'Xây mới' nhiều hạng mục cổ tại di tích Yên Tử

24/12/2014 07:31 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Đơn vị thi công “tự ý” xẻ rừng thiêng Yên Tử làm đường cho xe cơ giới vận chuyển vật liệu. Di tích trải hàng trăm năm gắn liền với tài đức của vua Trần Nhân Tông nay bị đào bật nền, xây mới từ móng. Chùa Một Mái nức tiếng trời Nam, nơi biên soạn nhiều kinh văn của trường phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng được làm lại “hoành tráng hơn”...

Đó là những gì đang diễn ra ở Di tích Quốc gia Đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh) trong “cơn bão” trùng tu, xây mới.

Đổ móng lại cho di tích trăm năm

Theo như lời người hướng dẫn viên, Am Dược xưa, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh. Qua những biến thiên lịch sử, gần đây, di tích này chỉ còn nền đá và một góc tường cổ kính nằm giữa rừng thẳm để du khách hồi tưởng lại quá khứ. “Đây là một trong những nơi hoang vu nhất của quần thể Yên Tử, 1.000 du khách mới có 1 người lựa chọn ghé thăm chốn này. Song ai đã tới đây đều không phải nuối tiếc vì những trải nghiệm về trầm tích trăm năm ở sâu trong khu rừng hoang sơ”- người hướng dẫn viên cho biết.


Thợ thi công đang khẩn trương hoàn thiện phần móng Am Dược

Phăm phăm leo xuyên khu rừng ở non thiêng Yên Tử chừng 2 tiếng đồng hồ (từ nhà ga cáp treo thứ 3), chúng tôi bắt gặp một đường đất lớn với những vết bánh xe to. Con đường tự tạo cắt ngang rừng khiến du khách không khỏi đắn đo về tính “hoang sơ” như mô tả của người hướng dẫn viên.

Men theo con đường lằn vết bánh xe chừng 500 mét, đập vào mắt chúng tôi là một “đại công trường” giữa rừng thẳm. Khu vực rộng chừng vài chục mét vuông lọt thỏm giữa những tán cây bạt ngàn. Các phiến đá gạo nổi tiếng của di tích Am Dược và những họa tiết trăm năm bị vứt chỏng chơ xung quanh. Phần móng bằng đá gạo của di tích cũng đã bị đào bật lên hoàn toàn. Trong cái lạnh tê người chốn thâm sơn, những người thợ đang oằn lưng uốn thép để chuẩn bị... đổ móng cho hạng mục quan trọng của di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Những người thợ ở đây cho biết, công trình đã thi công gần nửa tháng nay. Thứ duy nhất mà tốp thợ trân quý đặt lên bàn thờ là bức tượng Phật nhỏ bằng đá của di tích xưa. Còn lại, tất cả các cấu kiện khác đều bị xếp trên nền đất, không có nhà bao che, bảo quản (như yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa).


Những hoa văn, cấu kiện cổ bị vứt chỏng chơ, không được bao che
“Làm mới hết, theo... phê duyệt”

Tương tự Am Dược, chùa Một Mái nổi tiếng cũng “được” làm mới. Theo ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích và rừng quốc gia Yên Tử: “Việc trùng tu, tôn tạo chùa Một Mái sắp xong. Nhưng về cơ bản là làm mới hết theo... phê duyệt”.

Còn theo ông Hồ Chí Đức, trưởng Ban Quản lý Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, chùa Một Mái cũng như Am Dược theo hồ sơ đã được phê duyệt là những hạng mục được làm mới do cấu kiện cũ không giữ được là bao (?!). “Chùa Một Mái hiện đang được làm to hơn. Trước đây, chùa chỉ tựa vào vách núi. Bây giờ, chúng tôi làm lại để bớt... chênh vênh, tránh nguy hiểm cho du khách” - ông Đức cho biết.   

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, chùa Một Mái là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường lui tới đọc sách, soạn kinh. Các kinh văn, thư tịch quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều được biên soạn và có thời lưu trữ tại chùa. Bởi vậy, việc bảo tồn nguyên vẹn ngôi chùa sau nhiều lần trùng tu qua các thời kỳ là tối cần thiết. Thế chênh vênh tựa núi, lẩn khuất trong mây của chùa cũng là điểm nhấn quan trọng đối với việc UNESCO xét hồ sơ di sản của Yên Tử sắp tới.

Trao đổi với TT&VH về con đường tự tạo xuyên rừng quốc gia Yên Tử, ông Hồ Chí Đức cho biết:  Con đường này mới làm để vận chuyển vật liệu vào công trường. Chỗ này bên thi công cứ làm thôi chứ không phải xin phép…

Không phê duyệt xây mới nền móng Am Dược

Theo Quyết định số 74/QĐ-DTTĐ Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán công trình “Phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược, khu di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh” do ông Hồ Chí Đức ký ngày 19/10/2012, về hạng mục tôn tạo khu Am Dược, quyết định nêu rõ: Giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại, dựng tại Am Dược theo kích thước mặt bằng hiện trạng, hệ tường bao che xây thêm vào tường hiện trạng, gia cố nền móng bằng cách ốp đá nguyên khối vào bệ móng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của TT&VH tại công trường, tường đá cũ nay chỉ còn những khối đá vứt chỏng chơ, không được bảo quản, đánh dấu ký hiệu theo yêu cầu của Luật Di sản. Đặc biệt, thay vì gia cố nền móng, đơn vị thi công chọn cách bật nền cũ xây mới.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm