04/09/2015 05:44 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sau khi tỏ ra im ắng ở mùa Hè năm ngoái, Man City đã lại mua sắm rầm rộ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Phải chăng sự điều chỉnh của Luật công bằng tài chính khiến họ được hưởng lợi?
Cách đây 6 năm, Chủ tịch UEFA Michel Platini tuyên bố rằng một số ông chủ các CLB, trong đó có Roman Abramovich (?), muốn kìm hãm một cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Âu. UEFA cho biết số tiền mà các CLB ở Châu Âu đã chi tiêu đang làm không ít trong số họ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đó là lý do để Luật công bằng tài chính (FFP) ra đời nhằm thắt chặt việc chi tiêu của các CLB nếu muốn thi đấu ở các đấu trường châu lục từ mùa giải 2012-13.
FFP và những thành quả ban đầu
Quá trình thảo luận nhằm tìm ra cách thức thực hiện FFP tốt nhất đã diễn ra khá phức tạp nhằm đảm bảo các CLB vẫn duy trì được khả năng hoạt động, trong đó việc chi tiêu cho công tác đào tạo trẻ và cơ sở hạ tầng không được tính. Nhìn chung, FFP đạt được những kết quả tích cực khi các CLB ở Châu Âu đã giảm đáng kể các khoản lỗ, từ con số 1,7 tỷ euro (1,2 tỷ bảng) năm 2011 xuống còn 400 triệu euro (293 triệu bảng) vào năm ngoái. Trước mắt, FFP phần nào kiềm chế lạm phát về phí chuyển nhượng và mức lương dành cho các cầu thủ. Một số CLB như Chelsea thậm chí lần đầu tiên đạt được lợi nhuận dưới kỷ nguyên Abramovich.
Mặt khác, ngay trong quá trình ra đời Luật công bằng tài chính, Hiệp hội các CLB Châu Âu khẳng định rằng FFP sẽ càng làm cho những đội bóng lớn trở nên giàu có hơn, đồng thời ngăn cản cơ hội để những đội bóng mới được đầu tư có thể bắt kịp. Phía UEFA lại cho rằng thành công của FFP là động cơ để khuyến khích những khoản đầu tư mang tính bền vững.
Cho đến giờ, mới chỉ có hai ông lớn Châu Âu bị phạt vì vi phạm Luật công bằng tài chính, và một trong số đó chính là Man City, đội còn lại là PSG. Riêng với Man City, họ tin rằng luật này đang trở thành rào cản cho tham vọng của mình. Thêm vào đó, mục đích của Luật công bằng tài chính có vẻ nhắm vào những đội bóng mới nổi cũng như bảo vệ các đội bóng giàu truyền thống. Cả Man City lẫn PSG đều bị phạt 49 triệu bảng và giới hạn về đội hình cũng như kinh phí chuyển nhượng. Sau khi đáp ứng được những yêu cầu ở mùa trước, số tiền phạt dành cho hai đội chỉ còn 16 triệu bảng và những giới hạn được dỡ bỏ.
Định hướng mới từ sự nới lỏng của UEFA
Mùa Hè này, có hai lý do khiến Man City trở lại với thói quen mua sắm điên cuồng. Thứ nhất, họ và những đội bóng ở Premier League được hưởng lợi từ hợp đồng bản quyền truyền hình mới trị giá 8 tỷ bảng, yếu tố giúp đội bóng của HLV Manuel Pellegrini có thêm tiền để mua sắm. Thứ hai, việc UEFA nới lỏng Luật công bằng tài chính cũng giúp đội chủ sân Etihad thoải mái hơn một chút khi đem về các tân binh.
Sự nới lỏng của UEFA đến từ thành công của Luật công bằng tài chính trong giai đoạn đầu tiên, khi đã ngăn chặn các CLB đối mặt với những khoản nợ khổng lồ, buộc họ phải nghĩ dài hạn hơn thay vì chi tiêu quá tay. Bây giờ là lúc để FFP chuyển hướng từ việc giới hạn chi tiêu sang khuyến khích việc chi tiêu có trách nhiệm.
Việc một số ông chủ ở Italy phàn nàn với Michel Platini rằng FFP đang ngăn cản họ đầu tư vào một số đội bóng tại Serie A là động cơ khiến UEFA bật đèn xanh cho những nhà đầu tư mới mua các CLB, miễn là họ đảm bảo tạo ra một kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Sự thay đổi ấy, cùng với việc án phạt vi phạm Luật công bằng tài chính được dỡ bỏ, khiến cho Man City tự tin chi ra tới hơn 130 triệu bảng để mua sắm trong mùa Hè này.
130 Man City đã chi ra tới hơn 130 triệu bảng để mang về các tân binh trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay. 293 Theo thống kê, khoản lỗ của các CLB ở Châu Âu năm 2014 chỉ còn ở mức 293 triệu bảng, thấp hơn con số 1,2 tỷ bảng cách đây 3 năm. 54,5 Cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Man City là Kevin De Bruyne, vừa chuyển đến từ Wolfsburg với giá 54,5 triệu bảng. |
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất