Khi Trung thu được 'giữ' tại Bảo tàng

27/09/2015 06:31 GMT+7

(lienminhbng.org) - Dần nhạt nhòa tại đô thị lẫn nơi khai sinh là nông thôn, nhưng những nét truyền thống của Tết Trung thu vẫn tìm được chỗ lưu trú riêng để thu hút những người hoài cổ.

Và không chỉ những người hoài cổ, rất đông trẻ em cũng được đưa tới những nơi ấy để tiếp xúc với những giá trị văn hoá cũ - mà nhịp sống hiện đại đang làm mai một ít nhiều. Năm 2015 này, Bảo tàng Hà Nội, với lễ hội Rước trăng chơi phố hay Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô) với Hội trăng Làng là những ví dụ…

Cái "nôi" lưu giữ Trung thu

Nhưng, xuất hiện sớm nhất, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTH) trong liên tục 13 năm qua mới thật sự là điểm đến của Tết Trung thu truyền thống.

Từ năm 1999, vào dịp Trung Thu, Bảo tàng này đã tổ chức trưng bày các loại đèn truyền thống. Năm 2002, hoạt động này được đẩy lên một bước cao hơn. Nghệ nhân và thợ thủ công ở các làng nghề tại Vân Canh (Hoài Đức) được mời tới Bảo tàng, trực tiếp gia công trước sự chứng kiến của nguời xem. Thậm chí, cả những gánh tò he của các nghệ nhân tại Hà Đông cũng được đưa tới trong dịp này.


Trẻ em xem các nghệ nhân làm đèn kéo quân tại Bảo tàng Dân tộc học vào ngày 20/9/2015 vừa qua

"Mới làm, nhiều người thắc mắc rằng tại sao chúng tôi lại mang vào bảo tàng những hiện vật... rẻ tiền như đèn Trung Thu. Có người còn hỏi: bên ông lại xoay sang chuyện… ăn dỗ trẻ con à?" - PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng, kể. Đó cũng là thời điểm, Bảo tàng DTH đang tìm hướng hút khách, sau khi ra đời vào 1997.

Mô hình phổ biến tại Mỹ, Nhật, Pháp được ông Huy áp dụng: tổ chức đưa các nghệ nhân nắm giữ văn hoá truyền thống vào trình diễn thực hành tại bảo tàng một cách sinh động, trong sự tương tác cùng khán giả.

"Báo giới ủng hộ chúng tôi nên đưa tin khá nhiều. Ngày khai mạc, bãi xe của Bảo tàng bị quá tải, xe tràn cả ra sân trước" - ông Huy kể.

Lép vế trên thị trường nếu so với những đèn ông sao chạy pin hay đèn lồng điện tử, những đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn xếp… truyền thống lại có sức hút lớn đến không ngờ khi đưa về Bảo tàng DTH. Hấp dẫn hơn nữa, ở một số công đoạn cuối cùng, các khán giả đặc biệt này còn được mời tự tay hoàn thiện và tô điểm, để có một chiếc đèn theo ý muốn của mình.

Tới năm 2003, bên cạnh đèn truyền thống, Tết Trung Thu của Bảo tàng này lại giới thiệu thêm một món đồ chơi nổi tiếng của Hà Nội cũ: những chiếc tàu thuỷ sắt tây, chạy bằng dầu hoả. Nghệ nhân trình diễn là cha con ông Nguyễn Văn Nhâm, gia đình duy nhất còn theo nghề tại làng Đình Gừng (Khương Đình, Thanh Xuân) vốn có gần trăm năm làm tàu thủy đồ chơi từ vỏ hộp. Người đến nườm nượp, có du khách người Pháp bị hấp dẫn tới mức "thửa" luôn cả trăm chiếc tàu tí hon để làm quà lưu niệm.

Sức sống của Trung thu trong Bảo tàng

Từ thời điểm ấy, đều đặn, ngày hội Trung Thu truyền thống được tổ chức tại Bảo tàng trong suốt 13 năm qua và trở thành một điểm đến quen thuộc với người dân Hà Nội.

Bên cạnh việc giới thiệu những món đồ chơi truyền thống như đèn, diều, chong chóng giấy, chuồn chuồn tre…, trẻ em tới đây còn được học cách làm đồ chơi bằng lá, đất, bột, tập cắt tỉa hoa quả và bày những mâm cỗ Trung thu; hát đồng dao, kể sự tích Trung thu hoặc chơi những trò ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, kéo co,chuyền…

Mỗi năm, cách tổ chức của Bảo tàng lại được bổ sung thêm những nét mới. Chẳng hạn, năm 2007, các nét đặc sắc của hoạt động Trung thu tại Hàn Quốc - quốc gia cũng có Tết Trung thu như VN - được giới thiệu bổ sung. Năm 2008, Bảo tàng có thêm màn phục dựng trò hát trống quân - vốn là trò hát cũ rất phổ biến tại Trung thu ở các vùng nông thôn Bắc Bộ.

Tâm lý "hoài cổ", hay còn những lý do gì khác, đã đưa khán giả tìm về với những nét văn hoá truyền thống này? "Bản thân, những món đồ, những phong tục đã hình thành trong hàng trăm năm qua đều mang theo trong nó không biết bao nhiêu câu chuyện. Nếu tìm được cách khai thác hợp lý, tự thân truyền thống sẽ có sức thuyết phục với người xem trong cuộc sống bây giờ" - PGS Huy trả lời.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm