Nhà văn Trần Kim Trắc: 'Tôi đã sống tức là tôi đã viết'

05/11/2015 13:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Truyện ngắn đầu tay Cái lu của nhà văn Trần Kim Trắc từng đoạt giải thưởng Văn nghệ Việt Nam 1945 - 1954 cùng với Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán. Thế nhưng ông từng gác bút đến 30 năm đi làm rừng, nuôi ong… để trở lại với văn chương như chưa từng gián đoạn.

Sáng ngày 4/11 tại TP.HCM, NXB Trẻ đã ký kết tác quyền trọn đời với nhà văn Trần Kim Trắc - một trong những cây đại thụ của văn chương Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Như vậy, nhà văn Trần Kim Trắc là một trong ba nhà văn Nam bộ được NXB Trẻ ký kết tác quyền trọn đời, sau nhà văn Sơn Nam và nhà văn Trang Thế Hy.

Từ nhà văn trở thành “vua ong”

Xuất thân từ lính Tiểu đoàn 307 thời kháng Pháp, nhờ có học ông làm trưởng ban tuyên truyền của tiểu đoàn. Năm 1954, nhà văn Trần Kim Trắc tập kết ra Bắc công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Ngày vui chưa được bao nhiêu, đời ông rẽ sang hướng khác, xa lìa văn chương đi làm rừng, nuôi ong cho đến cuối những năm 1980 mới cầm bút trở lại. Dù thời gian viết gián đoạn đến 30 năm với những gian truân của cuộc sống, nhưng văn của ông vẫn cứ giúp người đọc mến yêu cuộc sống này hơn.

Thời gian làm rừng, nuôi ong ở vùng Tây Bắc được nhà văn gọi là “chốn sơn tràng” hóa ra lại đem đến nhiều chất liệu để ông viết sau này. Trong 5 tác phẩm của ông vừa được NXB Trẻ xuất bản, có tập truyện ngắn Chuyện riêng tư chốn sơn tràng.


Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Trẻ trao 100 triệu đồng tác quyền cho vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc

Trong tập này có truyện ngắn Ông Thiềm Thừ được nhiều người đọc ưa thích khi nhà văn cảnh báo con người không nên can thiệp quá nhiều vào sự tồn tại vốn dĩ của tự nhiên. Và càng không nên sống ác với thiên nhiên, nếu không sẽ gặp quả báo.

Đọc Ông Thiềm Thừ và nhiều truyện khác của nhà văn Trần Kim Trắc, mới thấy kiến thức về loài ong của ông  thật sâu rộng. Chính nghề nuôi ong đã đem lại cơm áo để nhà văn nuôi gia đình và khấm khá sau này. Một thời trước 1975 tại miền Bắc, Trần Kim Trắc được xem như “vua ong” khi ông “quản lý” cả trăm đàn khiến nhiều người tìm đến bái sư học nghề.

Nghiệm từ "Kiều" và "Lục Vân Tiên"

Những tưởng “chốn sơn tràng” đã chôn vùi tài năng văn chương của Trần Kim Trắc, thì đồng đội 307 tìm đến động viên ông viết lại. Câu chữ cứ thế tuôn ra hào hứng như thời đôi mươi ông còn trong lính. Đến nay, nhà văn Trần Kim Trắc có “vốn lận lưng” khoảng 200 truyện ngắn đủ in 10 cuốn sách. Các truyện ngắn của ông cũng giống như tác giả, đã được chắt lọc, bóc tách những phần thừa để còn lại cái lõi tốt nhất.

Nhà văn Trần Kim Trắc từng nói với nhà văn Nguyễn Khải: “Tôi đã sống tức là tôi đã viết”. Quan niệm này có phần ngược lại với nhiều nhà văn: “Tôi đã viết tức là tôi đã sống”. Với Trần Kim Trắc, những gì ông đã sống tức là ông đã có tác phẩm rồi, phần còn lại của ông là ghi ra giấy, chép sạch lại những ký ức mà ông từng trải qua. Ông nói: “Tìm kiếm đâu xa, hãy khai thác chính bản thân mình thì sẽ có tác phẩm thôi”.

Hỏi nhà văn ở tuổi gần 90 ông tâm đắc điều gì trong những cái đã đọc? Ông nói: “Tôi học được Kiều của Nguyễn Du một câu và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu một câu. Ở Kiều: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Tài là gì, mệnh là gì, phải chăng là hai con người cùng tồn tại không thể tách rời trong một con người. Ở Lục Vân Tiên: “Nực cười hai chữ nhân tình éo le”. Đã biết nhân tình như thế thì hãy giữ mình, giữ khoảng cách để nhìn thấu, tìm được điều hay mà sống”.

Theo hợp đồng được ký giữa nhà văn Trần Kim Trắc và ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, thì NXB Trẻ được toàn quyền sử dụng 19 tác phẩm, đa phần là truyện ngắn của nhà văn, bắt đầu từ tháng 11/2015. NXB Trẻ đã trao 100 triệu đồng cho gia đình nhà văn Trần Kim Trắc gọi là tiền trả trước.  

Ngoài ra, nhà văn sẽ được hưởng nhuận bút khi có tác phẩm được xuất bản. Điều khoản trong hợp đồng còn có: “Gia đình nhà văn Trần Kim Trắc sẽ tiếp tục hưởng nhuận bút các tác phẩm của ông từ NXB Trẻ, sau khi nhà văn qua đời”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm