26/12/2021 10:33 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà thơ Trúc Thông - tác giả bài "Bờ sông vẫn gió" - qua đời ở tuổi 82 vào 7h sáng 26/12 tại nhà riêng. Lễ viếng vào hồi 15h ngày 26/12/2021 tại số nhà 25 ngõ 226 đường Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h15 ngày 27/12/2021. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ - Văn Điển. An táng tại quê nhà ở Bình Lục - Hà Nam.
Thế là nhà thơ Trúc Thông đã ra đi sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật... Những năm tháng cuối cùng, ông đã sống trong tình thương yêu, sự chăm lo hết lòng của bà Nguyệt, người vợ hiền thảo của ông và những người thân trong gia đình , trong tình cảm sẻ chia, thương quý của bạn bè đồng nghiệp gần xa.
Người thơ “Bờ sông Vẫn gió...” đã trở về miền vĩnh cửu, mang theo những ước mơ đẹp đẽ, với tấm lòng thánh thiện về cuộc sống và con người. Những kỷ niệm ùa về trong tôi ...
Lần cuối tôi đến thăm ông trước đại dịch, bà Nguyệt phải dìu ông từ trên nhà xuống. Ông đã yếu lắm, tuy vẫn nhận ra người thân nhưng không nói được nữa. Sau đấy, bà Nguyệt cho biết, đấy là lần cuối cùng ông xuống được dưới nhà.
Lần trước đó tôi đến thăm ông, khi ấy, ông vào tuổi 81, yếu hơn nhiều sau 12 năm sống chung với bệnh tật. Nhưng ông vẫn có thể tự mình ngồi với khách, cặp mắt hiển vẫn ánh lên nét cười khi nhận ra người quen cũ. Khi ấy người nhà vẫn có thể dìu ông lên xuống gác mỗi ngày.
Vẫn nhớ hình ảnh ông nửa thế kỷ trước: Một nhà thơ giàu nhiệt huyết, cá tính sáng tạo mạnh mẽ , quyết liệt đổi mới thi ca. Một người anh, người bạn giàu lòng yêu mến, thương quý bạn bè bốn phương. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông ở 16- Hồng Phúc là một địa chỉ quen thuộc cho các cuộc gặp mặt của anh em báo chí, văn nghệ lui tớiMột người thanh niên thương mẹ, quý chị , lặng lẽ gánh vác việc nhà; dù chưa vợ, buổi trưa vẫn không ngại ngần mang thùng lấy nước gạo các nhà quen trong phố về cho mẹ nuôi lợn...
Đầu năm 1972, khi tiễn tôi lên đường ra mặt trận Quảng Trị, ông đã viết tặng tôi bài thơ với đầu đề rất “Trúc Thông” : “Gửi người em trai mang thai”. Và cũng “mùa hè đỏ lửa “ năm 1972 ấy, chúng tôi lại có dịp gặp nhau trên đất Quảng Trị khi ông cũng tình nguyện vào mặt trận với tư cách phóng viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hình ảnh ông cùng anh em phóng viên TTXVN chúng tôi trên những ngả đường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà... giải phóng sẽ còn mãi trong ký ức.
Nhớ những ngày thu của thế kỷ trước, tôi hay cùng ông đạp xe lang thang trên các con phố cổ của Hà Nội, nghe ông chia sẻ những dự định thơ ca. Nhớ những chiều cuối tuần, tôi và nhà tôi cùng các cháu hay đến thăm bà, bác Chí và bác Trúc Thông, một nơi thân thuộc với gia đình chúng tôi.
Nhà thơ Trúc Thông đã để lại dấu ấn sáng tạo của mình với 6 tập thơ - “ Chầm chậm tới mình", “ Marathon”,” Vừa đi vừa ở”... và hai tập tiểu luận phê bình. Giải thưởng Nhà nước về VHNT là sự ghi nhận xứng đáng cho những sáng tạo ấy của ông. Nhưng phần thưởng quý giá hơn cả là lòng yêu mến bạn bè đồng nghiệp cho ông, là sức sống của những bài thơ của ông trong lòng bạn đọc ...
Cũng là một điều rất tự nhiên khi một nhà thơ cách tân quyết liệt như ông lại có bài lục bát “Bờ sông vẫn gió “ lay động lòng người. Bài thơ Trúc Thông viết khi chia xa người mẹ tuyệt vời của mình, một dấu ấn đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông.
BỜ SÔNG VẪN GIÓ Lá ngô lay ở bờ sông Bờ sông vẫn gió Người không thấy về Xin người hãy trở về quê Một lần cuối… một lần về cuối thôi Về thương lại bến sông trôi Về buồn lại đã một thời tóc xanh Lệ xin giọt cuối để dành Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha Cây cau cũ, giại hiên nhà Còn nghe gió thổi sông xa một lần Con xin ngắn lại đường gần Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi. Trúc Thông |
Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất