01/06/2017 08:53 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Bộ râu quai nón đã lốm đốm điểm bạc, một cuộc đời mới cùng bóng đá với tư cách giám đốc điều hành câu lạc bộ New York Cosmos ở giải nhà nghề Mỹ MLS, đóng vai chính trong một bộ phim hình sự và có thể vận động cho đủ 500 chữ ký để ra tranh cử tổng thống Pháp, cuộc đời sau sự nghiệp cầu thủ của Eric Cantona thậm chí còn đặc sắc hơn những năm tháng huy hoàng của anh trong màu áo Manchester United.
Phim ảnh
Khi bước sang tuổi 45, Cantona đã đóng tất cả 21 bộ phim điện ảnh từ sau khi từ giã sân cỏ. Anh sẽ không bao giờ thành công được với màn ảnh rộng như với quả bóng tròn, nhưng vị vua huyền thoại của Old Trafford cũng đã xây dựng được tên tuổi vững chắc của mình trong làng xi-nê. Trong bộ phim mới nhất, Switch của đạo diễn người Pháp đang lên Frederic Schoendoerffer ra mắt năm 2011, Cantona thủ vai một thanh tra cảnh sát Paris cứng rắn điều tra một vụ giết người với nhân thân thủ phạm bị nhận định sai lầm.
Còn xa mới sánh được màn trình diễn của anh trên sân bóng, nhưng thể loại vai tâm lý “mạnh mẽ, trầm tĩnh và im lặng” thật phù hợp với Cantona. Với mọi cổ động viên Man United, mà hình ảnh danh thủ người Pháp đã trở thành một tượng đài vĩnh viễn, đây là bộ phim không thể bỏ qua. Mọi tính cách của Cantona trên sân bóng được tái hiện đầy đủ trong phim, giống như trong bộ phim tài liệu ăn khách năm 2009 của Ken Loach, Looking for Eric.
Đánh giá của giới phê bình về một tác phẩm mang nhiều màu sắc nghệ thuật với diễn viên chính là một cựu quần đùi áo số nhìn chung là tích cực. “Cựu cầu thủ bóng đá Manchester United, Eric Cantona, chứng tỏ anh có thể đóng một vai đích thực”, Hollywood Reporter bình luận về bộ phim. Với Cantona, sự chấp nhận dần dần của khán giả, và cả những nhà chuyên môn khó tính, vai trò diễn viên của anh là một sự thừa nhận lớn không kém bất cứ thành công trên sân cỏ nào.
“Một số người luôn phải ở trên đỉnh cao”, Cantona nói về sự nghiệp điện ảnh đã khá dày dặn của mình. “Họ sợ hãi bắt đầu từ số không vì e sợ những phê bình chỉ trích. Khi bạn bắt đầu từ số không và đã rất nổi tiếng ở một lĩnh vực khác, sẽ vô cùng khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan là đúng với mọi người, ở bất cứ đâu, dù là năm 20 hay 40 tuổi. Nhưng tôi nghĩ tôi có đủ cả sự hài hước và khiêm tốn. Tôi không quá coi trọng cuộc đời này… Tôi có thể đóng phim đúng với tinh thần đó”.
Nhưng nếu đức vua Cantona thực sự rất giỏi trên sân cỏ, tại sao anh lại từ giã bóng đá khi mới 30 tuổi? Tại sao lại trả lại món quà Chúa trời ban tặng cho anh, và cả các cổ động viên Man United nữa, quá sớm như vậy? Với Cantona, đó là sự đánh đổi. “Tôi không còn thấy hứng thú với bóng đá”, sau 15 năm, anh mới giải thích về quyết định từng làm biết bao con tim Old Trafford nhói đau. “Đó là lý do tôi giải nghệ. Tôi không bắt buộc phải giải nghệ, tôi vẫn khỏe mạnh, chơi bóng tốt… Nhưng tôi đã chán nản. Tôi muốn bắt đầu lại, muốn những trải nghiệm mới, muốn làm một kẻ cải đạo. Là diễn viên không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng là cảm giác mới mẻ, mạo hiểm mà tôi có được”.
Nghe như thể những trích dẫn của Jean-Paul Sartre, nhưng đó đích thực là Cantona của những ngẫu hứng tuyệt diệu ngày nào trên sân bóng, của những cơn cuồng nộ không giải thích, một ca đặc biệt cho các nhà tâm lý học, không chỉ của thể thao. Cantona đã trải qua nửa đời người để biết được anh muốn làm gì. “Việc tôi được đề nghị đóng phim sau khi từ giã sự nghiệp thực sự là một đặc ân. Một số diễn viên trẻ không có cơ hội như thế, dù họ tài năng. Đó là điều không công bằng”, Cantona chia sẻ. “Nhưng mặt khác, tôi chưa hề sẵn sàng cho sự nghiệp mới. Mọi người vẫn ấn tượng quá mạnh với nghề nghiệp trước cảu tôi, phải nói là họ đã bị ám ảnh bởi Cantona-cầu-thủ và muốn giữ mãi hình ảnh đó”.
“Rồi còn có những người tin rằng chỉ có ai qua trường lớp đàng hoàng mới có thể thành một diễn viên nghiêm túc. Không sai, trường lớp là quan trọng, nhưng cũng có những người tay ngang thành công. Trong hội họa và bất cứ hình thức nghệt thuật nào, chúng ta đều có những nghệ sĩ vĩ đại là dân tay ngang. Nhưng bạn luôn phải làm việc chăm chỉ, hơn người khác rất nhiều. Là một diễn viên, bốn-năm năm đầu tiên là tiến trình học hỏi với tôi. Giờ tôi đang ở giai đoạn giống như đời cầu thủ những năm 26-30 tuổi, tức là ở độ chín sự nghiệp”.
Luôn khát khao trải nghiệm mới
Đó chỉ là một lời nói đùa, Cantona hiểu anh không bao giờ vươn tới “đỉnh cao” ở nghề nghiệp không dính líu gì tới những bàn thắng và các cú vô-lê thần sầu này. Trở lại năm 1995, khi Eric đóng phim đầu tay, một vai nhỏ trong Le Bonheur Est Dans le Pré, đạo diễn Etienne Chatiliez đã bình luận rằng tiền đạo của Man United là “một tính cách tự nhiên, như Marcel Pagnol”. Schoendoerffer cũng phấn khích về Cantona không kém: “Anh ấy làm việc rất chăm chỉ ở phim trường, là một diễn viên đích thực, có nhiều kinh nghiệm và đem lại sự hào hứng. Tôi cũng xem anh ấy chơi bóng nhiều, nhưng Eric không bao giờ nói về điều đó ở phim trường”.
Khát khao sống một cuộc đời như những lần luân hồi nối tiếp nhau đã khiến Cantona muốn thử nghiệm tất cả, bóng đá, phim ảnh, chính trị, quản trị và thời trang. Thời thơ ấu có vai trò lớn trong cuộc đời đó. Eric và hai người anh em trai lớn lên trong một khu phố nghèo khó ở Marseille. Mỗi buổi sáng điều đầu tiên Cantona nhìn thấy là một mảng khung cảnh của Địa Trung Hải nên thơ và cha mẹ anh, bất chấp hoàng cảnh kinh tế, luôn đảm bảo việc giáo dục nghệ thuật bên cạnh những giờ chơi bóng đá đường phố. Albert Cantona, cha anh, là y tá ở một bệnh viện, nhưng cũng là một nghệ sĩ nghiệp dư tài năng cùng Eleonore, vợ ông.
“Tôi nhận được sự giáo dục tuyệt vời vì cha mẹ dạy chúng tôi cách quan sát thế giới, tận hưởng vẻ đẹp của nó. Chúng tôi lái xe đi và cha tôi sẽ dừng xe, chỉ cho tôi và nói: Hãy nhìn thứ ánh sáng ban chiều đó xem. Con có thấy nó đẹp không? Ông ấy dạy tôi như vậy đấy. Cha cũng hay dẫn tôi đến các gallery. Ông ấy rất yêu hội họa, là một họa sĩ nghiệp dư, nhưng chưa bao giờ bán tranh”.
Anh trai của Eric, Jean Marie, làm người môi giới thể thao và mới đây có một dự án phim dựa trên cuộc đời một người ông của gia đình Cantona quê ở Sardinia. Người em trai Joel, nhỏ hơn anh một tuổi rưỡi, chơi bóng đá, dù không thật nổi tiếng, trước khi cũng chuyển sang làm diễn viên. Cùng nhau, họ đã thành lập Canto Bros, công ty sản xuất đứng đằng sau bộ phim Looking for Eric và vừa hoàn tất một serie các phim tài liệu về ba thành phố bóng đá cuồng nhiệt nhất châu Âu.
Không chỉ có điện ảnh
Cantona không chỉ muốn thể hiện tính cách qua điện ảnh. Ngoài nghề diễn viên, anh cũng tham gia nhiếp ảnh và hội họa. Cantona còn là một người vận động không mệt mỏi cho các vấn đề xã hội và hiện có chân trong hội đồng của tổ chức Abbe Pierre, hỗ trợ cho những người vô gia cư. Anh không đồng ý với nghị trình của Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy và có tin đồn Eric sẽ sớm ra tranh cử, dù có lẽ không phải mùa này.
Năm ngoái, Cantona cũng đã nhận lời mời trở thành giám đốc thể thao của New York Cosmos, câu lạc bộ bóng đá đang dẫn đầu những nỗ lực quảng bá bóng đá rộng hơn ở Mỹ suốt từ những năm 1970 đến nay. Cantona còn viết lời cho album đầu tay của nữ diễn viên, vợ anh, Rachida Brakni, sẽ ra mắt trong tháng này. Với những nỗ lực cho nghệ thuật đó, vợ chồng anh đã có dịp xuất hiện trên trang bìa của tạp chí danh tiếng Paris Match.
Theo quan điểm của Cantona, trừ khi nghệ thuật là sáng tạo và nguyên gốc, nó không đáng thử nghiệm. Vì vậy, anh cho rằng nếu có quyền, anh sẽ không trao giải Oscar cho Meryl Streep. “Tôi không thích các dòng phim tiểu sử, The Iron Lady với Margaret Thatcher, phim về Edith Piaf, về Marilyn Monroe… năm nào cũng có hai-ba diễn viên vào vai những tính cách lớn. Nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa con người thật và con người giả vờ. Marlon Brando trong Apocalypse Now là một nhân vật không thể nào quên. Đó mới là diễn xuất, là sức mạnh của sự tưởng tượng, như Brando trong Apocalypse Now hay The Godfather. Ông ấy tự tạo ra giọng nói, dáng đứng, mái tóc, mọi thứ”.
Cuộc đời sôi động đó khiến Cantona không hề cảm thấy nhờ bóng đá. “Tôi không nhớ bóng đá”, Cantona thừa nhận. “Nhưng tôi đã sợ rằng tôi sẽ nhớ. Cuộc đời đó từng rất phấn khích, và adrenalin như trở thành một thứ ma túy với cơ thể bạn, thứ mà bạn cần mỗi tuần. Hai năm đầu sau khi giải nghệ rất khó khăn. Tôi đứng trước nguy cơ trầm cảm, nên khi ngừng chơi bóng đá, tôi không trở về Pháp mà cũng không ở lại Manchester. Tôi tới Barcelona, nơi ông bà tôi ở, và không xem trận bóng đá nào trên truyền hình. Tôi không muốn rơi vào vòng cương tỏa của bóng đá, không muốn lại ngửi thấy mùi của phóng thay đồ, thấy những cầu thủ trên sân. Không, tôi không muốn nhìn lại…”
Bài viết của Hải Minh (xuất bản trên TT&VH cuối tuần năm 2012)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất