Đọc sách về Sơn Nam: Người Nam Bộ cũng có chút tự ti

29/09/2013 13:50 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - “Đại đa số những người Việt Nam Bộ đã và đang sống đều có nguồn gốc xuất thân xa xưa không lấy gì làm hãnh diện lắm” - đó là một phát hiện của “ông già Nam Bộ” Sơn Nam về người dân vùng đất này.

Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam (NXB Trẻ) là biên khảo về văn hóa học vùng miền Nam Bộ qua các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.

Xuất phát từ luận văn thạc sĩ của tác giả Võ Văn Thành, cuốn sách cung cấp cái nhìn của Sơn Nam về văn hóa vật thể và phi vật thể của miền Nam, bao gồm: văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông và văn hóa tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và nghệ thuật.

Nhận định được trích ở trên do tác giả Võ Văn Trích rút ra từ tác phẩm Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn của Sơn Nam (NXB Trẻ).


Bìa cuốn sách Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam.

Về nguồn gốc xuất thân của người Nam Bộ, Sơn Nam đút rút qua tác phẩm Đất Gia Định – Bến Nghé xưa và người Sài Gòn (NXB Trẻ): liên tục từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, nhiều người Việt di cư từ những vùng đất cố cựu như Bắc Bộ và Trung Bộ để vào vùng đất mới, Nam Bộ. Ông gọi họ là “lưu dân”. Có nhiều nguyên nhân khiến họ phải di cư: lậu thuế, trốn lính, đi khai hoang, cướp giật rồi bỏ xứ, hoặc bị tù đày…

Do vậy, Sơn Nam cho rằng “người Nam Bộ cùng có chút tự ti về nguồn gốc gia phả”. Vì vậy, người Nam Bộ dù thân thiết đến đâu chăng nữa cũng ít đề cập tới lý lịch xuất thân, vì “ai chịu ghi rằng tổ tiên đời trước là dân lưu đày, tội đồ, hay trôi sông lạc chợ”.

Nhưng, chính sự tự ti sâu xa đó lại góp phần lý giải cho tính cách phóng khoáng của người dân vùng đất này. Họ khỏa lấp nỗi tự ti bằng “lối sống sang trọng, quý phái khi đã trở thành người giàu, điền chủ”, bằng cách “xài tiền, xài càng rộng rãi ngông nghênh thì càng sang trọng… (Họ) xem đồng tiền là phù du, duy tiếng tăm, thói phong lưu là để lại đời”.

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) đã dành cả đời để ghi nhận và phổ biến những nét văn hóa của người Nam Bộ. Ông nhìn nhận nguồn gốc xuất thân, môi trường sinh sống và những ưu, nhược điểm trong tính cách con người nơi đây để lý giải cho những biểu hiện văn hóa.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm