Nhiều siêu thị giúp ngư dân vượt khó

16/05/2016 16:01 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Mặc dù tại các cửa biển miền Trung, tình hình cá chết đã được các cơ quan chức năng thông tin khá đầy đủ nhưng với tâm lý sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên thời gian qua việc tiêu thụ cá và thủy hải sản rất chậm chạp. Do đó, để lập lại trật tự thị trường thủy hải sản cũng như chung tay với bà con ngư dân vượt qua khó khăn, nhiều siêu thị đã không ngần ngại bày bán những sản phẩm này trên các quầy kệ sau khi được cấp giấy đảm bảo sạch và an toàn.

Xắn tay vào cuộc

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, chia sẻ khó khăn với ngư dân miền Trung và đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đơn vị này đã thiết lập điểm thu mua hải sản tại cảng cá sông Gianh, tỉnh Quảng Bình và bắt đầu thu mua các nguồn cá được xác định là an toàn.

Ngay từ những ngày đầu, Saigon Co.op đã thu mua khoảng 20 tấn cá rất tươi của ngư dân và chủ yếu là cá nục, cá bạc má. Toàn bộ cá này đã được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình gồm: Chi cục Khai khác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra và xác nhận đạt yêu cầu về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thủy hải sản khai thác. Nguồn cá này cũng được xác định đánh bắt xa bờ trong vùng biển an toàn và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại điểm thu mua, bộ phận quản lý chất lượng siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op cũng kiểm tra nhanh chất lượng nhằm đảm bảo hải sản được bảo quản an toàn sau đánh bắt.


Các điểm bán cá sạch tại Siêu thị Co.opmart (Huế) hút khách đến mua mặt hàng hải sản. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Đồng thời, cùng với cơ quan chức năng và chủ tàu lập biên bản lấy mẫu đem đi kiểm tra chất lượng tại Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2. Hiện tại toàn bộ lô hàng đang được cấp đông tại cảng, chỉ khi kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu mới được đưa vào kinh doanh.

Cùng với Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Big C cũng đang tổ chức thu mua cá tươi để phân phối qua hệ thống 33 siêu thị Big C trên toàn quốc với giá sốc không lợi nhuận trên toàn hệ thống. Cụ thể, trong chương trình khuyến mãi của tháng 5, hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình bán gần 10 tấn cá nục tươi với giá sốc không lợi nhuận (24.900đ/kg) trên toàn quốc.

Theo đó, mẫu cá tươi cũng được nhân viên thu mua của Hệ thống siêu thị Big C trực tiếp kiểm tra nhanh chỉ tiêu Urê ngay tại cảng giao hàng. Ngoài ra, mẫu của lô hàng cũng được gửi ngay đến Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm tra các chất cadimi, chì, arsen và thủy ngân.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiêu thụ, các siêu thị Big C cũng tăng cường truyền thông trực quan ngay tại siêu thị để phổ biến rộng rãi thông tin sản phẩm an toàn đến người tiêu dung cũng như giúp người tiêu dùng an tâm trong mua sắm và ủng hộ cho ngư dân các tỉnh miền Trung.

Một số siêu thị khác cũng cho biết, hiện các đơn vị đang lên kế hoạch phối hợp với các địa phương miền Trung tiến hành thu mua, tiêu thụ hải sản được cơ quan quản lý Nhà nước chứng nhận đảm bảo an toàn cho bà con. Tuy nhiên, theo đại diện một số siêu thị, thực tế hiện nay, lượng tiêu thụ của các siêu thị chưa phải là nhiều nên ngoài kênh siêu thị, các địa phương cũng cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể hơn để hỗ trợ ngư dân.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, hiện tại lượng tiêu thụ cá và thuỷ hải sản tại các siêu thị cũng chưa phải là nhiều so với các chợ truyền thống. Do vậy, ngoài việc kêu gọi các siêu thị cần có những chính sách, biện pháp cụ thể để hải sản trở lại các chợ, từ đó giúp việc tiêu thụ tốt hơn.

Ông Vũ Vinh Phú cũng hiến kế, cần phải có những kho lạnh giúp bà con bảo quản hải sản sạch đánh bắt về miễn phí. Việc bảo quản này ngoài giúp bảo quản lâu hơn tránh cho việc tư thương có thể ép giá, dìm giá không mua trong những lúc hải sản về quá nhiều trong khi lượng mua không cao hay lợi dụng tình hình để nâng giá quá mức. Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng nên có những xem xét để giảm miễn thuế, phí cho các mặt hàng thủy, hải sản của bà con trong dịp này.

Hiệu ứng domino

Xuất phát từ nguyên nhân cá chết đã gây ra hiệu ứng tâm lý khiến một lượng không nhỏ những người tiêu dùng trên cả nước lại rủ nhau vào siêu thị mua muối và nước mắm về "dự trữ dùng dần". Hai mặt hàng quen thuộc được chế biến từ nước biển và cá biển trong bếp gia đình từ hai tuần nay bỗng trở nên đắt khách. Cũng vì thế mà những siêu thị có tiếng như Big C, Co.op mart , Fivimart hay các đại lý nước mắm uy tín đang là sự lựa chọn lý tưởng của những người tiêu dùng trong thời điểm này.

Theo bà Nguyễn Tuyết Mai, đại lý nước mắm Cát Hải chia sẻ, bình thường mỗi ngày đại lý bán được từ 50 - 100 chai nước mắm, trong thời gian khoảng 1 tuần trở lại đây, có những ngày cao điểm họ bán được từ 500 - 600 chai, tức là lượng bán ra tăng khoảng 10 lần.

Để sản xuất được 1 chai nước mắm, thời gian ủ là 6 tháng đến 1 năm. Vì thế người tiêu dùng có tâm lý cứ cá và muối của 1 năm trước sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Do tâm lý e ngại nguồn cá và muối bị nhiễm độc từ một số vùng biển miền Trung, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong những ngày gần đây đã mua rất nhiều nước mắm tích trữ để ăn trong thời gian dài.

Khi được hỏi tại sao lại mua nhiều nước mắm đến vậy, chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên văn phòng tại phố Kim Ngưu cho hay, “tôi đến đây có nhu cầu mua 5 thùng nước mắm dành cho gia đình người thân. Nhưng ở đây họ không bán cho tôi 5 thùng, mà họ chỉ bán có 2 thùng thôi. Họ bảo do tâm lý, người tiêu dùng mua nhiều nên họ không cung cấp đủ”.

Còn theo chị Vũ Thu Hà ở Hai Bà Trưng bày tỏ, theo tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn phải mua để tích trữ cho cả gia đinh và bản thân. Rất có thể nếu tình trạng này kéo dài, bản thân người tiêu dùng có thể bị thiệt, vì giá nước mắm có thể bị đẩy lên rất cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia về thực phẩm khuyến cáo, người dân không cần quá lo sợ đến mức phải mua hàng tích trữ bởi nước mắm truyền thống của Việt Nam đều kén chọn cá nguyên liệu đầu vào. Không phải cá nào cũng được đưa vào sản xuất mắm thành phẩm. Các loại cá chết hàng loạt trên biển đều là cá to, xương lớn, không thể làm mắm được. Hơn nữa, muối để làm nước mắm cũng được kiểm soát chặt về chất lượng.

Để giải tỏa tâm lý cho người tiêu dùng, ông Trần Văn Quân - Điều hành chuỗi thực phẩm sạch hệ thống Sói Biển cho biết, ở khía cạnh nào đó khách hàng đang lo lắng thì cũng đúng nhưng không nên lo lắng thái quá. Thay vì truyền tai nhau những thông tin chưa được kiểm chứng thì nên theo dõi những thông tin chính thống từ phía Nhà nước, Chính phủ.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký Công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế để làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm.Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các chi cục quản lý thị trường địa phương, công an và lực lượng khác không cho đưa cá chết đi tiêu thụ.

Để giải tỏa tâm lý cho người dân trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này đã cố gắng hết sức để phục hồi niềm tin người tiêu dùng và củng cố lại thị trường.

Bên cạnh đường dây nóng, Bộ Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thị trường, yêu cầu thương lái và thương nhân, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn vào cuộc. Đồng thời tổ chức liên ngành đảm bảo kiểm tra kiểm soát tốt, xác nhận lô hàng để đánh bắt và chế biến, phối hợp địa phương mở rộng kết nối cung cầu, đưa hàng vào tiêu thụ.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng với việc ngăn chặn tiêu thụ cá chết, kém phẩm chất, Bộ Công Thương còn chủ động kiểm soát giá các mặt hàng khác trước diễn biến giá thủy, hải sản giảm, nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và quyền lợi cho người tiêu dùng.

TTXVN/Uyên Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm