20/02/2016 11:43 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội luôn là nơi “chính hội” (năm nay sẽ diễn ra vào Rằm tháng Giêng - 22/2).
Văn Miếu: Liên khúc thơ
Năm nay, chủ đề chính của toàn bộ sự kiện là “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Đây là một hình tượng văn học, hướng ra biển đảo quê hương, tượng trưng cho một định hướng lớn của đất nước, định hướng của Đại hội lần thứ 12 của Đảng vừa qua.
Ngày Thơ được chia thành 2 sân gồm: Sân thơ chính và Sân thơ trẻ kết hợp thiếu nhi. Bên cạnh đó là 26 câu lạc bộ thơ của các địa phương.
Ngày hội sẽ là lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ “Biển đảo, biên cương” do các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày. Hai nhà thơ Bỉ, Pháp do Phái đoàn châu Âu giới thiệu cũng tham dự góp vui.
Tiếp đó là liên khúc thơ “Đất nước mùa xuân” với các nữ nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; rồi liên khúc thơ “Mùa xuân quê hương” với các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương…
Phần được chờ đợi của Ngày Thơ hàng năm luôn là sân thơ trẻ với sự mới mẻ qua từng năm. Theo nhà thơ Trần Hữu Việt, năm nay là sự kết hợp giữa sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi. Có sự “đổi chỗ” so với mọi năm khi sân thơ truyền thống chuyển sang đọc liên khúc còn sân thơ trẻ và thiếu nhi lại toàn đọc thơ lẻ.
Trong 10 gương mặt dự sân thơ trẻ năm nay có đến 8 gương mặt mới. Trong đó, trẻ nhất là nhà thơ Ngô Gia Thiên An mới học lớp 11 với giọng thơ rất độc đáo.
Chủ đề chung của sân thơ Trẻ và Thiếu nhi năm nay là “Đường Xuân”, mở đầu với liên khúc thơ thiếu nhi “Reo vang bình minh”. Nền sân khấu năm nay là bức tranh rực rỡ mang biểu tượng ngũ hành xuân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Tại TP.HCM: Các nhà thơ trẻ “mời thơ” đàn anh
Vào lúc 9h ngày 13 tháng Giêng Bính Tuất (20/2), tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM (tầng 4, 81 Trần Quốc Thảo, Q.3) sẽ diễn ra Hội thảo Sức sống thi ca đô thị. Đây là hoạt động mở màn cho ngày thơ Việt Nam 2016. Ban tổ chức cho biết đã nhận hơn 20 bản tham luận của các nhà lý luận phê bình văn học, nhà thơ. Hội thảo chủ yếu tập trung nhìn nhận lại đời sống thi ca của thành phố 5 năm vừa qua.
Vào lúc 19h ngày 14 tháng Giêng (21/2), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 sẽ chính thức khai mạc tại khuôn viên toà nhà trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo). Chương trình gồm nhiều tiết mục trình diễn kịch thơ, đọc thơ, ngâm thơ của nhiều tác giả xen lẫn giữa các nhà thơ trẻ và những nhà thơ lớn tuổi, trong đó thơ trẻ là chủ đạo.
Tại đêm thơ này, các nhà thơ trẻ sẽ cùng các nhà thơ lớn tuổi đọc thơ với nhau theo chủ đề chung: "Mời thơ - nối dài tình yêu đất nước". Theo đó, nhà thơ trẻ Trần Võ Thành Văn sẽ mời thơ nhà thơ Văn Lê đọc bài thơ ông yêu thích nhất và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Tiếp đó, nhà thơ trẻ Tiểu Quyên mời thơ đàn anh Lê Minh Quốc, Lê Hoà mời thơ Nguyễn Công Bình, Nguyễn Phong Việt mời thơ Nguyễn Vũ Tiềm... Nhà văn Trần Nhã Thuỵ, Trưởng Ban Văn trẻ Hội Nhà vănTP.HCM, cho biết: “Việc nhà thơ trẻ mời thơ các bậc đàn anh đi trước thể hiện sự tiếp nối không ngừng của dòng chảy thơ ca thành phố”.
Trong ngày 14 tháng Giêng (21/2), tại khuôn viên tổ chức ngày thơ, các sân thơ trẻ, gian thơ của các câu lạc bộ quận huyện cũng được dựng lên với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, thể hiện bản sắc riêng và sẽ được ban tổ chức tiến hành chấm giải như mọi năm. Đặc biệt, tại Sân thơ trẻ, các họa sĩ biếm và “tuý họa giang hồ” Trần Đạt sẽ “tốc ký” chân dung tặng khách thơ đến chơi. Việc ký họa này chỉ diễn ra từ 14h đến 17h.
Vào 15h ngày Rằm tháng Giêng (22/2), tại ĐH KHXH & NV TP.HCM (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1) diễn ra chương trình giao lưu thơ giữa các nhà thơ: Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vũ Tiềm, Tiểu Quyên, Nguyễn Phong Việt… với giảng viên, sinh viên yêu thơ của Khoa Văn học và N gôn ngữ.
Nha Đam - Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất