Cần lập “trại dưỡng lão” cho cụ rùa

25/02/2011 13:28 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đó là ý tưởng của chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng - người khởi xướng và đưa ra quy trình nuôi ba ba và nhiều loài đặc sản khác. Mới đi công tác từ Tây Bắc về, nghe tin TP Hà Nội sẽ “quyết” phương án cứu cụ rùa vào hôm nay, ông rất hào hứng trò chuyện với TT&VH.

>> Chuyên đề: Rùa Hồ Gươm lâm nguy

Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng

* Vì sao không thấy ông phát biểu trong hội thảo của Hà Nội về bảo vệ rùa Hồ Gươm?

- Rất tiếc, tôi không được mời tới dự thì làm sao phát biểu được. Tôi cố gắng theo dõi đầy đủ qua báo chí và truyền hình về hội thảo trước đó...

* Vậy ông có đề xuất gì không?

 - Về vấn đề rùa Hồ Gươm tôi đã có ý kiến từ năm 2000 rồi. Lúc đó một số báo loan tin “Rùa Hồ Gươm đẻ trứng”. Họ đăng cả ảnh. Tôi xem báo, hóa ra đó toàn là trứng và ba ba con do người dân phóng sinh xuống hồ sinh ra. Vì vậy nó sinh sôi là chuyện bình thường. Trong bài viết, tôi có đề cập tới vấn đề muốn có rùa con thì phải tạo một chỗ thích hợp cho rùa đẻ. Tôi có nêu về một mô hình để rùa lên đó vượt cạn.

* Mô hình đó có thể áp dụng cho việc cứu cụ rùa được không?

- Rùa Hồ Gươm được xếp trong phân bộ rùa rụt cổ, cùng với ba ba, vích và các loài rùa khác. Ta phải nắm chắc đặc điểm sinh lý của rùa rồi mới bàn cách cứu chữa.

Rùa hô hấp chủ yếu bằng phổi, trong nó có cơ quan hô hấp phụ để tiếp nhận oxy dưới nước. Vì vậy, việc ngoi lên để thở là hiện tượng bình thường. Việc đưa rùa lên cạn có người lo sẽ làm rùa chết, theo tôi không đến nỗi như thế. Rùa lên cạn là việc tự nhiên. Đến mùa sinh sản, nó lang thang suốt đêm trên cạn để tìm chỗ đẻ. Nó rất cầu kỳ để tìm nơi thích hợp nhất, nó đào bới đất cát xung quanh hố, không bao giờ rùa thỏa mãn với nơi đầu tiên nó phát hiện mà nó khảo sát rất nhiều điểm. Lúc đó nó hoàn toàn thở bằng phổi. Vì vậy nếu đưa rùa lên cạn để chữa trị thì cứ từ từ mà chữa cho đến nơi đến chốn, không việc gì phải vội vàng để thả cụ lại hồ.

Cũng như ba ba, rùa là loài biến nhiệt. Vì vậy nó rất thích bò lên cạn để được sưởi nắng. Ngày xưa, chắc cụ rùa cũng hay bò lên bờ. Nay, người đông như kiến, xe máy ồn như ong vỡ tổ thì sao rùa dám bò lên được. Đây cũng là điều cần quan tâm đến đời sống sau này của cụ rùa và cách cứu cụ.

Ta cũng nhất trí với nhau rằng, rùa là một sinh vật nên không tránh khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, mà rùa Hồ Gươm đã mấy trăm tuổi rồi, vậy gọi cụ là chính xác. Nhưng đã là cụ thì nên cho hưởng chế độ “dưỡng lão”. Ta nên tạo điều kiện ăn, ngủ, nghỉ tốt nhất cho cụ.


Cần lập “nhà dưỡng lão” cho cụ rùa ở giữa Hồ Gươm

* Vậy theo ông, mô hình đó nên như thế nào?

- Tôi cần làm một thùng kín bằng kim loại, rộng 10m2 và sâu 2 - 3m. Thùng sẽ đựng đầy cát khô. Thùng để dưới hồ, càng xa bờ càng tốt, ta kê thùng sao cho nó cao hơn mặt nước độ nửa mét. 4 xung quanh có đường dẫn thoải từ dưới nước lên đến miệng thùng, để rùa có thể bò lên được. Phía trên thùng ta có một cái ô khổng lồ để che. Ô cao hơn mặt thùng từ 1 - 2m nhưng đuôi ô phải trùm ra ngoài mép thùng 1 - 2m để che mặt thùng khi rùa bò lên ở ngoài không trông thấy. Trông xa nó như một cây nấm. Thế nào rùa cũng bò lên và chui vào cát nằm cho “sướng đời”.

Trên nóc ô ta nên có hệ thông sưởi và giữ nhiệt từ 30 đến 35 độ C, nếu cần mắc 1 camera để theo dõi.

Như vậy, vừa yên tĩnh, ấm áp, vừa sạch sẽ và thoáng đãng. Với cụ, “dưỡng lão” như vậy là hơn chế độ “trung, cao cấp” rồi đấy (cười).

* Nguy cơ rùa tai đỏ sẽ hại cụ rùa thì sao?

- Theo tôi đấy là một dự đoán sai. Ở loài rùa, tình mẫu tử kém lắm, tôi đã chứng kiến ba ba mẹ “đớp” ba ba con và nhai ngấu nghiến. Rùa tai đỏ làm sao bơi nhanh bằng cá được. Vì vậy, chính rùa tai đỏ lại là món mồi ngon cho cụ rùa dùng bữa.

* Xin cảm ơn ông!

Tử Hùng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm