Học giả Nguyễn Văn Vĩnh được vinh danh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại

27/04/2016 16:56 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 27/4 tại Hà Nội, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh đã tổ chức Lễ tưởng niệm 80 năm Ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1936-2016) và vinh danh cụ là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh là một người yêu nước, là người bạn và người đồng chí thân thiết của Chí sĩ Phan Châu Trinh. Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh là người đã đứng đơn đề nghị nhà cầm quyền cho mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục để mở mang dân trí và khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân. Cụ đã từ chối Kim thánh của vua Khải Định, hai lần từ chối Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp, từ chối làm Thượng thư cho triều đình Huế.

Trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn chương, vào năm 1927, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên thực hành thành công việc cải tiến chữ Quốc ngữ để chuyển được qua điện tín.


Học giả Nguyễn Văn Vĩnh được vinh danh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại

Cụ là người dịch thành công nhất trọn bộ Truyện Kiều ra tiếng Pháp và đã được Nhà xuất bản Alexander de Rhodes ấn hành năm 1942. Cụ cũng là người dịch thơ ngụ ngôn của La Phôngten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt và là một trong những người khai sáng ra phong trào thơ mới ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trong lĩnh vực báo chí, trong suốt 30 lao động liên tục (từ năm 1906 đến khi qua đời vào năm 1936), Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút của 7 tờ báo, trong đó có tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở phía Bắc Việt Nam – tờ Đăng Cổ Tùng Báo (năm 1907), tờ tạp chí đầu tiên thuần Việt – tờ Đông Dương Tạp Chí (năm 1913), tờ báo ra hằng ngày đầu tiên ở Việt Nam – tờ Trung Bắc Tân Văn (năm 1919). Năm 1932, tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút đã được Giải thưởng lớn Grand Prix tại Hội chợ Báo chí thuộc địa ở Paris (Pháp)...

TTXVN/Mai Quang Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm