Nguyễn Duy - Nguyễn Duy Sơn: Thơ cha và… thơ con

09/05/2020 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cái nghiệp thơ Nguyễn Duy đúng là thật “trĩu nặng căn duyên”. Trong khi vợ đang nằm bệnh triền miên thì cậu con trai thứ Nguyễn Duy Sơn bỗng dưng được "trời gọi đi" vào năm 2018, khi đang độ tuổi vừa qua "tứ thập bất hoặc"…Từ nỗi đau riêng của gia đình, nhà thơ Nguyễn Duy đã tạo ra một sự ấn tượng cho một mốc thời gian ấn tượng. Thơ cha và...thơ con. Đấy cũng là khói hương giữa khói hương thực trong đời.

Nhà thơ Nguyễn Duy đoạt giải thơ của Viện Hàn lâm Rumania

Nhà thơ Nguyễn Duy đoạt giải thơ của Viện Hàn lâm Rumania

Đó là thông tin mở đầu cuộc tọa đàm về thơ Nguyễn Duy, diễn ra tại Hà Nội hôm 11/10/ 2010. Theo đó, nhà thơ Nguyễn Duy là người được Viện Hàn lâm Rumania chọn để trao Giải thưởng Lớn về thơ năm 2010.

1. Nhân giỗ đầu người vợ thân yêu của mình, nhà thơ Nguyễn Duy đã tái bản lại tập thơ Vợ ơi- một tuyển thơ tặng vợ đã ấn hành tại NXB Phụ nữ năm 1995. Vẫn là một tập thơ đặc biệt kiểu như tập Gửi Elsa của L.Aragon hay Thơ gửi Mectin của P.Neruda nhưng đọc trước khi vợ Nguyễn Duy qua đời, có một nhận biết khác. Đọc sau khi "người tình trăm năm" của nhà thơ đã đi vào cõi xa xăm, lại có một nhận biết khác. Nhận biết của sự mất mát.

Ngay từ tập thơ đầu Cát trắng, Nguyễn Duy đã có những bài lục bát tặng vợ rất dễ thương. Lính ở chiến trường độ ấy đã coi như những bài thơ này là tâm sự của mình với người thương nơi quê nhà mà dường như nhà thơ đã nói giùm lòng mình. Chính điều đó làm nên giá trị của tập thơ.

Nỗi nhớ có lẽ là một tình cảm thường trực của lính, đặc biệt là lính chiến trường. Chính nỗi nhớ đã dắt người lính vượt qua bao thử thách: "Nhớ em khi đang leo đèo/ Nghe em là gió vờn reo lá rừng... Nhớ là thế đấy phải không/ Em theo trăm vạn ngả lòng cùng anh".

Quan sát của Nguyễn Duy thật tinh tế, ông nhìn võng lính thấy đó là mảnh trăng cong. Mảnh trăng võng và mảnh trăng trời soi nhau. Ở giữa đó là hình ảnh người thương: "Đêm nay em anh ở đâu/ Cứ nhìn trăng ấy nhìn lâu thấy người". Còn mái tăng thì ông nhìn thành "Bầu trời vuông": "Nghiêng nghiêng hai mái - hai miền quê xa". Ở dưới bầu trời ấy là vũ trụ của tình yêu: "Mặt trời là trái tim anh/ Mặt trăng vành vạnh là tình của em".

Chú thích ảnh
Cha con Nguyễn Duy (trái)- Nguyễn Duy Sơn

Chính sự mơ mộng này đã giúp cho nhà thơ và biết bao người lính đọc thơ ông đã xuyên Trường Sơn đi tới ngày thống nhất.

Nhưng rồi sự vật vã của đời sống thời bao cấp đã xóa tan mơ mộng thuở ban đầu yêu đương. Lúc này, người yêu - người tình trăm năm - người vợ không còn là "nàng thơ" lãng mạn nữa mà là "siêu nàng thơ" với truyền thống ngàn đời của người vợ Việt Nam mà Tú Xương từng mô tả: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng". Hình tượng người vợ qua thơ Nguyễn Duy đã dần tạc lên thật chân thực, chân thực đến tàn nhẫn:

“Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu

Ta giàu lắm mà con ta đói lắm

Ta ngất ngưởng mà vợ ta lận đận

Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời”.

Thơ Nguyễn Duy cứ phơi ra không giấu giếm: "Vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ Không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con". Câu chuyện này có ở mọi thế hệ từ trước tới nay, từ ta ra thế giới. Nhà thơ Nga A.Voznesensky cũng đã từng viết: "Trong mẹ từ khi con còn là cái chấm nhỏ nhoi/ Cha mẹ đã hỏi nhau/ Tồn tại hay là không tồn tại". Đúng là gương mặt thật của kiếp người của gia đình mà nhiều người cứ muốn né tránh. Còn Nguyễn Duy ông xổ thẳng ngay ra trong thơ của mình:

“Con chưa sinh mặt vợ đã xanh rờn

Bàn tay trắng lạnh lùng tàn nhẫn thế

Hạnh phúc lớn bàn tay ôm không xuể

Chuyện miếng cơm manh áo thật đau lòng”

Chính hiện thực ấy khi được gào thét trong thơ Nguyễn Duy, nó mới chỉ cho ta thấy rằng để gìn giữ được "gia đình" để vợ chồng sống với nhau được đến ngày "đầu bạc răng long", giá hạnh phúc không hề rẻ: "Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?". Như phát hiện của mình, Nguyễn Duy gọi vợ là "nguồn nhuận bút suốt đời ta". Ông dựng cái vầng trăng mơ mộng khi xưa thành "Áo mưa vợ giăng cánh buồm giữa phố - Chồng với con mấp mé một thuyền đầy – Năm tháng bão giông sang sông lũ đổ - Một tay em chèo chống ngày ngày ngày…".

Đọc thơ Nguyễn Duy tặng vợ cứ thấy nghèn nghẹn như chuyện của chính vợ chồng mình: "Có đồng xu nhỏ rơi ngõ chợ / Em nhặt về nuôi đỡ những ngày con".

Là bạn, là đồng ngũ lính thông tin với Nguyễn Duy cũng đã nửa thế kỷ. Cũng đã thấu hiểu hết nỗi niềm, gia cảnh của nhà thơ nổi tiếng nhưng chẳng bao giờ "đủ miếng", mới thấy cái nghiệp thơ nó trĩu nặng căng duyên đến thế nào. Đến cái mơ ước nhỏ nhoi của ông: "Trời cho sống ta cũng già em ạ/ Con thương cha không bằng bà thương ông" cũng không thành mơ ước. Câu thơ thực ở đời ta được đổi thành: "Con thương mẹ không bằng ông thương bà". Suốt nhiều năm qua, từ khi vợ Nguyễn Duy ngã bệnh, ông mới là người ngày đêm chăm sóc vợ từng ly, từng tý cho đến tận giây phút cuối cùng. Giọng thơ giễu cợt nhưng chưa chan nước mắt:

“Thình lình em ngã bệnh ngang

Phang anh xất bất xang bang sao đành”

2. Cái nghiệp thơ Nguyễn Duy đúng là thật "trĩu nặng căn duyên". Các cụ bảo: "Họa vô đơn chí". Trong khi vợ đang nằm bệnh triền miên thì cậu con trai thứ Nguyễn Duy Sơn đang làm nghề nhiếp ảnh và thiết kế mỹ thuật bỗng dưng được "trời gọi đi" vào năm 2018, khi đang độ tuổi vừa qua "tứ thập bất hoặc". Lại thêm một vết "nứt dọc đời vết khổ". Ai nhìn thấy cảnh ngộ này, cũng thấy chia sẻ mấy thì cũng chỉ nguôi ngoai xót xa phần nào.

Chỉ đến khi chính Nguyễn Duy đọc được những bài thơ di cảo của con trai, thì mới có thể tự an ủi được lòng mình bằng việc nghĩ rằng trời đã thông qua cha mẹ gửi con vào trần thế để con mang đến cho đời những bức ảnh trừu tượng, những bài thơ an nhiên của một tâm hồn thơ trong veo không gợn chút bụi bậm.

Giờ đã đến lúc trời mang con đi. Bởi thế cũng nhân giỗ đầu của Nguyễn Duy Sơn, ông bố Nguyễn Duy đã cho ấn hành tập thơ và ảnh của Nguyễn Duy Sơn mang tên Con đường trong giọt sương. Một tựa đề cũng từ câu thơ của Nguyễn Duy Sơn: “Có con đường - trong giọt sương...". Một tựa đề đậm chất thiền.

Chú thích ảnh
Tập thơ “Vợ ơi” của Nguyễn Duy và “Con đường trong giọt sương” của Nguyễn Duy Sơn

Là con trai của ông "Vua lục bát" nên Nguyễn Duy Sơn "nhiễm từ" thể thơ này trong thơ mình, thì âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu thơ Nguyễn Duy hướng xuống cuộc đời bể khổ của chúng sinh, thì thơ Nguyễn Duy Sơn lại hướng lên trời cao hư không. Rõ là trời bắt Sơn phải thế, thông qua việc thiết kế các cuốn thơ thiền của tổ tiên khi xưa (Lý - Trần - Lê - Nguyễn) để dễ dàng hơn cho việc nhập thiền của mình. Nhập để rồi thốt ra:

“Thế nào thì vẫn thế thôi

Tự nhiên ta biết rằng trời xui ta”

*

“Ông trời nào ở đâu xa

Suy đi ngẫm lại trời là một gan”

Câu thơ của người "tứ thập bất hoặc" hôm nay khiến ta thấy thảnh thơi biết chừng nào. Và còn cả ấm cúng tình đời nữa.

“Cuộc đời dài ngắn sá chi

Lòng đời dâu bể biết gì nông sâu”

*

“Đường đời kẻ trước người sau

Chỉ mình được mãi có nhau trong đời”

Chất biệt lập, chất "siêu cá thể", chất "dị nhân" cứ luồn vào trong ý nghĩ, trong hơi thở, trong câu thơ:

“Mọi người cứ bảo ta hư

Vì ta không thích sống như mọi người”

*

“Đang đi ta lại bỗng ngồi

Đang sụt sùi khóc lại cười nhăn răng”

Cái hướng lên trời cao hư không của Nguyễn Duy Sơn cũng cứ tự nhiên lan tỏa trong thơ Sơn như nó vốn là vậy:

“Ta nhìn tới những ngôi sao

Ước chi có một lời chào với ta”

*

“Kia kìa trăng, gió và...xa

Ta như một bóng hồn hoa mé vườn”

Là đây nữa, nhẹ nhàng như không phải vật vã gì:

“Cầu siêu cho khắp chúng sinh?

Cầu cho siêu chính hồn mình đó thôi”

*

“Khói hương dẫn lối lên trời

Câu Kinh Địa Tạng hóa lời chân mây”

Những câu thơ cứ như vận vào:

“Giơ tay từ biệt chân trời

Bàn tay tiêu hết nửa đời ngu ngơ”

*

“Ta về còn nửa cơn mơ

Xin em thêm nữa thẫn thờ được không?”

Hay:

“Thiên đường trên chín tầng mây

Hỏi ai đã tới chốn này hay chưa”

*

“Hỡi người khóc dưới cơn mưa

Thiên đường chỉ có nơi chưa có người”

Và có lúc cô đặc lại như một định đề: "Có con đường - trong giọt sương - Có thiên đường - trong mù sương" - định đề mở đầu cho tập thơ. Huyền ảo và tâm linh.

Đọc Nguyễn Duy Sơn, nhiều kỷ niệm xa xưa cứ ùa về khiến tôi không biết đâu là thực đâu là mơ. Thực là một cậu bé Sơn tinh nghịch hay bị bố phê bình. Mơ là một nhà thơ đầy chất thiền, cứ ẩn hiện trong những câu thơ bình thản đón đợi sự thoát tục. Cứ thế, đọc thơ Nguyễn Duy Sơn nghiêng ngả giữa thực và mơ.

“Nếu như ta đã chết rồi

Ai ơi...còn sống qua đời sau ta”

*

“Vui buồn...tiên cũng như ma

Hóa ra sự sống để mà cho đi”

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm