30/11/2013 09:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa qua tại TP.HCM, một phần của ê-kíp vở kịch Thiên Thiên (KB: Việt Linh, ĐD: Việt Linh - Phạm Hoàng Nam) đã có buổi ra mắt báo giới, mà đến khi kết thúc, vẫn chưa biết kịch bản này đề cập đến chuyện gì, ngoài một ấp ủ có vẻ táo bạo và một chủ đích “không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc” được chia sẻ.
Bộ sậu của ê-kíp này rất hùng hậu, quá thừa năng lực cho một vở kịch, nếu nó chỉ ở mức bình thường. Riêng dàn diễn viên thuộc hạng “khủng”, cũng đã quá dư cho vở kịch, gồm Thanh Thủy, Hồng Ánh, Khánh Hoàng, Lê Bình, Đại Nghĩa, Quý Bình, Cát Tường, Mai Phượng, Vân Trang… và nhiều nghệ sĩ khác. Thậm chí đây còn là cuộc trở lại sân khấu của Minh Trang sau khoảng 20 năm, chị đóng vai chính Thiên Thiên.
Kịch... điện ảnh
Cả Việt Linh và Phạm Hoàng Nam đều gần như lần đầu dựng kịch nói, dù cả hai đã học, đã yêu thích thể loại này từ lâu.
Đạo diễn Việt Linh. Ảnh: Nguyên Á
Phạm Hoàng Nam tâm sự rằng anh từng giúp đạo diễn Minh Nguyệt dựng Cánh đồng bất tận, đủ kinh nghiệm để thấy rằng thể loại này rất khó, muốn rút lui vĩnh viễn luôn, nếu lần này không phải “người chị thân ái” Việt Linh thì anh không dám nhận lời. Cho nên cả hai có vẻ như muốn tiếp cận Thiên Thiên ở một thể loại khác, kịch pha điện ảnh - cả ở cách dàn dựng, thiết kế sân khấu và diễn xuất. Một vở kịch giống như tiêu chí mà nó hướng đến: “không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc”.
Nhiều diễn viên tham gia vở này như Minh Trang, Mai Huỳnh, Quý Bình, Hồng Ánh… đều thừa nhận rằng tâm trạng họ rất mông lung, thậm chí băn khoăn khi lần đầu đọc kịch bản, thấy nó chẳng đi theo lối thông thường. Chính đạo diễn Việt Linh cũng cảm thấy điều này nên đã gửi cho nhiều bạn bè đọc, trong đó có nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, để tìm sự động viên, góp ý. Danh sách ủng hộ cho vở diễn này phải đến vài chục, thậm chí cả trăm người.
Lần giở lại “gốc tích” kịch bản cũng khá lạ, ban đầu đạo diễn Minh Nguyệt nhờ Việt Linh chuyển thể truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của Vũ Hồi Nguyên. Sau khi nhận kịch bản thì Minh Nguyệt - một phần có việc riêng, một phần cũng thấy hơi mông lung (?) - nên không dựng, Việt Linh đành chuyển thể ghép thêm truyện ngắn Xoa của Tăng Song Nam thành Thiên Thiên. Vì nó có vẻ mông lung, lãng đãng như vậy nên Việt Linh phải chủ động đầu tư và tìm sự cộng tác để dựng vở, với ước muốn tư tưởng và cảm xúc của mình không bị thay đổi quá nhiều.
“Chơi thôi mà”!
Chắc là Việt Linh chỉ cố ý theo đuổi cảm xúc của mình, chứ không cố tình sáng tạo theo khuynh hướng mông lung, dù trường phái mông lung (đặc biệt với thơ tại Trung Quốc) được nhiều nghệ sĩ bậc thầy áp dụng cho văn chương và sân khấu trên khắp thế giới.
Minh Trang vào vai Thiên Thiên của vở Thiên Thiên. Ảnh: TL
Ông bà ta thường nói “đẽo cày giữa đường” - hoàn cảnh đó có cái lợi là nhận được sự góp ý, nhưng nhiều ý kiến quá chưa hẳn đã hay. Một ê-kíp hùng hậu, giỏi nghề và cá tính của Thiên Thiên, để điều phối được họ đi đúng quỹ đạo chung không phải là dễ. Tất nhiên ở đây có yếu tố thuận lợi là đa số đều quý mến Việt Linh, vì thích đạo diễn này mà làm.
Mục đích của Việt Linh cũng khá đơn giản: “Chơi thôi mà”. Về mặt đầu tư, chị chỉ cần công diễn 3 đêm 14, 15 và 16/2/2014 tại Nhà hát TP.HCM mà kín khách thì huề vốn, lúc ấy sẽ diễn tiếp, không cũng vui rồi. Với việc truyền thông bài bản, bạn bè và khán giả ngưỡng mộ đông đúc, việc bán hết vé cho 3 hoặc 5 đêm không quá khó.
Tuy nhiên, dựng được một vở kịch thì dễ, nhưng dựng để tạo nên một dấu ấn về nghề nghiệp, thật không đơn giản. Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, hy vọng ĐD Việt Linh và ê-kíp sẽ thành công như ý.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất