Học sinh cũng cần có thái độ với vấn đề 'nóng' của đất nước

04/06/2014 07:32 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Như TT&VH đã thông tin trên số báo ra hôm qua (3/6), việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được đưa vào đề thi Ngữ văn và chủ quyền biển đảo đưa vào đề thi Sử học đã nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ dư luận.

Tiếp tục phản ánh vấn đề này, TT&VH ghi nhận ý kiến của nhà Sử học – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Văn Vịnh và TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).

Nhà Sử học-Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

“Ai cũng hiểu, về nguyên tắc, một kì thi thường phải gắn nhiều với chương trình học tập. Nhưng, trong thời điểm này, tôi vẫn khẳng định rằng việc đưa vấn đề biển đảo vào đề thi là một động thái hợp lý và đáng mừng. Tác động xã hội tích cực của nó tới bầu không khí hiện nay như thế nào, mọi người đều có thể nhìn ra được – khi những hoạt động xâm phạm chủ quyền từ Trung Quốc luôn khiến chúng ta trăn trở mỗi ngày.

Trong sách giáo khoa của bất kỳ đất nước nào, quá trình hình thành, xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một nội dung bắt buộc phải có ở môn lịch sử. Tất nhiên, ở ta, để không chạy theo hình thức và triển khai được việc phổ cập này một cách hiệu quả, chúng ta sẽ phải bàn thảo kỹ để lựa chọn các nội dung giảng dạy sao cho phù hợp. Và, để các nội dung giảng dạy được chuyển tải một cách hấp dẫn, khiến các em chịu lắng nghe, động não và mạnh dạn bày tỏ quan điểm thì vấn đề còn phụ thuộc vào giáo viên nữa....

Trong lịch sử, đã có những triều đại từng đưa các vấn đề "thời sự" vào đề thi. Có thể nói vui rằng các cụ ngày xưa "thực dụng" và từng đi trước chúng ta rất nhiều. Một mặt, các kì thi ngày xưa gắn với văn chương cử tử, cách tổ chức thi  rất hàn lâm, kinh viện và máy móc. Một mặt khác, vì ý thức được việc tổ chức các kì thi để chọn người tài trực tiếp ra giúp nước, các triều đại xưa vẫn thường xuyên "phá cách" và bổ sung vào "đề bài" những câu hỏi về vấn đề mà quốc gia đang quan tâm. Đó có thể là câu hỏi liên quan tới chuyện thiết thân của một quốc gia nông nghiệp như các chính sách về ruộng đất, hạn chế lũ lụt, và cũng có thể là những câu hỏi về kế sách chống ngoại xâm.

Xét theo chiều dài lịch sử, các triều đại thời Lý, Trần lập quốc khi lịch sử VN còn non trẻ nên thường gắn đề thi với những câu hỏi mang tính lý thuyết, nặng về tư tưởng. Nhưng tới thời nhà Nguyễn, trước sức ép đặc biệt của nguy cơ bị phương Tây xâm lược, những đề thi của vương triều này thường mang tính thực tiễn cao...”.

TS Nguyễn Văn Vịnh: Đề thi hướng tới chân tính và thiện tính

“Trước hết, phải hiểu mục đích của thi tốt nghiệp THPT, giáo dục phổ thông đáp ứng mục đích dân trí. Khi tốt nghiệp, học sinh có đủ tri thức phổ biến về khoa học, cũng như cảm nhận nghệ thuật và nhận thức xã hội.

Việc lựa chọn đề thi tốt nghiệp cho các môn học nằm trong khối tri thức có tính phổ quát là hoàn toàn có thể và rất bình thường. Hơn nữa nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia (lãnh thổ và lãnh hải) thông qua kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết đối với các chủ nhân tương lai của đất nước.

Phải nói rằng, những sự kiện trên biển Đông trong những năm gần đây đã là chủ đề nóng của mọi sinh hoạt đời sống tinh thần cả xã hội. Vì thế, tôi đánh giá cao đề thi này ở hai phương diện. Thứ nhất, về mặt sư phạm, đề thi là một cách làm mới, từ biệt lối học tầm chương trích cú kiểu hàn lâm để giữ sự “an toàn”, và có vẻ “cao đạo”. Thứ hai, đề thi thể hiện sự hướng đến chân tính và thiện tính. Và thông điệp cuối cùng: “Chúng ta phải đặt lòng tin vào thế hệ trẻ”. Tôi tin rằng các bài thi sẽ có kết quả tốt. Đây là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng yêu nước.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thí sinh có quyền bày tỏ thái độ của mình

“Tôi đã có trong tay đề thi tốt nghiệp PTTH môn Ngữ văn năm nay. Tôi cho rằng đề thi hết sức thời sự và hay, đặc biệt là câu 1 (3 điểm). Trong câu này, 2 câu hỏi đầu mang tính đọc hiểu, tôi cho là phù hợp. Còn câu hỏi thứ  3, yêu cầu viết  một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện “Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép...”, thí sinh có quyền bày tỏ thái độ của mình, nếu có thái quá thì vẫn là trong đề thi chứ không công khai, cho nên không ngại gì cả, nhiều suy nghĩ bực tức cũng chẳng làm sao.

Còn câu 2  (7 điểm) trong đề thi: “Yêu cầu phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba qua một đoạn trích trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, từ đó, trình bày suy nghĩ về vấn đề: con người cần được sống là chính mình” cũng rất hay và theo sát cuộc sống. Nếu biết tư duy thì thí sinh sẽ làm bài tốt, còn chỉ quen trông chờ vào những cái có theo kiểu học vẹt hoặc những bài văn mẫu sẵn có của thầy cô và sách giáo khoa thì sẽ không đạt điểm cao.

Hai câu của đề thi Ngữ Văn năm nay đều thuộc dạng mở, tạo điều kiện cho các thí sinh vận dụng nhiều hiểu biết, suy nghĩ của cá nhân về các vấn đề đang nóng hổi của đất nước, xã hội. Hy vọng việc ra đề mở và có tính thực tế như vậy sẽ được Bộ GD - ĐT tiếp tục phát huy.

Chủ quyền biển đảo Việt Nam vào đề thi Lịch sử

Đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 gồm 3 câu hỏi. Câu 1 (4 điểm), câu 2 (3 điểm) và câu 3 (3 điểm). Trong đó, ý b của câu 3 như sau: Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.


Học sinh trường THPT Kim Liên (HN) xếp hình bản đồ VN trong Lễ chào cờ

Mặc dù là môn thi có số  thí sinh tương đối ít, nhưng câu hỏi này một lần nữa nhắc nhở học sinh không chỉ am tường kiến thức lịch sử khô khan mà còn phải nắm thời cuộc, thể hiện được tư duy, quan điểm và trách nhiệm công dân của mình với đất nước.

Hoa Chanh - Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm