Ăn xổi di sản?

29/10/2015 07:07 GMT+7

(lienminhbng.org) - Ý kiến ủng hộ chủ trương xây cáp treo vào gần hang Sơn Đoòng của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khiến vấn đề về cách khai thác du lịch tại di sản này được “hâm nóng” trở lại.

Sơn Đoòng chỉ là… bề nổi. Xa hơn, từ cuộc tranh cãi về câu chuyện này cách đây gần 1 năm, những câu hỏi chung đang được đặt ra: khai thác di sản hướng tới thị trường cao cấp (và ít người) như Sơn Đoòng có là lãng phí và bất công với nơi sở hữu nó, cũng như với nhu cầu thưởng lãm của đại chúng? Và ngược lại, nếu muốn tạo ra sự “phân khúc” trong cách khai thác, chúng ta nên lựa chọn theo những nguyên tắc nào?

PGS Tạ Hòa Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội): Giải “bài toán khó” từ chuyện Sơn Đoòng

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới trong đó, hang Sơn Đoòng thuộc vùng lõi của di sản. Theo UNESCO, vùng lõi này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không được tổ chức du lịch đại trà. Bởi lẽ, với mỗi di sản thiên nhiên thế giới vùng lõi có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của nó, đồng thời hàm chứa trong đó những giá trị nổi bật nhất và dễ bị tổn thương nhất.


PGS Tạ Hòa Phương

Sơn Đoòng cùng hệ thống hang trong vùng lõi như hang Én, hang Va và khu rừng nguyên sinh bao quanh không đủ sức chịu tải đối với một số lượng du khách quá lớn đổ bộ vào khu vực. Không kể đa dạng sinh học phía ngoài các hang bị đe dọa, nếu như đưa khách du lịch đại trà vào hang Sơn Đoòng sẽ có rất nhiều thành tố tạo địa chất tinh tế trong hang bị đe dọa phá hủy, ví dụ như karst thực vật (phytokarst), hệ thống nhũ viền (rimstone), đặc biệt là hàng triệu viên ngọc động xinh đẹp mà thiên nhiên phải tốn hàng triệu năm mới tạo ra được.

Từ chuyện Sơn Đoòng, nhiều người sẽ cảm thấy “phí” vì di sản hiện nay không khai thác đại trà. Cụ thể, hiện tại, mỗi năm, Sơn Đoòng chỉ đón khoảng hơn 500 khách du lịch. Mỗi tour, khách du lịch trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ hơn 3.000 USD. Nếu tính bài toán theo tỷ lệ được hưởng từ những con số này, rõ ràng số tiền Quảng Bình nhận được “không xứng” với việc sở hữu hang động lớn nhất thế giới.

Song, đây là một phép tính thiển cận. Bởi, trong khai thác du lịch di sản, việc phân khúc thị trường với quy hoạch chức năng của từng địa điểm là hết sức quan trọng. Và, không thể tính lợi ích của Sơn Đoòng bằng những con số mà Công ty Oxalis (đơn vị đang khai thác Sơn Đoòng) đóng cho Quảng Bình.

Cụ thể, bên cạnh việc bảo tồn, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phía Oxalis đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ truyền thông quốc tế quảng bá Sơn Đoòng ra thế giới. Đây là những lợi tức ngoài tiền của Sơn Đoòng đóng góp cho du lịch Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Và, việc quy hoạch Sơn Đoòng làm hạt nhân, thu hút số lượng khách chất lượng để thúc đẩy cụm du lịch, tuyến du lịch phát triển du lịch đại trà là điều cần thiết và nên làm cho phát triển bền vững. Điều này vừa có thể bảo tồn di sản, vừa sinh lời từ hình ảnh di sản qua việc khai thác du lịch các khu vực xung quanh.

Với Việt Nam, việc khai thác di sản theo hướng chọn “hạt nhân” kích thích du lịch hay dàn trải đại trà hóa khai thác du lịch di sản là câu chuyện mới, song nhiều quốc gia trên thế giới đã có câu trả lời cho vấn đề này.

Cụ thể, hang Deer (Malaysia), hang động lớn thứ 2 thế giới sau Sơn Đoòng chỉ cho khai thác một lượng du khách rất hạn chế hàng năm. Song, các khu du lịch xung quanh có những nét tương đồng được đại trà hóa và thu hút rất đông khách nhờ hang Deer. Hay đỉnh Everest, Nepal cũng chỉ cho phép mỗi năm vài trăm người được chinh phục nóc nhà thế giới để đảm bảo tính nguyên trạng của di sản.


Hang Sơn Đoòng

PGS-TS Lương Hồng Quang: (Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Không thể “ăn xổi” trên di sản

Mỗi hình thức khai thác du lịch tại các di sản đều có những tiêu chí riêng. Du lịch đại trà (mass tourism)  tập trung vào số lượng, với mức giá dịch vụ vừa phải, nhưng bù lại bởi số lượng khách. Du lịch cao cấp trên lý thuyết có lượng du khách không nhiều, thu vào từng thời điểm có thể thấp hơn, nhưng lại tạo ra hệ thống dịch vụ hoặc sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, nếu xét dài hơi, chưa chắc đã có doanh thu kém hơn.

Về bản chất, mỗi loại hình này đều có ưu điểm riêng. Du lịch đại trà giải quyết được nhu cầu của số đông, tạo nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương. Ngược lại, du lịch cao cấp lại là hình thức phát triển bền vững và có ưu thế về việc bảo tồn nguyên trạng di sản, song kén khách. Có nghĩa, vấn đề đặt ra là sự điều chỉnh cần thiết để cân bằng 2 loại hình này cho phù hợp với loại hình di sản.


PGS-TS Lương Hồng Quang

Thực tế, trong thời gian qua, chúng ta cũng bắt đầu có sự thay đổi về tư duy khai thác du lịch tại các điểm di sản. Cụ thể, thay vì quá chú trọng số lượt khách, mức doanh thu từ bản thân các di sản này đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hình du lịch tại các di sản này lại không thể được tiến hành theo tư duy chủ quan, khiên cưỡng.

 Bởi, đó là câu chuyện phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tính chất đặc thù  của di sản, cũng như nhu cầu thực tế của các nhóm xã hội. Thậm chí, việc mở rộng thị trường khai thác tới mức độ nào, ở thời điểm nào, cũng là một bài toán phải phân tích và cân nhắc lợi hại.

Xin đơn cử trường hợp Quảng Nam. Cùng là di sản thế giới, nhưng Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An lại khác nhau khá nhiều về bản chất. Mỹ Sơn đón khách theo giờ hành chính, và vấn đề đặt ra với phía quản lý là việc bảo tồn cảnh quan, cũng như hệ thống các kiến trúc cổ. Ngược lại, Hội An là loại hình di sản “sống”, vốn có sự đòi hỏi cao về việc bảo tồn môi trường xã hội, lối sống, tập quán - chứ không đơn thuần chỉ là gìn giữ các ngôi nhà cổ.

Chúng ta hay nói nhiều tới thành công của Hội An. Còn với quan sát của tôi, lượng du khách đổ tới đây quá nhiều đang khiến di sản này mất đi sự yên bình từng có. Cộng cùng việc người tứ xứ kéo về Hội An để kinh doanh, cái chất “Quảng” đặc thù, cũng như những đặc thù của một điểm du lịch với các sản phẩm tại chỗ, cũng đang có nguy cơ. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nếu không quản lý tốt, cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

Hoặc, hang Sơn Đoòng là di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị” về cảnh quan và gợi ra cho du khách những câu chuyện về lối sống và văn hóa thời tiền sử. Thêm vào đó, hệ thống nhũ đá và các trầm tích trong hang rất nhạy cảm và dễ bị vỡ nát bởi các tác động từ du khách. Có nghĩa, tính nguyên gốc độc đáo, cũng như sự hoang sơ của Sơn Đoòng, là bản sắc quan trọng nhất.

Do vậy, việc phát triển du lịch đại trà hay du lịch cao cấp, ở đây là du lịch khám phá và nghiên cứu, cần được xem xét rất thận trọng trong một bài toán về thị trường và bảo tồn bản sắc của di sản.

Bản sắc của di sản mất, sức hút của di sản cũng sẽ giảm. Chúng ta hãy nghĩ tới điều đó, trước khi đưa ra những quyết định khai thác di sản theo tâm lý nóng vội và ăn xổi.

Sơn Tùng - Mỹ Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm