Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 8): Kỳ lạ thói quen 'ăn đá' của cư dân cổ Xóm Trại

09/11/2020 19:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Đã có một hội thảo chuyên đề về vấn đề sử dụng chất khoáng trong đất đá tự nhiên của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên thế giới do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học tổ chức vào năm 2007. Trong đó, chúng tôi đã trình bày tư liệu và kết quả nghiên cứu về đá khoáng khai quật ở 2 địa điểm Xóm Trại và Đú Sáng năm 2004.

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 7): Bất ngờ với tượng 2 người nam cưỡi voi trên cán dao găm

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 7): Bất ngờ với tượng 2 người nam cưỡi voi trên cán dao găm

Cùng với thanh kiếm ngắn mang "dư ảnh" của Bà Triệu phát hiện ở Núi Nưa năm 1961, và thanh kiếm có hình tượng 2 phụ nữ song sinh cưỡi voi, được xem là biểu trưng hình ảnh 2 chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị (xem kỳ 1 loạt bài Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất: Chiếc kiếm ngắn Đông Sơn mang 'dư ảnh' Bà Trưng, Bà Triệu (TT&VH, 17/8/2020), gần đây, chúng tôi còn phát hiện thêm 1 con dao găm thời Đông Sơn có hình tượng 2 người nam cưỡi voi.

Việc sử dụng đá khoáng trong khung cảnh văn hóa Hòa Bình được trình bày 2 lần tiếp theo tại 2 hội nghị ở Nhật Bản. Một Hội nghị cho Hội các nhà Khảo cổ học Nhật bản nghiên cứu về Đông Nam Á tổ chức chuyên đề Dẫn liệu khảo cổ học về sản xuất và sử dụng muối trong lịch sử năm 2009 tại Tokyo và Hội nghị thường kỳ của các nhà khảo cổ học Đá cũ châu Á (AAP), họp năm 2012 tại Bảo tàng Tự Nhiên Ueno, Tokyo. Gần đây nhất, tháng 7/2018, vấn đề sử dụng đá khoáng trong văn hóa Hòa Bình lại được trình bày và thảo luận tại Hội thảo Suyanggea tại Penang Malaysia. Ở đâu vấn đề cũng được giới học thuật quan tâm, cổ vũ.

 

Tôi thấy cần phải trình bày phát hiện đáng chú ý này trong Hội nghị các nhà khảo cổ học Việt Nam.

Hang Xóm Trại và mái đá Đú Sáng
Hang Xóm Trại và mái đá Đú Sáng

Từ hàng ngàn viên đá bí ẩn ở hang Xóm Trại và mái đá Đú Sáng

Trong 2 cuộc khai quật diễn ra cùng năm 2004 tại mái đá Đú Sáng và hang Xóm Trại, toàn bộ trầm tích khai quật đã được sàng lọc và thu thập mọi vật liệu cứng còn lại. Trong đó có hàng ngàn viên đá dạng cuội lăn kích cỡ đường kính trung bình từ khoảng 1cm đến 15cm bên ngoài phủ lớp khoáng màu nâu đỏ (thổ hoàng, red hematite), màu vàng (orange hematite) và trắng thạch cao (kaoline).

Hàng ngàn viên đá dạng cuội lăn tại mái đá Đú Sáng và hang Xóm Trại
Hàng ngàn viên đá dạng cuội lăn tại mái đá Đú Sáng và hang Xóm Trại

Trong những cuộc khai quật trước đây, cũng tại hang Xóm Trại, loại hình di vật này thường chỉ được đếm và loại đi với cái tên: Đá tự nhiên, khác với công cụ và mảnh tước. Trong thực tế, đúng là chúng có nguồn gốc tự nhiên, nhưng hoàn toàn không có sẵn một cách tự nhiên trong hang và mái đá tiền sử, chúng đã được cư dân văn hóa Hòa Bình chọn lựa từ bên ngoài (dưới suối hoặc trong các vách đất lở) đưa về hang có chủ đích.

Tại sát hang Xóm Trại có 2 khối núi đất, nơi dân cư lập làng mang tên Xóm Trại. Khi mưa xuống nước rãnh tạo 2 màu đỏ và vàng khác nhau rất rõ rệt: Đá khoáng đỏ phổ biến ở núi đất màu đỏ, đá khoáng vàng ở núi đất màu vàng. Các lõi đá tự nhiên nằm trong đất lâu ngày được bọc một tầng áo khoáng mịn dày mỏng khác nhau, hoặc ở trên đồi hoặc lăn thành cuội suối, trở thành đối tượng tìm kiếm đưa về nơi cư trú Hoabinhian.

60% đá khoáng như vậy đã được Hoabinhian (người cổ thuộc Văn hoá Hoà Bình) Xóm Trại để lại dấu vết sử dụng: Mài vát, rạch, cạo nạo. Trong đó, không ít đồng thời in dấu răng của các loài gậm nhấm. Theo chúng tôi, đó là “hiện vật” (artifact) và phải được nghiên cứu như đối tượng khảo cổ học.

Thói quen “liếm” khoáng của động vật và con người

Khoáng chất hiện được con người sử dụng thường xuyên nhất là “muối” (salt) dưới dạng tinh thể trắng, dù trực tiếp từ nước biển hay từ mỏ sâu trong lục địa, cũng đều mang chung đặc tính hóa học của nước biển.

Tuy nhiên, việc chế ra muối từ nước biển, từ đất ngấm mặn hoặc khai đào các mỏ muối chỉ diễn ra không quá chục ngàn năm trước. Dường như các cư dân săn bắt hái lượm ít có nhu cầu từ thứ muối ăn đó. Do việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên đã cung cấp đủ các khoáng sinh cần thiết cho cơ thể.

Có lẽ chính xã hội của những cư dân nông nghiệp quảng canh mới thực sự có nhu cầu ổn định về muối ăn. Lối sống chăn nuôi, trồng trọt quảng canh, chuyên canh đã dẫn đến hiện tượng nguồn thức ăn hàng ngày của họ được tạo ra bởi thuần dưỡng những loại cây con càng ngày càng giảm bớt hoặc mất đi quá trình tổng hợp khoáng chất từ thiên nhiên. Ăn trứng, thịt gà công nghiệp “nhạt” hơn gà rừng, gà đồi là như vậy.

Các nhà động vật học đã từng chỉ ra thói quen “liếm” khoáng của động vật từ các lớp phù sa hay các đất, đá nhiễm khoáng. Một số bãi săn thú, không chỉ bởi tiện cho thú về uống nước mà chính vì “nước” ở đó “ngon” hơn - chính vì có khoáng mà chúng cần. Người và động vật đều có thứ “đồng hồ cảm ứng sinh học” đó, khiến người ta sẽ thấy “thèm” một vị gì đó, khi cơ thể mất cân bằng khoáng chất.

Hiện tượng một số loại người (trẻ em, phụ nữa có thai...) ăn một số vật liệu bất thường, như vôi vữa, đất khoáng chứa sắt... đã được quan sát ở nhóm Kinh, Mãng, Khơ Mú. Một số học giả Pháp thời thực dân đã chứng kiến và mô tả thói quen ăn phù sa sông khô bong tróc của người Tây Nguyên. Thời Hùng Vương tục cưới xin lấy nắm đất làm đầu đã có thể lặp lại ở hiện tượng cả làng ăn đất có nguồn gốc caoline ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ngày nay.

Vì thế, không phải không có lý để nghĩ rằng những nhóm săn bắt hái lượm tiền sử Hoabinhian cũng có nhu cầu này.

Người dân lấy đá khoáng từ trầm tích địa chất tự nhiên
Người dân lấy đá khoáng từ trầm tích địa chất tự nhiên

Trong đá khoáng có gì?

Để chuẩn bị cho Hội thảo khoa học Tục ăn đất, đá ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và triển vọng ứng dụng năm 2007, chúng tôi có chuẩn bị 10 mấu đất dá khoáng khác nhau, trong đó có 3 mẫu dân tộc học lấy từ hầm đất bí mật chỉ dành cho phụ nữ người dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cung cấp. Một mẫu sưu tầm trong cư dân Mãng ở Lào Cai do Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cung cấp và một mẫu do tôi trực tiếp lấy từ giếng khai thác “bánh ngói” của bà Lạc huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). 7 mẫu còn lại lấy từ hang Xóm Trại và mái đá Đú Sáng khai quật 2004.

Bảng phân tích được thực hiện bởi Viện Địa chất Viện hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, cho thấy các đá khoáng đều chứa khoáng chất có lợi cho cơ thể con người. Một cơ sở chế tạo dược phẩm ở TP.HCM sau khi dự Hội nghị đã lên đặt vấn đề khai thác caoline ở Lập Thạch làm nguyên liệu nền dược của họ.

Từ đồ ăn đến sáng tạo mỹ thuật

Đá khoáng nằm trong các độ sâu khác nhau của hang Xóm Trại, có số đo niên đại C14 từ 15-18 ngàn năm, tuổi hiệu chỉnh vòng cây cổ nhất là trên 21 ngàn năm cách ngày nay. Những bàn nghiền còn giữ nguyên màu khoáng đỏ cho thấy chúng được nghiền thành bột, có thể Hoabinhian đã dùng cho việc “tạo màu” vật dụng cũng như bôi vẽ trên cơ thể người.

Theo tài liệu dân tộc học, cư dân Papua và thổ dân Australia còn rắc bột khoáng lên thức ăn khoai nghiền làm bánh. Cũng không loại trừ việc những vết cạo rạch trên các viên đá có tầng khoáng dày và mềm hơn là chứng tích lấy khoáng ăn trực tiếp, hoặc trộn vào thức ăn.

Đáng chú ý nhất là trong quá trình rạch các đường rãnh song song để tạo ma sát khi mài lấy bột khoáng, một số Hoabinhian thăng hoa đã tạo ra những mô típ mang biểu trưng nghệ thuật đầu tiên. Đó là những hình dích dắc đối đầu tạo đồ án răng sói, tam giác . Còn nhớ, năm 1982 tôi và Hà Hữu Nga khai quật thí nghiệm hang Xóm Trại. Trong số hơn 100 công cụ dạng hạch có một số mảnh đá lõi basalt có bọc lớp thổ hoàng bên ngoài. Một số hình khắc vạch đã được phát hiện và công bố.

Những mô típ mang biểu trưng nghệ thuật đầu tiên từ các viên đá khoáng
Những mô típ mang biểu trưng nghệ thuật đầu tiên từ các viên đá khoáng

Đáng chú ý nhất là một phiến đá có hình khắc thể hiện một con hổ. Tôi đã giao viên đá đó cho Tạp chí Khảo cổ học để vẽ minh họa, nhưng rất tiếc đã bị làm thất lạc.

Như vậy với bề mặt mềm, dễ khắc rạch, đá khoáng còn là vật liệu thực hiện những cảm hứng thăng hoa nghệ thuật của cư dân văn hóa Hòa Bình.

(Còn tiếp)

Nguyễn Việt & Tạ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm