Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn: Để di sản thực sự thành tài sản

21/05/2014 10:00 GMT+7 | Di sản


(lienminhbng.org) - Nếu nhìn từ khi Việt Nam có di sản đầu tiên được UNESCO công nhận di sản thế giới (năm 1993) đến nay, việc bảo vệ và khai thác các di sản ấy để thành tài sản cho Việt Nam vẫn là bài học cần rút nhiều kinh nghiệm. Là một chuyên gia thực địa có nhiều công trình nghiên cứu uy tín, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai, chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn của ông về điều này.

“Hiện nay, việc phát huy giá trị di sản trở thành nguồn tài sản động lực của kinh tế, nguồn lực của du lịch đang là một chiến lược phát triển đúng ở cả Việt Nam và thế giới. Một loại hình du lịch mới - du lịch di sản (heritage tourism) đang phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn bắt đầu câu chuyện.

* Ông có nghĩ Việt Nam đang có/còn rất nhiều di sản mãi là di sản, mà chưa có cơ hội trở thành tài sản? Thậm chí nhiều lễ hội về di sản đã bị biến thành công cụ để tiêu tốn tài sản?

- Xin lấy một ví dụ: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tháng 7/2003. Nhưng trước khi được công nhận, nơi đây mới đón được hơn 4.000 du khách quốc tế. Năm 2004, đón được 6.573 du khách; năm 2005, tăng lên 12.228 du khách; đến nay, 10 năm sau, du khách quốc tế đến Phong Nha - Kẻ Bàng tăng gấp 10 lần.


Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn

Tuy nhiên ở nhiều điểm có di sản quốc gia và thế giới vẫn còn những bất cập và hạn chế. Có địa phương trói chặt các di sản vào quan niệm “bảo tồn”. Các ban quản lý di tích chưa năng động tạo nguồn thu, nhiều hạng mục của di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có kinh phí trùng tu, chỉ trông chờ vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngược lại, một số tỉnh, các di sản thu hút được đông du khách nhưng địa phương lại có chủ trương khai thác di sản bằng mọi giá, ồ ạt phát triển du lịch đại chúng để tăng nguồn thu mà không coi trọng nghiên cứu các nguồn lực của địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững. Có ban quản lý di tích chỉ coi trọng việc bán vé thu tiền các điểm tham quan mà không đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch khác.

Hầu hết lễ hội tôn vinh quảng bá di sản, Ban tổ chức đều thuê các công ty tổ chức sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng. Người dân, chủ thể của lễ hội, chủ nhân của di sản bị “gạt ra rìa” và chỉ đóng vai trò thụ động như du khách bình thường. Nhiều chương trình sự kiện cứ na ná cả về kịch bản lẫn đạo cụ, trang phục, và thuê các “ngôi sao” biểu diễn… Có hiện tượng “con gà tức nhau tiếng gáy”, các tỉnh đua nhau làm sự kiện theo kiểu hoành tráng, quy mô lớn hơn và tiền ngân sách cũng lớn hơn. Bình quân một chương trình nghệ thuật thuê các công ty tổ chức sự kiện cũng phải tốn từ 5 đến 10 tỷ đồng. Có sự kiện tốn kém hàng chục tỷ đồng công quỹ, bằng cả kinh phí sự nghiệp chi cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh trong một năm!

Giúp thổ cẩm Tả Phìn sống được là một trong những thành công về khai thác di sản của Lào Cai

Như vậy, muốn phát huy được giá trị di sản, muốn “biến di sản thành tài sản” không phải là vấn đề đơn giản. Trước hết lãnh đạo chủ chốt ở địa phương phải xác định phát triển du lịch cần theo định hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Mặt khác phải kiên quyết chống các quan điểm làm du lịch theo kiểu “một đập ăn ngay”, “ăn xổi ở thì”. Đã xác định du lịch di sản là mũi nhọn ở địa phương thì không được phát triển thủy điện quy mô nhỏ, tiến hành khai thác khoáng sản khi chưa có biện pháp bảo vệ môi trường… làm tổn hại đến môi trường du lịch.

* Một ví dụ thời sự. Việt Nam vừa kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (một vết son mãi tự hào của lịch sử dân tộc, đây là điều rõ ràng rồi), nếu nhìn đây như là một di sản lịch sử, di sản văn hóa thì có vẻ như chúng ta còn ít tác phẩm, sản phẩm xứng tầm với di sản này, chưa nói là có thể sản sinh thêm nhiều tài sản, di sản khác. Theo kinh nghiệm của ông thì vì sao chúng ta chưa khai thác tốt?

Muốn phát huy di sản thành tài sản phải xây dựng được cơ chế phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước - quản lý, định hướng; nhà khoa học - nghiên cứu, tư vấn sản phẩm, thị trường; nhà dân - chủ nhân làm ra sản phẩm; và nhà doanh nghiệp - đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Khi nào người dân chủ động tham gia thì di sản mới trở thành tài sản - Trần Hữu Sơn
- Vâng, đúng là các tác phẩm văn học nghệ thuật về Điện Biên còn thiếu những tác phẩm hay, chưa xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Về điện ảnh, ngoài một số bộ phim tài liệu chúng ta mới xây dựng được 3 bộ phim truyện như Lá cờ chuẩn (ĐD: Uđa và Nguyễn Khắc Lợi), Hoa ban đỏ (Bạch Diệp), Ký ức Điện Biên. Rất tiếc những tác phẩm này được bỏ nhiều tiền của và công sức nhưng cũng chưa hẳn là đỉnh cao của điện ảnh nước nhà. Về văn học, bên cạnh các thể loại thơ, ký, truyện ngắn, riêng về tiểu thuyết đã có 9 tác phẩm viết về Điện Biên giai đoạn 1954 - 1975. Sau năm 1975 còn một loạt các tiểu thuyết khác như Cánh đồng phía Tây của Hồ Phương, Noong Nhai - Hồng Cúm của Chu Phác, Mảnh đất yêu thương của Dũng Hà, Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy của Mai Vui… Như vậy, số tiểu thuyết viết về Điện Biên không phải ít nhưng ngoài tác phẩm Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, ít có tác phẩm sống lâu dài với thời gian.

* Trở lại địa bàn Lào Cai, nơi ông gắn bó, những câu chuyện “biến di sản thành tài sản” như thuốc tắm người Dao, gạo Séng Cù, thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa), tương ớt Mường Khương… đã thực sự gây ấn tượng. Công thức của Lào Cai thế nào mà hữu hiệu như vậy?

- Ngay từ năm 2001, Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai đã xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” và được Ban Chấp hành Tỉnh ủy Lào Cai thông qua. Hiện nay, Lào Cai đang thực hiện giai đoạn 3. Mục tiêu là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, là bảo tồn và khai thác các loại cây con, ngành nghề, sản vật… mang tính đặc sản nhằm phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu của người dân. Đề án đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, trong cán bộ cơ sở.

“Văn hóa không phải là ngành chỉ tiêu tiền, đi xin tiền”, mà văn hóa thực sự là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Người dân ở các bản làng hãy làm giàu từ di sản của cha ông để lại kết hợp với kỹ thuật mới, các tri thức mới. Kinh nghiệm của Lào Cai là phải có sự tham gia của người dân, của doanh nghiệp. Họ phải thực sự là chủ nhân của dự án, chủ nhân của di sản. Công cuộc bảo tồn và phát huy di sản được người dân chủ động tham gia chứ không trông chờ vào Nhà nước làm thay, hết kinh phí đầu tư là hết dự án.

TS Trần Hữu Sơn (sinh năm 1956), Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, là tác giả của khoảng 10 sách nghiên cứu về văn hóa H’Mông, về người Dao, về lễ hội cổ truyền Lào Cai…, cùng nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian ứng dụng, bảo tồn và khai thác di sản, ảnh hưởng của các nhân tố tộc người đến việc phát triển kinh tế - xã hội, về du lịch nhân văn…

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm