Nhà văn Đỗ Bích Thúy: 'Sự trân trọng của Hàn Quốc đối với các tác phẩm từ Việt Nam'

24/04/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tuyệt đại đa số những gì Đỗ Bích Thúy viết đều là về miền núi nhưng mới đây, tiểu thuyết Chúa đất của chị đã được Quỹ Văn hóa Hansae Yes24 tài trợ dịch sang tiếng Hàn.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy & 'Cánh chim kiêu hãnh': Tinh khôi đến… chói mắt

Nhà văn Đỗ Bích Thúy & 'Cánh chim kiêu hãnh': Tinh khôi đến… chói mắt

Như con tằm ăn lá dâu nhả tơ làm kén với những trang văn mảnh, khéo và tinh, Đỗ Bích Thúy đã chỉn chu thêu thùa qua hàng chục tác phẩm hấp dẫn về vùng cao của mình.

Nhân dịp này, nữ nhà văn chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về niềm vui khi tác phẩm sẽ “vượt biên giới” đến với bạn đọc Hàn Quốc.

“Đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết về miền núi, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về Sùng Chúa Đà, một nhân vật đặc biệt đáng chú ý trong những tư liệu về vùng Mông ở Hà Giang. Không khí bao trùm là sự đối lập khốc liệt giữa tầng lớp thổ ti phong kiến và dân nghèo” - Đỗ Bích Thúy chia sẻ - “Trong bối cảnh đen tối đó là các câu chuyện về tình yêu, tình người, sự nổi loạn, tinh thần nhân văn…Và đây là một trong những cuốn sách tôi thích nhất trong số những cuốn sách mà tôi từng viết”.

Chú thích ảnh
Nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy

* Cơ duyên nào mà phía Hàn Quốc biết đến “Chúa đất” và muốn dịch sang tiếng Hàn?

- Cách đây không lâu, NXB Phụ nữ có nói rằng, bên Hàn Quốc đề nghị NXB giới thiệu nội dung cuốn sách cũng như gửi hồ sơ tác giả cho họ. Tôi có phối hợp với NXB Phụ nữ chuẩn bị. Và gần đây thì họ chính thức đề nghị được dịch cuốn Chúa đất ra tiếng Hàn. Tôi cũng đã gặp dịch giả, anh Ha Jea Hong, người được đánh giá là dịch giả tiếng Việt xuất sắc nhất Hàn Quốc hiện nay. Thời hạn bản quyền cuốn sách giữa tôi và NXB Phụ Nữ vẫn còn, nên tôi uỷ quyền cho họ làm việc với phía Hàn Quốc.

* Chắc hẳn đây là tác phẩm đầu tiên được dịch ra nước ngoài của chị. Cảm xúc của chị khi biết tác phẩm của mình được ký kết xuất bản?

- Chúa đất ra mắt độc giả Việt Nam 3 năm rồi, sau đấy, tôi cũng đã kịp in 2 cuốn mới. Nhưng nó đúng là cuốn đầu tiên được dịch trọn vẹn ra một ngôn ngữ khác. Cảm xúc thì chắc nhà văn nào cũng vậy, sách của mình càng tới với nhiều bạn đọc càng vui. Vượt qua biên giới, giới thiệu với bạn đọc Hàn Quốc về văn hoá, về tinh thần nhân văn, về khát vọng hoà bình, hạnh phúc… càng là điều hạnh phúc hơn nữa.

Tiếng Hàn thì một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết (cười). Tôi cũng biết, dịch văn học là loại lao động khó bậc nhất trong dịch thuật. Dịch văn về miền núi của tôi càng khó hơn nữa. Nó là một thách thức với các dịch giả. Tôi hy vọng với kinh nghiệm đã dịch nhiều cuốn tiểu thuyết tiếng Việt ra tiếng Hàn, cộng với sự hứng thú về cuốn sách của tôi, dịch giả Ha Jea Hong sẽ dịch tốt.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “Chúa đất” đang được dịch sang tiếng Hàn

* Đã có nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch ra nước ngoài, nhưng chủ yếu là tiếng Anh, còn tiếng Hàn chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, thưa chị?

- Theo như tôi biết thì Chúa đất không phải cuốn đầu tiên. Trước đây đã có một số cuốn của các nhà văn được chọn dịch, xuất bản, có dư luận tốt ở Hàn Quốc.

Tôi luôn ngưỡng mộ Hàn Quốc trong việc quảng bá hình ảnh văn hoá quốc gia, sự chiếm lĩnh các thị trường giải trí, và nỗ lực xây dựng một nền văn hoá vừa đậm chất Hàn Quốc vừa hiện đại, cập nhật với xu hướng thế giới. Và qua cách họ chủ động tìm kiếm các cuốn sách văn học Việt Nam để dịch ra tiếng Hàn thì tôi thấy được sự trân trọng của họ đối với các tác phẩm từ Việt Nam.

* Được biết, trước đó phía Hàn Quốc cũng trao một số giải cho nhà văn Việt Nam, chị có quan tâm đến điều này?

- Họ trao một số giải thưởng, và mời các nhà văn sang giao lưu, học tập kinh nghiệm, sáng tác… Có lẽ Hàn Quốc là một trong những quốc gia mở rộng cánh cửa nhất đối với các nhà văn Việt Nam trong khu vực.

* Là nhà văn, nhà báo 7X có nhiều tác phẩm viết về vùng cao và quê hương Hà Giang, trong đó có kịch bản “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu”… để lại tiếng vang trên văn đàn, chị có thể chia sẻ thêm về chặng đường sáng tác của mình?

- Tính đến nay tôi đã có 25 năm cầm bút. Truyện ngắn đầu tiên tôi in năm 1994. Và tuyệt đại đa số những gì tôi đã viết, đều viết về dân tộc, miền núi, với bối cảnh thiên nhiên, địa lý Hà Giang. Tôi nghĩ, với một nhà văn, có một vùng đất để trở về, để gieo trồng, gặt hái… là một sự may mắn, và hạnh phúc. Niềm đắm say lớn nhất trong cuộc đời làm nhà văn của tôi, chính là viết về miền núi.

Ngoài viết, tôi đi rất nhiều, mỗi chuyến đi tuỳ vào mục đích của nó sẽ mang lại những cảm xúc, giá trị khác nhau. Nhưng tôi thực sự luôn cảm thấy mình được nạp thêm năng lượng khi tôi đi miền núi, lên rừng, leo trèo, ngửi thấy mùi lá cây, nghe tiếng những loài chim, côn trùng, bỏ lại đằng sau phố xá, xe cộ, tiếng ồn, váy áo xúng xính, son môi và nước hoa (cười)… Tôi như một cái cây từng bị nhổ đi, và được trồng lại, run rẩy vươn những sợi rễ tìm nguồn nước trong đất đai. Nói thì hình ảnh thế thôi, đơn giản là khi rời khỏi Hà Nội, lên rừng, lúc nào tôi cũng hân hoan như thế thật.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Vài nét về nhà văn Đỗ Bích Thúy

Đỗ Bích Thuý sinh năm 1975, hiện làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị từng đoạt Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2000, đã in 19 cuốn sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn.

Hoài An (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm