Bảo tồn cầu Long Biên: Cơ hội cuối cùng cho Hà Nội

27/02/2014 09:44 GMT+7 | Di sản


(lienminhbng.org) -  "Tôi khẳng định, cầu Long Biên là cơ hội cuối cùng để Hà Nội tìm ra một không gian văn hóa cho xứng đáng với lịch sử của mình" - GS Nguyễn Văn Huy (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), chia sẻ với TT&VH. "Chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội như vậy rồi, với những câu chuyện của khu phố Pháp, khu phố cổ, hay thậm chí là Hoàng thành Thăng Long".

Với những gì đang diễn ra, gần như chắc chắn, cầu Long Biên sẽ được bảo tồn, thay vì phải "lột xác" để trở thành một cây cầu mới như dư luận từng lo ngại. Nhưng, khi được giải phóng khỏi vai trò giao thông đường sắt, Long Biên cần được đối xử thế nào để không trở thành một "cây cầu chết" với chiều dài 2.300 mét của mình?

Không thể bảo tồn theo kiểu "bao cấp"!

"Xác định bảo tồn Long Biên, chúng ta lập tức sẽ sa vào những câu hỏi như đã đặt ra với hàng chục di tích khác: phục dựng thế nào? Kinh phí ở đâu? Và đặc biệt là khai thác nó sao cho hiệu quả?" - GS Huy nói.

Với Long Biên, trải theo những biến cố lịch sử, hình dạng của cây cầu thép này đã trở nên xấu xí hơn rất nhiều so với nguyên bản. Năm 1972, chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ đã phá đi 9/18 nhịp cầu. Phần thân trụ được nối lại vội vã sau đó cũng sử dụng loại thép chất lượng thấp. Ngoài ra, từ thập niên 1980, việc ít được đầu tư bảo dưỡng khiến cầu bị han rỉ trong nhiều năm, cùng với hệ thống dây điện loằng ngoằng được mắc theo trục thân.

Thực tế, so với những kiến trúc đặc thù của lịch sử Hà Nội như khu phố cổ, khu phố Pháp hay Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên vẫn là di sản giữ được tính toàn vẹn tương đối, và dễ trùng tu nhất. Thế nhưng, tại cuộc tọa đàm về cầu Long Biên (chiều 25/2), một số chuyên gia đã đặt câu hỏi: trong trường hợp trở thành một cây cầu "di sản", bao nhiêu lượt du khách sẽ bỏ công đi bộ (hoặc đạp xe) đi hết 2.300 mét chiều dài của Long Biên để thưởng ngoạn, hay chỉ dừng lại ở việc... chụp ảnh cưới ở 2 đầu cầu như thực tế đang diễn ra?

"Đầu tư để trùng tu cầu Long Biên đòi hỏi kinh phí rất lớn. Bài toán đi tìm "phần hồn" để cây cầu trở thành một di sản sống động, luôn gắn với các sinh hoạt văn hóa thường nhật của Hà Nội thì còn lớn hơn" - GS Huy nói. "Nhưng nếu trùng tu không đến nơi đến chốn, không tìm ra cách khai thác cầu Long Biên một cách xứng tầm thì đây sẽ lại là một sự lãng phí kinh khủng về di sản, như bao trường hợp khác".

Không thể phủ nhận, hàng loạt kiến trúc đang được bảo tồn tại Hà Nội đã "ngốn" một phần khổng lồ của ngân sách Nhà nước để trùng tu hoặc duy trì chống xuống cấp theo thời gian. Thế nhưng, khả năng thu hút khách du lịch của những kiến trúc ấy lại luôn là một dấu hỏi.

Đi tìm "kịch bản" cho cầu Long Biên

GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: "Trước mắt, điều cần thiết là việc xây dựng một đề án tổng thể để bảo tồn cây cầu này. Rồi theo thời gian và theo điều kiện kinh tế, chúng ta sẽ từng bước một khôi phục lại hình dáng cũ của cây cầu, cũng như có những biện pháp khai thác phù hợp".

Thực tế, ngoài khu vực Hồ Gươm cũ, Hà Nội đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm một không gian văn hóa - lịch sử lớn hơn để tổ chức các hoạt động của mình. Bởi vậy, theo GS Nguyễn Văn Huy, việc cầu Long Biên bỗng nhiên thu hút sự chú ý của dư luận lại là một cơ hội đặc biệt để giải quyết điều này.

“Chúng ta cần sự đầu tư xứng tầm, cần một kế hoạch xứng tầm để Long Biên dần trở thành biểu tượng văn hóa thật sự của Hà Nội" - ông Huy nói. "Muốn như vậy, việc bảo tồn cầu Long Biên không thể coi là việc riêng của Hà Nội nữa, mà  phải được coi là một dự án cấp quốc gia để nghiên cứu và tìm hướng thu hút kinh phí đầu tư”.

Theo phân tích của chuyên gia bảo tàng này, bản thân 100 năm lịch sử của cầu Long Biên đã "đầy ắp" những câu chuyện đi kèm. Với những kho tư liệu khổng lồ về lịch sử VN thời thuộc địa, về đường sắt VN hay về Hà Nội trong những năm chiến tranh, việc tìm ra hướng kết nối du khách với cầu Long Biên là điều khả thi.

"Tôi thấy ý tưởng biến cầu Long Biên thành một bảo tàng ngoài trời cũng hay, miễn là chúng ta tìm được hướng trưng bày uyển chuyển và hấp dẫn. Chẳng hạn, theo tôi, nếu phục dựng lại các nhịp cầu đã mất thì vẫn nên chừa lại một nhịp cầu để trống " -  GS Huy nói. " Nhịp cầu ấy sẽ gắn liền với việc tái hiện trận địa pháo phóng không, với những tư liệu độc đáo về một cầu Long Biên, biểu tượng của Hà Nội trong 12 ngày đêm chống máy bay Mỹ cuối năm 1972. Tìm được cách "kể chuyện" hợp lý cho đủ 18 nhịp cầu như vậy, du khách sẽ không thấy nản khi đi hết chiều dài của cây cầu".

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm