10/02/2018 16:27 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đọc, Viết-Học là tập lý luận phê bình văn học thứ 8 của nhà giáo ưu tú, nhà văn Đặng Hiển (NXB Hội Nhà văn 2017). Cùng với 15 tập thơ, 4 tập truyện ký, 5 tập kịch, các tập lý luận phê bình của ông góp phần làm phong phú thêm gia tài văn chương trong gần trọn cuộc đời tâm huyết, miệt mài sáng tạo văn học nghệ thuật.
Đọc, Viết - Học tên sách như là một cách giới thiệu quy trình của sự cảm nhận, sản sinh và cũng là quy trình của sự thẩm thấu văn chương mà nhà văn Đặng Hiển tôn thờ và phụng sự nó suốt nửa thế kỷ qua. Đó cũng là đời sống của một người cả đời gắn bó với văn chương trong giảng dạy cũng như các hoạt động sáng tạo văn học.
Khác với một số tập lý luận phê bình của mình trước đó, tập sách này có sự kết hợp khá tự nhiên giữa ba nguồn mạch của trái tim và khối óc tác giả. Đó là nhà thơ, nhà giáo và nhà lý luận phê bình văn học. Sự kết hợp “3 trong 1” này làm cho tập sách có một chất lượng mới, ngòi bút như có thêm xunglực, giọng văn uyển chuyển hơn, cuốn hút được độc giả.
Đó là cảm nhận đầu tiên về cuốn sách và cũng là tín hiệu đáng mừng về một cây bút đã áp vào tuổi tám mươi.
Cuốn sách dày hơn 300 trang, khổ 14,5x 20,5, tập hợp 32 bài viết của tác giả trong hai năm 2016-2017, đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện: có nghị luận văn học, chính trị, có phân tích phê bình tác phẩm thơ, văn xuôi, kịch sân khấu, kich bản phim… có “câu chuyện nhỏ”,có những kí ức, những suy ngẫm…
Những vấn đề, tác giả, tác phẩm được nhà văn quan tâm cũng rất phong phú: Có những tác giả đã thành danh, có những tác giảmới, có cây bút trẻ, có người có địa vị xã hội, có người là thành viên của câu lạc bộ thơ quần chúng…Là một nhà văn, ông không kén chọn đối tượng để bàn luận, phê bình miễn là ở đó có văn chương, có người sáng tạo văn chương … Tất cả đều được ông “Đọc” rồi “Viết” một cách trân trọng, nhiệt tình, có trách nhiệm và cũng coi đó như một cách học của mình. Đó là một đức tính rất đáng quý của một nhà văn đã bước vào tuổi 79.
Căn cứ vào nội dung và phương cách thể hiện, có thể chia các bài viết của nhà văn Đặng Hiển trong tập sách này làm ba loại:
Một là: Những bài về các vấn đề chung;hai là: những bài viết về các tác giả, tác phẩm cụ thể và ba là:những bài viết mà tôi tạm gọi là những kí sự văn chương-trong đó gồm những câu chuyện, những cảm nghĩ, những kỉ niệm, những hồi ức…về những con người, những tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều xúc cảm trong cuộc đời giảng dạy và hoạt động văn học của tác giả.
Những bài về các vấn đề chung có số lượng không nhiều trong sách cũng là một điều dễ hiểu vì nhà văn Đặng Hiển đến với văn chương, sống với nó chủ yếu với tư cách là nhà thơ, nhà giáo, nhà sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên khi cần thiết ông cũng có những phát biểu ấn tượng có sức thuyết phục đối với người đọc, người nghe.
Trong tập này, người đọc quan tâm tới bài: “Số phận của dân tộc và nhân dân vẫn phải là mối quan tâm hàng đầu của văn học”. Với tiêu đề có khẩu khí luận chiến, bài viết nêu những thực tiễn sinh động của đất nước dù đã qua mấy thập niên trong hoà bình xây dựng song vẫn ngổn ngang bao vấn đề của quốc kế dân sinh và những thách thức đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Sâu xa hơn, bài viết phân tích “Chúng ta chủ trương phải bảo vệ quyền sống của cá nhân, phát huy cá tính của con người để con người được tự do phát triển, tuy nhiên lý tưởng của chúng ta lại không phải là chủ nghĩa cá nhân. Lý tưởng của chúng ta vẫn là độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. ..Văn học phải góp phần tích cực vào sự nghiệp đó” (Trang 9).
Ở một điểm nhìn hẹp hơn nhưng sâu hơn, nhà văn Đặng Hiển đã cổ vũ cho việc xây dựng một nền văn học giáo dục với một bài có ý nghĩa đầy đủ của nó: “Giáo dục, một đề tài lớn, một công chúng lớn, một lực lượng sáng tác lớn”…
Saukhi phân tích ba thế mạnh của ngành giáo dục đối với văn học như tiêu đề bài viết, nhà văn khẳng định: “Tất cả đều nhằmmục tiêu chính có nhiều sáng tác hay về giáo dục, có sức giáo dục và cảm hóa lớn để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tiến lên thực hiện đào tạo được một thế hệ người Việt Nam mới…”(Trang 16).
Với tư cách là hội viên Hội nhà văn Hà Nội, trong bài viết “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học của Hội nhà văn Hà Nội”, ông đã không ngần ngại nêu tên một số tác giả trẻ, mới ở các câu lạc bộ, hoặc dưới cơ sở. Từ đó đặt ra cho những người quản lý, lãnh đạo phải quan tâm phát hiện, phát triển tài năng và tích cực có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sáng tác văn học của hội.
Ở phần lý luận chung này, ông còn có bài viết đáng chú ý: Nguyễn Du, Truyện Kiều, nguồn cảm hứng thơ của nhiều nhà thơ hiện đại. Bằng các dẫn chứng từ thành công củamột số nhà thơ hiện đại như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Vương Trọng…, nhà văn Đặng Hiển đã đem đến cho người đọc một cái nhìn hợp lý, đầy hứng thú về sự nối tiếp, sự lan tỏa vượt thời gian, không gian của các tác phẩm văn học một khi tác phẩm đó đã có chỗ đứng xứng đáng trong lòng quần chúng độc giả…
Ngoài các bài viết trên ở phần này, người đọc còn ghi nhận những cảm xúc, phân tích đầy ân tình của tác giả về những vần thơ ngợi ca những người thương binh, liệt sỹ, những vần thơ đã sáng tác sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946)…Đó thực sự là những gợi ý rất đáng trân trọng của tác giả về một quá khứ anh hùng của dân tộc được thể hiện trong các tác phẩm văn học…
Chiếm nhiều số trang hơn cả trong tập sách là những bài viết về các tác giả, tác phẩm mà nhà văn Đặng Hiển có dịp “Đọc” và “Viết”. Đó là những tác giả của văn học thời1930- 1945 như Huy Thông, Vũ Đình Liên, Nam Cao…Vị trí cũng như ảnh hưởng của các tác giả này trên văn đàn cũng như trong lòng người đọc Việt Nam từ lâu đã được xác định và tôn vinh song Đặng Hiển đã cố gắng tìm đến những hiện tượng văn học này bằng cách riêng của mình.
Với Huy Thông, ông đã tìm cách lý giải sự khác nhau giữa thơ tình của Huy Thông và thơ tình của các nhà thơ mới khác. Đồng thời, Đặng Hiển cũng khẳng định ý nghĩa tích cực “Thơ cảm hứng anh hùng của Huy Thông có ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn thời đại, như một luồng gió mạnh thổi vào những linh hồn ẻo lả, ủy mị đang chờ sa ngã…” của một bộ phận thanh niên trí thức thời bấy giờ, (Trang 44) cả ảnh hưởng tốt đối với sự sáng tạo của nhà thơ cách mạng trẻ: Tố Hữu.
Tiếp cận với Vũ Đình Liên, Nam Caotrong tâm thế một nhà giáo, một nhà văn đã từng giảng dạy các tác giả này nhiều lần, Đặng Hiển có những trải nghiệm mới giúp người đọc không những cảm nhận được những ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, tác giả thời đại đã qua mà còn chia sẻ với những nhận thức và xúc cảm của một độc giả đương đại. Đó cũng là cảm hứng khi ông viết về bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, một số bài thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông, bài Trước một dòng sông đẹp của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh…
Nhiều hơn cả là những bài viết về tác phẩm của các nhà văn đương đại vẫn hoạt động và sáng tác. Đây thực sự là một thử thách với những cây bút làm phê bình. Bên cạnh sự soi xét của các độc giả còn có sự kiểm nghiệm của chính người sáng tạo các tác phẩm đó. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm của trái tim thi sĩ, cái tâm của người cầm bút, sự trải nghiệm của một nhà giáo viết văn lâu năm, Đặng Hiển đã có những ý kiến rất trúng về những tác phẩm mà ông tiếp cận. Từ đó giúp cho người đọc có một cách nhìn thỏa đáng đối với tác giả và tác phẩm.
Cách nhìn đó được ông ứng xử công bằng đối với tác giả đã định danh và cả với những tác giả trẻ mới đi những bước đầu tiên vào con đường sáng tạo văn chương.
Về tập thơ Oẳn tù tì của nhà thơ Bằng Việt, Đặng Hiển mở đầu bài viết của mình bằng một câu chuyện cảm động của chính tác giả và người đồng đội Trịnh Quý qua một cuộc oẳn tù tì. “Cuộc oẳn tù tì ấy trở thành ngẫu nhiên của số phận nhưng lại như một định mệnh. Nhà thơ Bằng Việt làm bài thơ xúc động Trịnh Quý và tôi và lấy ba tiếng Oẳn tù tì làm nhan đề cho cả tập thơ mới nhất của mình” (Trang 158). Nhà văn Đặng Hiển đã đặt tên bài viết của mình về tập thơ của nhà thơ Bằng Việt Oẳn tù tì, một tập thơ độc đáo, một cách nhìn minh triết của trái tim.
Với tập thơ Cháy trong mưa của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Đặng Hiển đã có những đánh giá khá chính xác: “Sự thay đổi khuynh hương thơ từ sử thi về với đời thường là một sự đổi mới tất yếu của thơ nhưng trong sự chuyển đổi đó, các nhà thơ lớp trước không phải ai cũng thành công…Đầu năm 2017, Nguyễn Đức Mậu đã đánh dấu sự thành công của mình với tập thơ “Cháy trong mưa” (Trang 115).
Tập thơ Cây chuyển mùa của nhà thơ Vũ Từ Trang, theo Đặng Hiển là tập thơ của người có “bệnh cả nghĩ”, “Vì ý nghĩ của anh bao giờ cũng gắn với tâm trạng chủ thể với cảnh, với sự, với tình và ít nhiều khái quát với tâm sự thời thế của con người đã trải qua nhiều trải nghiệm” (Trang 141).
Trong bài “Những nỗ lực mới của Hoàng Quảng Uyên trong “Trông vời cố quốc”, Đặng Hiển đã phân tích những nỗ lực của nhà văn Hoàng Quảng Uyên trong tác phẩm văn xuôi viết về Bác này là “đã làm được một viêc lớn lao, khó khăn, đó là thuật lại hoạt động của Bác, và phần nào tái hiện hình tượng Bác trong 30 năm trên đường cứu nước, 30 năm xa xứ, 30 năm “Trông vời cố quốc”.
Nhà văn Đặng Hiển cũng đã dành nhiều trang để phân tích hai tác phẩm của nhà văn Lê Hoài Nam. Đó là tập truyện ngắn “Hành trình của người lính” xuất bản năm 2016 với tiêu đề có sức bao quát đầy đủ nội dung và nghệ thuật tác phẩm: “Cuộc sống và con người qua hình tượng người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh” và cuốn tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” xuất bản năm 2017, với tiêu đề: “Cảm nghĩ từ một cuốn tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”. Ở đây, tác giả đã có những ý kiến xác đáng về tiêu chí của một tiểu thuyết lịch sử và vận dụng sát, đánh giá đúng tác phẩm.
Qua tập sách, người đọc được tiếp xúc với các tập thơ Về lại triền sông của tác giả Nguyễn Thế Kỷ với tiêu đề Tổ quốc và gia đình-Hai nguồn cảm hứng cuả thơ Nguyễn Thế Kỷ, tập thơ song ngữ Tày-Việt Gửi em phương trời xa của Dương Khâu Luông mà Đặng Hiển coi đó là một “tập thơ độc đáo”.
Tập sách cũng đã giới thiệu cuốn tự truyện của tác giả Trịnh Văn Sỹ Trong ngôi nhà của mẹ do nhà văn Nguyễn Quang Thiều chép lại.
“Cuốn sách đã vượt ra ngoài quan hệ tình cảm giữa hai cá nhân “người viết và người kể” để hướng tới những giá trị lớn: giá trị nhân văn, giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại”.
Qua phân tích và dẫn giải có tình, có lý người đọc thấy ông đã không quá lời khi coi cuốn tự truyện của Trịnh Văn Sỹ là “Một cuốn tự truyện đầy chất nhân văn, một cuốn sách giáo khoa về văn hóa Việt” (Tr134 Sđ d).
Trong số các tập thơ của các tác giả được nhà văn phê bình như: Mùa trong gốm của Lê Anh Phong, Trò chuyện với lá non của Thanh Ứng, Tình thơ, khoản nợ của Phùng Trung Tập, Thơ của Câu lạc bộ thơ Tràng An, Cây nến cháy của Đỗ Hữu Thiêm, cuốn tự truyện: Người tuổi ngựa có cánh của Nguyễn Hạc Đạm Thư…
Người đọc còn chú ý đến bài viết của Đặng Hiển về một tập thơ của một tác giả tuy không còn trẻ và đã sáng tác thơ nhiều năm song vẫn chưa được nhiều người biết đến: Đó là tập thơ Cây nến cháy -“Tập thơ một đời của một cựu chiến binh, một cựu tù binh Phú Quốc”, học sinh cũ của ông: Đỗ Hữu Thiêm. Nhà văn Đặng Hiển đã dành nhiều trang phân tích ba phần của tập thơ này cũng là ba chặng đường đời của Đỗ Hữu Thiêm: 1-Tiếng gà gáy:đoạn đời thanh xuân cầm súng đánh Mỹ, 2- Trên đoạn đầu đài: đoạn đời đầy đọa trong nhà tù Mỹ -Ngụy, 3-Bóng chim sổ lồng:Trở về với tự do, với quê hương.
Ông kết thúc bài viết trong niềm xúc động “…cựu chiến binh làm thơ Đỗ Hữu Thiêm và bao người khác của dân tộc ta cũng là những cây nến cháy đến cùng để soi thêm chút ánh sáng cho đời. Cảm ơn Đỗ Hữu Thiêm, cảm ơn cựu chiến binh, nhà nông Đỗ Hữu Thiêm, nhà thơ Đỗ Hữu Thiêm. Anh đã cháy và đang cháy hết mình bằng máu anh, sức anh, trí anh vì cuộc sống, vì tình yêu cuộc sống”(Trang 225).
Ta thường gặp đây đó trong các bài phê bình văn học những đoạn văn chứa chan cảm xúc của tác giả. Điều đó chứng tỏ Đặng Hiển không chỉ dùng lý trí phân tích thơ mà nhiều khi ông để cho con tim dẫn dụ những luận cứ, luận chứng của mình. Chính vì thế những dẫn giải của ông có thêm sức nặng, có thêm sự thuyết phục cần thiết với người đọc.
Một số bài viết trong tập sách được gọi là những kí sự văn học là những bài thông qua những câu chuyện, những hồi ức, những kỉ niệm…của bản thân để truyền tải những thông điệp liên quan đến văn chương và cuộc sống của tác giả và những người xung quanh.
Tiêu biểu ở phần này là bài viết: “Sự tri ân muộn màng”. Một câu chuyện từ hơn nửa thế kỷ trước đã ám ảnh tác giả trong suốt quãng đời dạy học và cả sau này khi đã là một nhà giáo thành đạt, một nhà văn có tên tuổi.Lần theo năm tháng, những sự kiện trong đời sống, trong văn chương tưởng đã làm ông vơi đi những trăn trở đó. Nhưng rồi nó vẫn cứ đeo đẳng cho đến khi những vướng mắc, những băn khoăn về một bài ca tự bao giờ được giải mã.
Từ một bài ca sưu tầm của cậu học sinh lớp 8 thời những năm 60 thế kỷ trước đến những câu chuyện liên quan đến văn chương, đến nhiều người ở những năm tháng gần đây với những kết thúc bất ngờ, có hậu là chuyện của tình người, tình bạn, tình văn chương.Đây là câu chuyện văn chương, cũng là câu chuyện nhân tình đầy thi vị.
Ở đó người đọc nhận ra trong ông tiềm ẩn sự kiên trì bền bỉ, sự thủy chung với những gì mình đã trao thân, gắn bó. Trong đó có nhiều kỷ niệm, nhiều hồi ức về những năm tháng giảng dạy tác phẩm văn học trên ghế nhà trường. Mỗi tác giả, tác phẩm đối với nhà văn, nhà giáo Đặng Hiển không chỉ là những giáo án mỏng manh trên lớp mà còn là những câu chuyện của đời sống, những bài học về nhân sinh.
Những bài viết về Nam Cao, về Quang Dũng, về Hòang Trung Thông…trong tập sách này không chỉ là những trải nghiệm riêng của tác giả mà còn là những bài học cho nhiều thế hệ thày giáo trong nhà trường. Điều đó như muốn khẳng định một chân lý: Dạy văn là truyền đến các thế hệ những câu chuyện của văn chương, của đời sống, của hồn người, của những “cây đời mãi mãi xanh tươi”.Tác giả của nó có một đời sống phong phú, dồi dào xúc cảm văn chương.
Vì những điều đã ghi nhận ở trên, tôi tin tập sách Đọc, Viết-Học của nhà giáo ưu tú, nhà văn Đặng Hiển sẽ là một tập sách bổ ích không chỉ cho những người học văn, dạy văn mà cho tất cả các bạn đọc chúng ta…
Thanh Ứng
Hà Đông đầu năm 2018
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất