Cẩn trọng với thiết bị phụ trợ của bình gas

13/12/2011 07:30 GMT+7 | Thế giới

Vụ cháy nổ gas ở Hà Nội sáng 11-12, làm hai người tử vong cho thấy hiểm họa cháy nổ gas vẫn chưa được kiểm soát. Chuyên gia về an toàn gas cho rằng cần mở đợt tổng kiểm tra các sản phẩm gas chiết lậu trên thị trường.

Khi mua bình gas cần kiểm tra, phải đảm bảo vỏ bình không bị móp méo, nước sơn còn tốt, không rỷ sét, còn nguyên niêm phong, có nhãn hàng hóa theo bình Ảnh: Nguyễn Hoài.


 San chiết gas lậu

Chủ một tổng đại lý gas ở Hà Nội cho biết, các cửa hàng kinh doanh gas có thể sử dụng nhiều chiêu thức để san chiết gas trái phép. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các cửa hàng phân phối nhỏ lẻ.

Một số thương hiệu gas có giá cao hơn mặt bằng giá chung khoảng 30% như Shell Gas. Nhiều cửa hàng san chiết gas thường vào vỏ bình Shell Gas để nâng cao lợi nhuận. Một hình thức khác, nhiều cơ sở, chủ cửa hàng ăn bớt khối lượng, chiết một phần gas từ các bình đầy sang các bình trống. Thậm chí tận dụng lượng gas dư thừa trong các bình đã sử dụng để sang chiết vào bình trống.

Theo ông Đỗ Tuấn, Trưởng phòng An toàn - Chất lượng, Cty Cổ phần Kinh doanh Khí Hóa lỏng miền Bắc, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, gas là mặt hàng có nguy cơ gây cháy nổ cao. Vì vậy, yêu cầu đối với việc san chiết gas rất chặt chẽ từ phương tiện thực hiện, đội ngũ nhân công, mặt bằng đến quy trình thực hiện. Tuy nhiên, việc san chiết gas lậu thường làm thủ công, người thực hiện san chiết lậu thường là các công nhân không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật san chiết theo dạng truyền miệng. Đây là nguy cơ dẫn đến các sự cố về rò rỉ khí gas, gây mất an toàn cho người sử dụng.

Thiết bị phụ trợ, chưa có tiêu chuẩn bắt buộc

Một nguy cơ khác từ các cơ sở san chiết gas lậu là sự thiếu an toàn của các thiết bị chứa gas. Các cơ sở san chiết gas trái phép không tuân thủ quá trình kiểm định, các vỏ gas méo, móp, bị mài mòn… thường được sơn lại để đánh lừa người tiêu dùng.

Trong khi vỏ bình gas đã có các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn thì ống dẫn, van điều áp gas và kẹp, các thiết bị phụ trợ lại chưa có tiêu chuẩn bắt buộc, không nằm trong nhóm các sản phẩm có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của Bộ LĐTB&XH. Bởi thế, các phụ kiện an toàn gas như van điều áp, kẹp, ống dẫn trôi nổi, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn dễ dàng được bán trên thị trường. Do các thiết bị có chất lượng kém nên dễ dàng bị xì hở, bị giãn chảy do nhiệt độ, hoặc bị chuột gặm nhấm dẫn đến rỉ khí gas.


Ông Âu Việt Hùng, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH dầu khí Gia Định, đã trao đổi với PV chiều qua tại Cty (thuộc Cụm công nghiệp, Ga Lưu Xá, Quất Động, Thường Tín, Hà Nội).

Ông Hùng cho biết, sáng qua Cty đã có cuộc họp nội bộ, thống nhất chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, “Công ty chưa từng gặp trường hợp tai nạn nào bị hậu quả lớn như thế. Công ty chỉ bảo hiểm bình và van nằm ngay đầu bình gas, còn dây và van điều áp thuộc trách nhiệm của cửa hàng”.

Ông Hùng cũng khẳng định, trong trường hợp đúng hay sai thì công ty vẫn có sự hỗ trợ nhất định cho gia đình bị nạn. Ông Hùng cho biết, theo một số thông tin như báo chí phản ánh, đêm trước hôm xảy ra vụ hỏa hoạn gia đình anh Việt có sang chiết gas trái phép. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến rò rỉ gas và dễ dàng phát hỏa. Ngoài ra, việc kinh doanh gas tại một cửa hàng có diện tích 12m2 và không có cửa thoát hiểm là điều đặc biệt nguy hiểm.

Trước mắt Cty sẽ cùng tổng đại lý hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Huy Việt (chồng của nạn nhân) và hai nhân viên của cửa hàng bị nạn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, hôm qua, ba nạn nhân trong vụ nổ gas đã hồi tỉnh và trò chuyện. Anh Nguyễn Huy Việt, chủ cửa hàng gas bỏng 60%, Nguyễn Văn Hoàn 35% và Nguyễn Danh Hưng 25%.


Theo Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm