Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khơi dậy lý tưởng cho thế hệ trẻ

14/10/2013 10:37 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Chiều qua 13/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ, những cống hiến to lớn của Đại tướng đã được cả nước ghi nhận. Nhưng hơn thế nữa, tài năng và nhân cách của Đại tướng đã làm bùng dậy những lý tưởng cao cả cho thế hệ trẻ hôm nay.

Tiếp tục câu chuyện “Giới trẻ không thờ ơ, hời hợt, vô cảm với lịch sử, với văn hóa”, chúng ta hãy nghe chia sẻ của nhà văn Di Li và nhà thơ Bùi Chí Vinh.

Nhà văn Di Li: Người anh hùng là tấm gương cho tuổi trẻ

Chưa cần nghe về những nhóm thanh niên tình nguyện thì tôi cũng có thể biết quan điểm của giới trẻ trong những ngày vừa qua. Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay thờ ơ với lịch sử và sùng ngoại, sính ngoại, chỉ thích những thứ hào nhoáng lấp lánh trước mắt như: K-pop và sao Hàn, tiểu thuyết ngôn tình, nhưng đó chỉ là một bộ phận. Thậm chí, trong bộ phận sính ngoại này, dù họ không tham gia nhóm thanh niên tình nguyện, nhưng không ai là không biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng đã được bạn bè quốc tế kính nể.

Giới trẻ ở bất kỳ đâu luôn thích thần tượng là những người tài năng và anh hùng. Họ coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào, là một người anh hùng để khi đối diện với bạn bè năm châu họ có thể nhắc đến. Điều này rất đơn giản về mặt tâm lý. Hơn nữa con gái tôi mới 10 tuổi nhưng cũng hỏi tôi rất kỹ về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi giải thích cho con bằng thái độ vị nể và tôn kính theo cách nói về một người anh hùng. Bởi vì từ lúc còn nhỏ, tôi cũng hay nghe cha mẹ tôi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng thái độ vị nể và tự hào ấy.

Lúc nhỏ tôi chưa hiểu rõ cụ thể những việc cụ Võ Nguyên Giáp đã làm nên chỉ hình thành tư duy đơn giản: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài, một người anh hùng đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ giới trẻ VN cũng đã dần hình thành tư duy theo cách như thế. Cha mẹ họ kính nể ai thì họ cũng sẽ kính nể người đó.

Nhiều người ngưỡng mộ hình ảnh người anh hùng Che Guevara của Cuba thì việc họ tự hào về đại tướng Võ Nguyên Giáp, một anh hùng của dân tộc mình và tham gia tưởng niệm là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ cảm tình và sự kính trọng đối với một con người đến nhanh hơn thông qua quan điểm của cộng đồng và lời bình luận đáng tin cậy của những người thân thay vì nghe truyền thông. 

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Chất “anh hùng áo vải”

Giới trẻ hiện nay rất khác nhau, phong phú và đa dạng. Chúng ta có thể lấy sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm cột mốc phân tích thái độ sống của giới trẻ trước và sau sự kiện lịch sử này.

Tuổi trẻ trên cả nước bị phân hóa rất nhiều, từ đó dẫn đến hệ hành động khác nhau. Chẳng hạn nếu trong giới trẻ có những bộ phận thanh niên dám dấn thân, dám đấu tranh, dám bảo vệ cho lý tưởng sống của chính mình; thì ngược lại cũng có một bộ phận nhỏ thanh niên thờ ơ vô cảm với cuộc sống đồng loại. Thậm chí họ vô trách nhiệm với chính bản thân và gia đình, chỉ biết sống ích kỷ thu vén, chụp giựt không cần biết ngày mai ra sao. Rõ ràng hai hình thức sống cơ bản trên đã biến tuổi trẻ thành cơn sóng ngầm dưới đại dương, đứng bên lề bão tố thời đại.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, người “anh hùng áo vải” bỗng nhiên hóa thân thành một tấm “kính chiếu yêu” soi rọi mọi thói hư tật xấu của những con người vốn bàng quang với cuộc sống.

Giới trẻ hiện nay có thể có những khác biệt về quan điểm, lối sống nhưng trước tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tất cả bỗng nhiên đoàn kết lại. Chính vì thế cái lý lẽ, tình cảm “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” bỗng trở thành ngọn lửa bùng cháy và lan rộng. Vấn đề chính là phải có nhiều người lớn sống đàng hoàng tử tế và có chất “anh hùng áo vải” như thế để tuổi trẻ phục sinh truyền thống Tiên Rồng.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

TRẠC TUYỀN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm