05/08/2020 12:46 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà thơ Hoài Khánh (sinh 1963) có lẽ thuộc nhóm tác giả trẻ tuổi nhất trong số các tác giả đang có mặt trong sách giáo khoa hiện hành. Ấy vậy mà ai ghé thăm ban văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, nơi anh là thành viên, sẽ thấy anh luôn là người nghiêm nghị và “lão ông” nhất.
Hoài Khánh tốt nghiệp khoa Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện anh làm việc tại Đài Phát thành và Truyền hình TP Hải Phòng. Anh đã xuất bản các tập thơ cho cho thiếu nhi như: Bé kim giây (NXB Hải Phòng, 1991), Tia nắng xanh (NXB Hải Phòng, 1996), Trăng treo giữa nhà (NXB Hội Nhà văn, 2004), Dắt biển lên trời (NXB Kim Đồng, 2012, tái bản 2015), Địu chữ qua cổng trời (NXB Kim Đồng, 2019), Đồng hồ báo thức (NXB Hội Nhà văn, 2020)…
Được chuyên gia thơ thiếu nhi đề nghị đổi tên
Hoài Khánh viết nhiều, viết hay cho các em về thiên nhiên đất nước, thiên nhiên toàn cầu, nhưng những nhà làm sách giáo khoa lại chọn đưa vào Tiếng Việt 3 tập 2 bài Đồng hồ báo thức. Anh viết về một góc phòng trong ngôi nhà của mình, nơi đặt cái đồng hồ ấy: “Bác kim giờ thận trọng/ Nhích từng li, từng li/ Anh kim phút lầm lì/ Đi từng bước, từng bước/ Bé kim giây tinh nghịch/ Chạy vút lên trước hàng/ Ba kim cùng tới đích/ Rung một hồi chuông vang”.
Nhà thơ Hoài Khánh nhớ lại: “Một buổi chiều cuối năm, vừa đi làm về tôi nhận được bưu phẩm từ Liên Xô, chiếc đồng hồ báo thức. Tôi ngồi nghịch chiếc đồng hồ báo thức ấy như một đứa trẻ con, cứ vặn kim hẹn giờ rồi để tiếng chuông vang lên. Một hồi chuông bất ngờ thức dậy thói quen quan sát của người viết văn. Trên mặt đồng hồ, chiếc kim giây hiếu động, đang chết đứng vì phải ngồi yên một chỗ chờ tới thời khắc mà ông chủ đồng hồ là tôi, đã lập trình ra lệnh, thì… gõ chuông! Tại sao cái đồng hồ này không có chiếc kim giây? Kim giây có chạy thì kim phút và kim giờ mới chạy theo chứ! Và tứ của bài vụt hiện, sau những phản biện: “Ba kim cùng tới đích/ Rung một hồi chuông vang”.
Vậy là bài thơ ra đời với tên gọi ban đầu Kim đồng hồ, in trên báo Nhi đồng vào năm 1989. Bài thơ lọt mắt xanh của nhà tuyển trạch thơ hay, thi sĩ Phạm Hổ (1926-2007), nhà thơ trẻ Hoài Khánh được mời tham gia trại sáng tác văn học cho thiếu nhi Hè 1994 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Tại đây, chính Phạm Hổ - một chuyên gia thơ thiếu nhi - đề nghị đổi tên bài thơ thành Đồng hồ báo thức.
Người đọc trang giáo khoa của Hoài Khánh, nhất là những thầy cô giáo đọc mẫu cho học sinh mình, nên đọc sao để có tiếng tích tắc ấy, tách các chữ “thận/trọng”, “lầm/lì”, “tinh/nghịch”… rõ ràng, sao cho nó có được nhịp “từng li/ từng li”, “từng bước/ từng bước”… để rồi vang lên hòa âm ngợi ca sự đoàn kết, sự nhường nhịn, từ gia đình tới xã hội. Bài thơ cũng ngợi ca cách sống đẹp, khác biệt một trời một vực với sự kênh kiệu, ta đây, hay hiếu thắng lạnh lùng.
Biết giữ lễ độ với thiên nhiên
Hoài Khánh luôn nghiêm nghị, cần mẫn, chỉn chu trong sáng tác. Anh khai thác tới cùng hình ảnh của một khái niệm nào đấy còn cất giữ trong kho tàng tiếng Việt. Muốn thay hình ảnh người chèo đò chở tri thức làm giáo dục, Hoài Khánh thử dùng “cõng chữ”, “gùi chữ”… để rồi tới khi ra tập thơ là Địu chữ qua cổng trời (NXB Kim Đồng, 2019). Anh biết cách hòa trộn các nhịp thơ đã định hình, để có cho mình những câu, những bài mang âm sắc nhiều điệu thơ.
Thử đọc: “Vén sương/ Rẽ gió/ Cõng chữ/ Qua đèo/ Thông reo/ Mái phố/ Mặt trời/ Chạy theo”. Với 16 âm tiết, cho là thơ nhịp 2 thì đúng rồi. Nhưng nhịp 2 này rất gần với nhịp 4 của thơ bát âm thời Thơ Mới, nên có thể ghép lại thành: “Vén sương rẽ gió, cõng chữ qua đèo/ Thông reo mái phố, mặt trời chạy theo”.
Và nếu cắt tỉa, cài đặt lại theo một khớp vần, thì 16 âm tiết kia nằm rất ngọt trong một khổ lục bát: “Vén sương gió chữ qua đèo/ Thông reo mái phố chạy theo mặt trời”.
Vậy đó! Thơ Hoài Khánh không dễ dãi, nhưng đôi khi quá lắt léo, vòng vo. Nếu không vòng vo theo, bạn đọc có thể không đồng cảm với tác giả. Chúng tôi đồng ý với thi sĩ Mai Văn Phấn khi ông cho rằng: “Trong bài thơ Chim chìa vôi, Hoài Khánh đã thể hiện thành công hình tượng chim chìa vôi, nhân vật trung tâm làm nên một sớm mai tinh khôi, an bình”. Mời đọc: “Hạt sương còn giắt bên hông/ Chìa vôi vác cuốc ra đồng ríu ran/ Nhỏ nhoi như một hòn than/ Hót lên, cời lửa nhen ban mai hồng”. Hay thật! Tiếng hót, khúc ca lao động, thức dậy một bình minh, đúng như Khương Hữu Dụng đã nói về mối tương giao vạn vật: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”.
Nhưng sao nhà thơ bắt con chim nhỏ nhoi chưa đầy vốc tay của mình “vác cuốc”? “Vác” cách nào đây? Nếu không giải mã điều này, bài thơ thành đại ngôn, nói lấy được. Chúng tôi xin đề nghị một cách hiểu, “vác cuốc ra đồng” là ngữ động từ, là thành ngữ chỉ chung việc ra đồng, dù là ra đồng với cuốc hay cày. Nhân vật thơ ca của Hoài Khánh ra đồng bằng công cụ nằm ngay trong tên gọi - chìa vôi.
Đó là tên một loại cày xưa ở miền Bắc nước ta, cày chìa vôi. Cày cấu tạo bằng một khúc gỗ cong, một đầu chuốt thon để người cày cầm nắm đằng chuôi gọi là xeo cày. Xeo cày đứng thẳng góc với mặt đất. Đầu kia to bản gọi là mom cày, vót nhọn để lắp lưỡi cày. Con chim có cái đuôi như chìa vôi này, loại chìa vôi than, toàn thân màu đen, ra đồng với một nông cụ đã thành một cơ phận trong thân thể mình, nó quen việc đồng, giỏi việc đồng, nó góp phần rất nhỏ của mình bằng một lao động thật sự. Với bài thơ này, người đọc và người viết trong xã hội cần tương giao, để có thể cảm, rồi hiểu vạn vật tương giao ngoài thiên nhiên.
Trong bài thơ Ngày mở đầu tháng Sáu viết về Tết thiếu nhi của trẻ em toàn cầu, thơ Hoài Khánh, thật vui, thật vang, thật thanh sạch: “Sấm ì ùng mở hội/ Để sáng trốn vào dưa/ Cho chiều nằm trong ổi/ Trẻ tha hồ tắm mưa”.
Trong ngày Tết toàn cầu mở giữa trời kia, không gian đã lẫn vào thời gian, để con người có thể cầm trên tay những giây phút hứng khởi nhất như nâng dưa, hứng ổi, để ai cũng có thể làm theo Xuân Diệu: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người”. Nói vậy, chúng tôi muốn đưa ra một ý kiến, dù bài được vào sách giáo khoa của Hoài Khánh, viết về một cỗ máy, viết về cái đồng hồ, thì người dạy vẫn nên giúp người học trân quý thiên nhiên, vì thời gian mà cái đồng hồ đại diện chính là lớp vỏ xanh của quả thiên nhiên, của trái đất này. Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Hoài Khánh, có thể nói, anh đã có những trang hay, viết theo hướng văn học sinh thái, thứ văn học xanh đang được cổ súy khi biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Trong cách viết này, Hoài Khánh để những bé thơ của mình lắng nghe, học hỏi thiên nhiên, thấy được tiếng rừng trong sóng biển: “Thảnh thơi cho cá tung tăng/ Suối men bờ đá dùng dằng mà đi/ Khi cùng cua dạo rù rì/ Khi làm thác đổ ầm ì ngân nga/ Theo sông ra biển bao la/ Nhập thành cảnh sóng reo ca tiếng rừng”.
Những bé thơ ấy nhún nhường, kính cẩn từ những lá xanh dưới chân, dòng sông trước mặt, tới thời gian vô thủy vô chung trên đầu mình: “Em men theo vạt bắp/ Lách qua mấy luống cà/ Dắt buổi chiều xuống bến/ Gánh dòng sông về nhà”.
Biết giữ lễ độ với thiên nhiên như thế, các bé thơ của Hoài Khánh nhận lại sự gần gũi, thân ái từ thiên nhiên. Chẳng những mấy con ngựa non thôi háu đá cùng ham học với các em: “Trong bếp còn đỏ lửa/ Hương ngô thoảng ra ngoài/ Rìa đường dăm chú ngựa/ Đứng nghe em đọc bài”. Ham học cùng các em còn ông mặt trời kia nữa, khó nhọc theo bước gió mây: “Buổi sáng em ngồi học/ Mây rủ nhau vào nhà/ Ông mặt trời khó nhọc/ Đang leo dốc đằng xa”.
Hoài Khánh vẫn tiếp tục vận hành chữ nghĩa trên mặt đồng hồ thiên nhiên, để trẻ em có thêm thơ hay.
“Đồng hồ báo thức” thật bền bỉ Sau mấy mươi năm thử thách trong giảng dạy và thưởng ngoạn, Đồng hồ báo thức của Hoài Khánh vẫn chạy tốt, vẫn luôn đánh thức người đọc ở những ngày lành tháng tốt, bằng tiếng thơ hay. Cái hay trong sự mô phỏng ngầm nhịp “tích tắc” kinh điển của tất cả các đồng hồ cơ trên thế gian này. |
(Còn tiếp)
Lê Lại Yên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất