(TT&VH) - Người ta nói nhiều đến chất lượng chuyên môn của V-League tuổi lên 10 đã được nâng tầm đáng kể, rồi lượng CĐV đến sân ngày một đông và song song đó là vấn đề an ninh sân bãi, bạo lực sân cỏ… Nhưng, ít ai đề cập đến những tồn tại của giới trọng tài, bộ phận quan trọng tác động trực tiếp đến kết quả của trận đấu và của giải đấu…
“Sau vụ tiêu cực trảm hàng loạt trọng tài năm 2005, lực lượng “vua áo đen” của Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng về lượng và chất. Đó là khó khăn mang tính khách quan, thời cuộc…”, câu giải thích muôn thuở của những quan chức HĐTT QG hay VFF, mỗi khi có “vua” nào dính “phốt” hoặc mắc sai sót.
Bắn trọng tài
TT Võ Minh Trí là một trong những ông vua sân cỏ hiếm hoi của Việt Nam
được AFC đánh giá cao. Ảnh: VSI
Một câu chuyện hành lang kể rằng, ngay sau buổi tổng kết mùa giải 2009, một vị HLV nọ đã nhanh nhảu kéo ông “vua áo đen” (người vùng trong) lại một góc cầu thang ở trụ sở VFF và dí cho chiếc phong bì màu trắng dầy cộp. Không cần phải mở chiếc phong bì ra, chắc ai cũng biết trong đó chứa gì. Chút chè thuốc hay lộ phí đường dài?
Sau bao tiền lệ và những rút kinh nghiệm, tiêu cực trọng tài chỉ giảm, chứ chưa thể dứt, tất nhiên, tinh vi hơn nhiều. Ủy viên HĐTT QG Bùi Như Đức khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ các trọng tài và giám sát, vẫn thường xuyên ngồi “bàn tròn” sát phạt lẫn nhau, trước và sau mỗi trận đấu. Còn chuyện trọng tài có nhận bồi dưỡng của đội bóng hay không, khó có thể kiểm soát được”.
Phải, khi mà BTC địa phương còn phải lo trọn gói chi phí ăn ở và di chuyển của trọng tài và giám sát làm trận đấu (theo quy định của BTC giải), thì có Trời mới biết được trong gói những phong bì ấy có bao nhiêu tiền?!
Trọng tài bắn
“Mày đừng có diễn. Tao cho thẻ đỏ bây giờ! Đứng dậy và đá tiếp đi…”, những câu phát ra từ “vua áo đen” như vậy, chẳng lạ lẫm gì với các cầu thủ. “Mình bị đau thật, chứ có diễn gì đâu?! Không hiểu sao ông ấy lại nói thế nhỉ. Chắc là “ngậm” chút đỉnh của chủ nhà rồi…”, cầu thủ nọ cắc cớ, ra điều khó hiểu. “Thôi, tốt nhất trước mỗi trận đấu, cứ là chủ động đến bắt tay, mỉm cười với ông ta (trọng tài), để hy vọng không dính thẻ oan”, anh này nói tiếp.
Có người thậm chí còn chẳng hiểu sao mình bị phạt thẻ, như tình huống của Danh Ngọc trong một trận đấu của M.Nam Định ở Navi Bank Cup mới đây. Người phạm lỗi là Nhật Nam, nhưng trọng tài chính điều khiển trận đấu ấy lại nhằm thẳng mặt Ngọc mà phạt, khi thoáng thấy anh đứng gần điểm nóng. Bản thân Nhật Nam sau đó cũng ấm ức với chiếc thẻ đỏ trực tiếp từ trên trời rơi xuống, sau một tình huống cản bóng ở phần sân đối phương.
Nghiệp vụ yếu hay những can thiệp chủ quan của trọng tài, đều sẽ tác động xấu đến số phận của trận đấu. Tai hại hơn, nó khiến người ta mất niềm tin với tính minh bạch và công bằng của cuộc chơi.
“Dây” trọng tài
Cách đây mấy năm, từ vụ bầu Đức của HA.GL bồi dưỡng cho mấy trọng tài 200 USD, có ông trọng tài biệt danh “đạn bắn không thủng”. Ông này không những không chịu nhận tiền bồi dưỡng (sau trận đấu), mà còn tố cáo vài cái tên có liên đới. Nhiều người nói, ông “vua” nọ cay cú vì bị o ép, nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Cổ nhân có câu: “Không có lửa làm sao có khói”.
Dân trong nghề kháo nhau rằng, quy trình thăng tiến của một trọng tài, việc anh ta được bắt bao nhiêu trận/mùa, được đề cử phong FIFA hay những giải thưởng kiểu “Còi vàng” về cuối năm…, còn phải tùy thuộc vào “dây” của anh ta mạnh hay không. Các Giám sát hay Ủy viên HĐTT, những người có tiếng nói quyết định cho việc này, vì thế rất có uy.
Hôm rồi, gặp lại ông trọng tài “đạn bắn không thủng” ở SVĐ Thống Nhất – Cúp Navi Bank 2010, ông này lắc đầu ngao ngán với cách điều khiển trận đấu của một trọng tài trẻ, đang trong diện quy hoạch bắt V-League và rằng: ““Dây” của cậu ấy mạnh lắm. Có cả ông Tổng đứng sau lưng cơ mà! Yên tâm đi, chỉ sau một mùa giải dự bị, thế nào anh ấy cũng bắt chính ở V-League 2010”.
THẢO NGUYÊN