21/02/2014 14:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chỉ ba suất diễn tại Nhà hát TP.HCM, vở Thiên Thiên (KB: Việt Linh, ĐD: Việt Linh - Phạm Hoàng Nam) chưa thể thu hồi vốn, dù rất đông khán giả, nhưng dư luận lại rất tốt, vì nó đưa ra được cách nhìn khác về kịch nói.
“Kịch bản này ban đầu tôi viết cho Minh Nguyệt, nhưng đi... trật hướng Minh Nguyệt yêu cầu. Biết trật, nhưng tôi không muốn, không thể quay lại, nên giữ đó cho... vui. Tôi cũng có mời Thành Lộc đạo diễn nhưng không kết quả. Tôi chia sẻ với Phạm Hoàng Nam và ngay lập tức hai chị em tìm được tiếng nói chung, quyết định nắm tay nhau... lên đường”, đạo diễn Việt Linh bắt đầu câu chuyện với Thể thao & Văn hóa.
* Khi chị mới khởi động Thiên Thiên, những người có thiện ý đều tỏ ra ái ngại vì nhiều lý do, trong đó có chuyện chị đã thành công về điện ảnh, nay phiêu lưu thêm sân khấu nữa, có đáng không... Nay vở kịch đã tạm xong và đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người xem, tự chị thấy cuộc phiêu lưu này thế nào?
- Đầu tiên phải khẳng định đây không phải là cuộc phiêu lưu, bởi người đi biết rõ mình muốn đi tới đâu và qua lộ trình nào... Tất cả chỉ là cuộc thử sức của tôi trong một lĩnh vực mình có học đôi chút và thật sự yêu thích. Tôi trân trọng sự ái ngại và thiện ý của mọi người, nhất là khi sức khỏe tôi không được tốt, nhưng theo bạn, người ta phải làm gì khi năng lượng sáng tạo, ý thức nghệ sĩ - công dân vẫn hừng hực? Ngồi yên nhìn nó lụi tàn oan uổng, hay mở cho nó cánh cửa khác?
Có người còn hỏi phải chăng tôi làm cuộc chơi này để làm mới tên tuổi? Theo bạn, với những gì đang có - tuổi tác, vị trí, uy tín - tôi có cần phải làm mới mình bằng sự tốn kém, phù phiếm và nguy hiểm cho sức khỏe như vậy hay không? Đơn giản tôi thích làm những việc mình hứng thú, khả thi và tin là hữu ích.
* Những ai để ý đến chuyện tính toán sẽ thấy giá như Thiên Thiên diễn chừng 10 suất thì sẽ ổn hơn cho phía đầu tư, bởi chắc chắn khán giả cũng còn mong xem kịch này khá nhiều. Quan điểm của chị thế nào?
- Đúng vậy, do đầu tư lớn mà chỉ diễn 3 suất nên hiện nay vốn có hơi... lở. Nhưng không sao, cuộc chơi của chúng tôi đã được... bồi bởi những niềm vui khác. Thực lòng ban đầu tôi không dám thuê nhà hát nhiều đêm vì giá khá cao, phần khác không biết khán giả sẽ đón nhận thế nào, khán phòng mà vắng thì diễn viên mất tinh thần lắm. Bây giờ khán giả đông thì không thể kéo dài vì lịch nhà hát đã xếp từ năm trước.
Tiền bạc không phải là động cơ, nhưng tôi đang tính cách cho Thiên Thiên sống tiếp, bởi cả ê-kíp đều thấy nó dừng nhanh như vậy hơi tức tưởi. Mọi người đều chao dao khi phải chia tay cái mình đang bắt đầu yêu mến, nhập vào...
* Bên cạnh rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực, vẫn có vài ý kiến không ủng hộ, chị có buồn không?
- Nghệ thuật vốn riêng tư, chủ quan. Ý kiến khác nhau trong nghệ thuật là chuyện bình thường. Phong cách Thiên Thiên như nó có là chọn lựa của chúng tôi.
Có nhiều người không thấy thỏa mãn như kỳ vọng, nhưng kỳ vọng của họ nằm hướng khác, còn tôi và Nam chỉ dùng hình thức kịch để bày tỏ quan niệm sống chứ không chủ tâm làm sân khấu với những mảng miếng thông lệ. Mảng miếng của chúng tôi là sự tĩnh yên nhất có thể, là cái động bên trong, là cốt truyện nhập nhằng và cách kể thủ thỉ, là những con hạc rơi mà để có nó hai em hậu đài phải treo mình lên xà nhà cả tiếng đồng hồ…
Nó cũng là mảnh ghép (thể hiện cả trên cảnh trí), nơi chúng tôi chỉ ghép 70%, còn lại giao cho khán giả để họ tiếp tục ghép cho mình. Tôi viết kịch bản này là để được làm một cái “không giống ai” như có bài báo đã chỉ ra. Sau khi hạ màn, tôi chỉ biết xin lỗi và cảm ơn khán giả của mình.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất