02/03/2018 05:58 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng... Chỉ nghe qua đã thấy sự rộn ràng, nô nức của các lễ hội và lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới.
Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Hòa vào dòng người đi lễ đầu Xuân sẽ cảm thấy trời đất giao hòa, con người như gần gũi nhau hơn. Đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đẹp và lâu đời của mỗi người dân Việt Nam.
Ở Việt Nam từ xa xưa, ngày Rằm tháng Giêng được gọi là lễ Thượng nguyên (sự mở đầu cao nhất), lễ Nguyên tiêu (đêm đầu tiên). Dân gian có tục đi chơi đón trăng. Thanh niên từng toán một, nam riêng, nữ riêng, tụ tập quanh gốc đa đầu làng, bên bờ hồ giữa xóm hoặc trên gò cao, kề bến nước, trong vườn hoa đào... Họ hát giao duyên, những câu ca tình tứ: Nhớ ơn đêm Rằm tháng Giêng/ Có ông Nguyệt lão se duyên đôi mình. Hay Sáng trăng sáng cả vườn đào/ Hai cô đứng đó cô nào chồng chưa.
Cây đu dựng từ trong Tết được lưu lại để các anh, các chị trổ tài, cũng là một cách níu giữ mùa Xuân dài thêm một thời đoạn nữa. Sau đó họ rủ nhau đi dạo quanh xóm làng, tâm tình dưới ánh trăng thanh. Về sau lễ Thượng nguyên, lễ Nguyên tiêu chuyển về chùa chiền.
Tất cả mọi chùa chiền ở làng hay phường phố đều làm lễ cúng, rộng cửa đón khách thập phương. Không cứ là tín đồ Phật tử mà hầu như mọi nhà, nhất là giới nữ, đều đến chùa lễ Phật. Bởi vậy tục ngữ Việt Nam có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”.
Lễ Thượng nguyên quan trọng, vì theo chuyện Phật thì chính ngày này chư Phật đều từ cõi Cực lạc giáng lâm chùa chiền để chứng độ lòng thành của những tín đồ, nên ai cũng muốn đến chùa dâng hương ngày hôm ấy, nhất là giới nữ. Các vị lão bà đến chùa còn là để tụng kinh niệm Phật, vừa lần tràng hạt vừa kể hạnh tức là những bài ca thuật lại sự tích của các Phật, các bồ tát và khuyến thiện, răn đe tội lỗi, ca ngợi sự hy sinh cho đồng bào, đồng loại.
Đặc biệt, ở nước ta là có khá đông đôi trai gái nặng lòng yêu nhau cũng đến chùa, tới trước Phật điện để xin cầu phù hộ độ trì cho được cùng nhau vẹn ước duyên tơ. Và thường thường là các Phật vốn từ bi cứu khổ nên vẫn tạo điều kiện cho họ thực hiện ước mơ hạnh phúc sánh duyên.
Ngày Thượng nguyên-Rằm tháng Giêng có gốc gác là: Theo chuyện Phật thì ngày mùng một đầu tháng (âm lịch) và ngày rằm là ngày của các Phật. Do vậy Phật tử đều đến chùa dâng lễ vật cúng Phật vào hai ngày đó. Nhưng ngày mùng một ban đêm lại đen tối mịt mù, ngược lại đêm Rằm thì trăng soi vằng vặc. Nhất là đêm Rằm đầu tiên của một năm thì thiêng liêng lắm nên các Phật giáng lâm xuống mọi chùa chiền để độ trì cho mọi người tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà.
Khoảng dăm bảy thế kỷ trở lại đây, có một thục tế rằng tín ngưỡng đạo giáo thâm nhập vào Phật giáo. Tôn giáo này coi Rằm tháng Giêng là ngày vía Thiên quan, là dịp may hãn hữu để làm lễ dâng sao giải hạn trừ tai ách. Do vậy các chùa cũng nhân ngày này dựng đàn tràng làm lễ dâng sao. Đàn tràng có 3 cấp. Trên cùng là Trời, Phật, Tiên, Thánh. Cấp giữa là các vì sao thủ mạng (theo đạo Giáo, mỗi con người hàng năm chịu ảnh hưởng của một vì sao nào đó). Cấp dưới cùng là các cô hồn chúng sinh lang thang vô định. Lễ vật thường là hoa quả, trầu cau, xôi oản, trà rượu và đồ vàng mã.
Đó chính cũng là lý do khiến thêm nhiều người đến cửa chùa để cầu xin may mắn, tránh tai ương.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng là lúc Phật giáng lâm nên đây là ngày rằm quan trọng nhất năm, mang ý nghĩa lớn. Chính vì vậy mà vào rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Ngoài ra, trong ngày này, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà và nhiều gia đình coi đây là ngày quan trọng trong năm nên cúng lễ rất chu đáo, cẩn thận. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm tháng Giêng, một là lễ cúng chay (cho ban thờ Phật) và hai là lễ cúng mặn (cho ban thờ gia tiên). Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau.
Năm mới Mậu Tuất 2018, rằm tháng Giêng rơi vào ngày 2/3 dương lịch, thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào giờ Ngọ (từ 11h đến 13h) ngày 2/3 dương lịch (tức ngày 15/1/2018 âm lịch) vì đây là thời khắc Thần Phật giáng thế.
Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được công việc để cúng vào ngày giờ đó thì các gia đình có thể cúng trước từ sáng ngày 1/3 dương lịch (tức 14/1 âm lịch) đến trước 19h ngày 2/3 dương lịch (tức ngày 15/1 âm lịch).
Tham khảo Bài văn khấn rằm tháng Giêng tại nhà:
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………
Ngụ tại:………………………………………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ……………… nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Bài cúng rằm tháng Giêng tại chùa:
Khi đi lễ chùa, nếu bạn là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật dưới đây để thể hiện tấm lòng thành tâm của mình tới đức Phật:
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại chân như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Nam mô Thâp phương Thường trụ Tam Bảo
Nam mô Thâp phương Thường trụ Tam Bảo
Nam mô Thâp phương Thường trụ Tam Bảo.
Thảo Nhi (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất