánh đổi” nếu xét trên góc độ tâm lý và tín ngưỡng. Phân tích các khía cạnh quan sát được, tôi muốn chạm tới được sợi dây kết nối giữa người nông dân và quê hương ở phía sau lưng họ” - Phạm Huy Thông thẳng thắn phân tích.

Triển lãm Hy vọng trưng bày tại phòng tranh ở Calmette đến ngày 15/12, từ ngày 16/12 đến hết ngày 8/1/2016 sẽ trưng bày tại địa chỉ quen thuộc của Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, quận 1).

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm