11/11/2019 19:04 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có vài câu không phải thành ngữ, cũng chẳng phải ca dao mà chỉ ghép lại vì cùng vần nhưng cũng đúng với thực tế khu vực Tây Hồ, “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” hay “Ổi Quảng Bá, cá Tây Hồ”. Cá Tây Hồ quả là nhiều.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
1. Hồ Tây rộng, có chỗ sâu đến 4 mét, và mùa mưa lượng nước tích tụ ở hồ rất lớn, đây chính là điều kiện cho thủy sinh phát triển. Vì hồ sâu lưới không quét được nên có nhiều con rất to, “thành tinh”.
Năm 1986, Xí nghiệp Khai thác thủy sản Hồ Tây bắt được một con cá trắm đen nặng 86kg. Con cá này đau bụng vật vã nổi lên mặt nước. Dù đau bụng nhưng giống trắm đen rất khỏe, khi vướng lưới nó sẽ phóng mạnh, sức mạnh của nó làm thủng lưới nên công nhân phải quây hai lớp lưới cho chắc ăn.
Nổi tiếng và từng là đặc sản của Hồ Tây có cá chép mình đỏ và cá chép mình trắng vẩy óng ánh như pha lê. Có cá trắm đen như mực Tàu và mượt như nhung the. Ngoài cá, Hồ Tây còn có giống tôm hồng thịt ngọt và thơm, cùng với cà cuống cay thơm. Sau năm 1975, người ta vẫn bắt được cà cuống bay từ hồ vào quảng trường Ba Đình nhưng đến những năm 1980 thì hầu như không thấy nữa. Cà cuống đã biến mất khỏi Hồ Tây, để những người ăn bánh cuốn hay bún thang phải chấp nhận vài giọt tinh dầu cà cuống bằng hóa chất.
2. Trong giai đoạn sông Thiên Phù và sông Tô lịch chưa bị lấp, vào mùa mưa nước sông Hồng vào Hồ Tây đã mang theo tôm cá. Vào hồ gặp điều kiện thuận lợi, tôm cá sinh sôi nảy nở. Vì thế các làng quanh hồ như: Yên Phụ, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Võng Thị sinh ra nghề đánh cá. Có nghề đánh cá mới sinh ra chợ bán lưới Võng Thị. Và thành hoàng của làng Võng Thị là Mục Thận, một người đánh cá gắn với truyền thuyết khi quăng lưới bắt được hổ nhưng hổ lại chính là viên quan của triều Lý.
Trong bài Tụng phú Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng có nói đến nghề bắt cá ở Hồ Tây: “Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. Khi mặt hồ còn “mịt mù khói tỏa mờ sương” đã nghe tiếng mái chèo gõ mạn thuyền dồn cá vào lưới.
Liên tục nhiều thế kỷ, các triều đại quân chủ cho dân quanh hồ được tự do đánh cá coi như hoa lợi của làng nhưng đến khi Pháp xâm chiếm Hà Nội thì mọi chuyện thay đổi. Năm 1889, chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu đánh cá Hồ Tây để thu tiền và ra quy chế 5 năm đấu thầu lại một lần. Trúng thầu bao giờ cũng là người Pháp. Thế nhưng họ không làm mà kiếm lời bằng cách cho người Việt thầu lại. Chủ người Việt đã tổ chức bán vé cho bất cứ ai muốn đánh bắt trên Hồ Tây theo năm. Do sông Tô Lịch bị lấp, Hồ Tây thành hồ tù nên nguồn cá từ sông Hồng không còn, chủ thầu phải mua cá bột của những người gột cá ở bãi Nhật Tân, Nghi Tàm thả vào hồ. Những người làm nghề đánh cá ở Yên Phụ, Nghi Tàm, Võng Thị, Xuân Tảo bực tức vì không còn được hưởng hoa lợi từ hồ, nay muốn đánh cá phải mua vé nên không ít người bỏ nghề. Vì thế đánh cá ở hồ là ngư dân các nơi khác.
Năm 1940, quân đội Nhật vào Đông Dương, họ đóng quân khắp thành phố, lúc này người Pháp làm cái gì cũng dò xét thái độ của quân đội Nhật. Quân đội Nhật coi Hồ Tây là vị trí chiến lược nên họ không cho đánh cá, đêm đêm dùng ca nô tuần tiễu quanh hồ. Rồi Nhật bại trận, Pháp tái chiếm Hà Nội và năm 1948, họ lại tiếp tục cho thầu đánh cá ở hồ.
Năm 1958, Xí nghiệp đánh cá quốc doanh Hồ Tây thành lập. Họ thả cá mè hoa Trung Quốc, loại cá hay ăn, nhanh lớn con to đến hàng chục cân nhưng thịt không ngon để đáp ứng nhu cầu bán cung cấp cho cán bộ, nhân dân Hà Nội. Ngoài đổ phân cho cá ăn, họ còn về Hà Nam, Ninh Bình mua ốc đổ vào hồ cho cá ăn. Từ đó ốc Hồ Tây nhiều hơn.
3. Trước năm 1954, vì Hồ Tây do tư nhân quản lý nên họ trông coi ngày đêm. Bắt được người câu cá trộm, họ báo cảnh sát và người câu trộm sẽ bị giam ở bót một thời gian, bị cảnh sát Pháp đạp giày đinh vào bụng. Mặt khác họ cũng thuê dân anh chị trông coi, bắt được ai trộm cá, họ đánh nhừ tử, vì thế tình trạng câu và đánh lưới trộm rất ít.
Tuy nhiên từ khi lập xí nghiệp cá quốc doanh thì nạn câu, đánh lưới trộm diễn ra hàng ngày vì tài sản công nên “cha chung không ai khóc”. Bảo vệ phát hiện chỉ xua đuổi, họ sợ trả thù nên cánh câu trộm chỉ sợ công an. Bị công an bắt, người trộm cá bị nhốt ở đồn vài ngày, thậm chí có thể bị đi tù, ghi vào “sổ đen” của công an nhưng tiền kiếm được từ trộm cá rất lớn vì thế họ vẫn liều. Có một người từng sống nhờ vào câu cá trộm Hồ Tây là nhà văn Phùng Quán.
Trong tác phẩm Phùng Quán - Ba phút sự thật, nhà văn Phùng Quán viết về câu cá chép bên “chòi ngắm sóng” của ông: “Tháng ba. Trời nồm ẩm ướt gần suốt cả tháng. Đường phố Hà Nội lép nhép bùn. Thềm nhà xi măng, đá hoa các nhà chảy nước. Dân trong thành phố bực dọc nguyền rủa thời tiết. Dân câu ven Hồ Tây chúng tôi lại vui mừng hết chỗ nói. Hồ Tây cá trở mình suốt đêm. Cá cái như chép, diếc, thầu dầu… bụng căng trứng nôn nóng chờ mưa rào… Ngày hôm đó, trời đổ mưa rào, trận mưa rào đầu tiên. Người ta gọi trận mưa rửa bùn. Dân câu chúng tôi gọi là trận mưa tiền. Đêm nay, sẽ bắt đầu từ lúc nửa đêm, cá từ giữa hồ sẽ lao thẳng vào bờ vật đẻ dưới các vùng bèo do chúng tôi chuẩn bị sẵn, trong các đám rong đuôi chó, cây niểng, cây sậy nước mọc gần bờ… Bọn cá vật đẻ từ nửa đêm cho đến rạng sáng chúng hoàn tất vụ sinh đẻ đầu tiên trong năm…
Tôi đang hy vọng sẽ kiếm được một yến cá chép. Năm ngoái, cũng đúng vào thời điểm này tôi kiếm được hơn mười sáu cân cá, và một con rắn cạp nong lớn đi ăn trứng cá. Tôi bán tất mang tiền về cho vợ. Vợ tôi mừng ứa nước mắt.
Với tôi, những đêm như đêm nay, mọi chuyện văn chương thơ phú chẳng có ý nghĩa gì hết so với một yến cá chép!… Cá ngoài hồ trở mình mỗi lúc một căng. Chúng đang từ giữa hồ lao vào bờ. Những nàng chép cái, mỗi nàng nặng cỡ hai, ba ký, bụng chửa vượt mặt, dắt theo cả chục chàng chép đực rốn cương sẹ (tinh trùng của cá) - cá cái vật đẻ phun trứng vào rễ bèo, vào những lùm rong đuôi chó, vào gốc các bụi cây mểng, cây sậy mọc chìm dưới nước… Cá cái phun trứng đến đâu, cá đực xô nhau tưới sẹ lên trứng. Chúng hoàn toàn đắm mình trong cuộc giao hoan, không còn biết trời đất là gì. Chúng tôi chỉ việc thả lưỡi câu chùm xuống, nhấc ngang, nhấc dọc, kéo cổ chúng lên khỏi mặt nước. Để tranh thủ thời gian, giật được con nào, chúng tôi vứt luôn chúng xuống giữa các rãnh cây, nắn vội lại bộ lưỡi câu chùm thả xuống giật tiếp. Ít có một giống vật nào say mê tình dục như bọn chép đực. Nằm phơi mình trên mặt đất chờ chết, chúng vẫn giãy đành đạch, tiếp tục phun sẹ đọng thành vũng trắng loang lổ màu sữa…”.
Những mô tả chi tiết bằng giọng văn hấp dẫn, lôi cuốn cho thấy Phùng Quán hiểu rất kỹ về cá, về hồ.
4. Trong bút ký Ký sự ven hồ Tây của nhà văn Hoàng Quốc Hải xuất bản năm 1981 đã nói đến nạn câu cá trộm. Họ câu lưỡi một, lưỡi chùm, đánh ba tiêu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên câu vẫn là ăn trộm tử tế. Ông Nguyễn Quang Phương người làng Quảng Bá từng kể, câu mất thời gian và lại được ít nên ông giăng lưới. Dùng lưới bắt được nhiều hơn và bị công an tóm thì câu hay giăng lưới cũng vào đồn, tội như nhau.
Khi đêm xuống, biết cánh bảo vệ hồ bù khú rượu, ông mò chiếc thuyền nan nhấn chìm dưới nước chèo ra hồ giăng lưới. Xong công việc về nhà đánh một giấc, khi đài truyền thanh “tèn ten”, ông ra nhấc lưới gỡ cá. Có hôm cá mắc lưới nhiều đến mức ông không dám gỡ thêm sợ thuyền chở nặng sẽ chìm. Cá mang vào bờ lập tức được chia nhỏ ra cho các thành viên trong nhà mang bán ở các chợ trong phố. Việc đánh lưới trộm diễn ra trong nhiều năm mà không một ai hay biết. Ông kể năm 1974, nhà ông xây nhà nhờ tiền bán cá. Thực ra chả riêng ông Quang, thời bao cấp nhà nào quanh hồ mà xây nhà gạch thì cầm chắc liên quan đến trộm cá hồ. Làm công nhân lấy đâu tiền mà mua gạch, mua ngói?
Nguyễn Ngọc Tiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất