26/06/2023 14:50 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 26/6, cảnh sát Indonesia thông báo đang mở rộng cuộc điều tra vụ hơn 200 trẻ em nước này tử vong khi sử dụng thuốc ho siro có nhiễm độc nhằm làm rõ liệu một số quan chức tại Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) có hành vi vi phạm hình sự liên quan vụ việc này hay không.
Đây là động thái mới nhất nhằm truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến vụ việc gây chấn động dư luận trong thời gian qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Andika Urrasyidin, trưởng nhóm điều tra vụ siro ho nhiễm độc, cho biết lực lượng chức năng đã triệu tập nhiều quan chức BPOM để thẩm vấn và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Ông Andika nhấn mạnh cơ quan điều tra đang xem xét tất cả những bằng chứng và tiếp tục lấy lời khai những người có liên quan. Ông khẳng định những cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, ông Hersadwi Rusdiyono, Giám đốc cơ quan điều tra tội phạm thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia, nói rõ các quan chức của BPOM đã được mời đến với tư cách là nhân chứng và các điều tra viên cũng đang tiến hành rà soát các cơ quan quản lý dược phẩm. Theo ông Hersadwi, cảnh sát đang phối hợp với các công tố viên nhằm đảm bảo rằng các quan chức của BPOM đã làm đúng chức năng và trách nhiệm theo luật quy định. Ông cũng nói rõ cuộc điều tra cho đến nay chỉ tập trung vào các nhân viên ở cấp thấp hơn và không bao gồm Giám đốc BPOM Penny Lukito.
Hồi tháng 10/2022, Indonesia đã tạm thời cấm bán một số thuốc dạng siro sau khi xác định ethylene glycol và diethylene glycol có trong thành phần thuốc. Đây là 2 hợp chất được dùng như chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp, song cũng là một chất thay thế giá rẻ hơn cho glycerine, một dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Cho đến nay, BPOM đã thu hồi giấy phép của ít nhất 3 công ty khác sản xuất các sản phẩm mà cơ quan này xác định có chứa hàm lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol.
Cuối năm 2022, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ và đưa ra cáo buộc đối với 8 cá nhân thuộc các công ty nước này. Đây là những doanh nghiệp đã nhập khẩu và phân phối nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất thuốc siro ho bị phát hiện có chứa hóa chất công nghiệp độc hại đối với sức khỏe trẻ em.
Không chỉ Indonesia, các nước như Gambia, Uzbekistan năm ngoái cũng ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho nhiễm độc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang hợp tác với các quốc gia này để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất