Nhà thơ Nguyễn Bình Phương ra mắt tiểu thuyết 'Mình và họ'

20/09/2014 13:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - NXB Trẻ vừa ấn hành tiểu thuyết Mình và họ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Mình và họ viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Nguyễn Bình Phương chỉ viết về một giai đoạn của cuộc chiến, lấy chất liệu từ những thương binh và tù binh của ta bị địch bắt giữ.

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình Phương là tập thơ Lam chướng (1993) nên nhiều người gọi anh là nhà thơ. Nhưng kỳ thực, Nguyễn Bình Phương xuất bản tiểu thuyết cũng nhiều như thơ. TT&VH có cuộc trò chuyện với Nguyễn Bình Phương.

* Mình và họ được anh viết từ năm 2007, hoàn chỉnh vào 2010 nhưng đến nay mới ấn hành. Anh có thấy sốt ruột khi tác phẩm của anh được in chậm như vậy?

- Tôi thấy cũng bình thường, chẳng sốt ruột lắm. Khi tôi viết xong thì là… xong. Việc xuất bản nhanh hay chậm chẳng thành vấn đề nữa. Càng để lâu thì càng có thời gian ngẫm ngợi, chỉnh sửa. Và nữa, càng để lâu thì tác phẩm càng là của riêng mình, in ra rồi là của… thiên hạ. Tôi nghĩ, có lẽ với nhà văn khoảng trống trải, hẫng hụt nhất chính là lúc tác phẩm đã in ra vì khi ấy anh ta phải bắt đầu lại từ đầu.


Nhà thơ Nguyễn Bình Phương

* Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc có phải là chủ đề chính của tác phẩm không? Tôi hỏi thế vì thấy nhiều người và ngay cả trong lời nói đầu của cuốn sách cũng nói tới điều ấy như là một vấn đề cốt yếu?

- Tác phẩm này có viết nhiều về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng nó không phải là toàn bộ vấn đề của tác phẩm, chiến tranh chỉ là một khía cạnh trong ấy thôi. Vấn đề là số phận của con người, là thái độ của từng người, từng thế hệ đối với cuộc sống hiện tại. Một cuộc phiêu du trên vùng biên ải vắng vẻ, vừa là tìm kiếm một quá khứ bi  hùng, cũng vừa là để người ta so sánh và tìm cách nhận ra mình là ai, mình khác họ thế nào, giống họ thế nào? Hoặc chẳng có gì khác và cũng chẳng có gì giống. Cuộc sống là những cuộc trốn chạy nửa cố tình nửa vô tình và chúng ta là thế, luôn luôn trong tình trạng nửa thật nửa hư về mình và họ.

* Lối viết luôn luôn “trong tình trạng nửa thật nửa hư” của anh thường khiến cho người ta hiểu chệch đi. Liệu tác phẩm này có bị rơi vào trạng thái như vậy không?

- Tôi cũng chẳng rõ nữa. Nhưng tác phẩm này tôi chỉ lưu ý chi tiết rằng nếu người ta đọc không kỹ có thể hiểu sai đi, như chuyến về là của một linh hồn chứ không phải của kẻ còn nguyên thân xác, vì thế mà câu chuyện do linh hồn nhớ lại. Chuyến lên là còn sống, còn chuyến về thì đã là một linh hồn vô hình vô ảnh. Nói vậy thôi, nhưng tôi tin là chẳng mấy ai hiểu lầm về chi tiết đó.


Tiểu thuyết Mình và họ

Tuy nhiên, nhân đây tôi cũng cảnh báo về hiện tượng có một vài cá nhân đã cố tình hiểu chệch đi và khiến dư luận hiểu chệch đi bằng cách cắt xén, trích dẫn méo mó. Một người nào đó viết trên một tờ báo điện tử đã cố tình trích dẫn không hết ý đoạn đối thoại giữa nhân vật Chu Văn Tấn và một trùm phỉ, để rồi cao giọng kết luận rằng đây là cuốn tiểu thuyết cào bằng lịch sử.

* Với Mình và họ, anh có nghĩ đến ngày tiểu thuyết này dựng thành phim?

- Tôi không nghĩ tới, vì biết nó sẽ không phụ thuộc vào ý chí của tôi. Nhưng nếu thành phim thì chắc là cũng li kỳ, vì tự tôi cũng thấy cuốn sách này của mình có chút li kỳ rồi.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương sinh năm 1964 tại Thái Nguyên, từng công tác tại biên giới phía Bắc, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4. Đã in các tập thơ: Lam chướng (1993), Xa thân (1996), Từ chết sang trời biếc (1001), Buổi câu hờ hững (2001); và các tiểu thuyết: Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Ngồi (2006), Mình và họ (2014). Trong đó, tiểu thuyết Mình đi vắng vừa đoạt giải Sách hay do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (gọi tắt là Viện IRED) tổ chức trao giải hàng năm.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm