Nhìn từ Vịnh Hạ Long: Đấu thầu khai thác di sản văn hóa chuyện mới & không mới

11/08/2014 08:38 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Thông tin hai tập đoàn tư nhân trình đề án được “nhượng quyền” quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long làm nóng dư luận suốt hai tuần qua. Bởi Vịnh Hạ Long không phải một danh thắng du lịch bình thường, mà đó còn là một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và có thể xem là một di sản nổi tiếng nhất của Việt Nam đối với thế giới.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ đề xuất này thay thế cho kiểu quản lý nhà nước bất lâu nay chưa hiệu quả, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo lắng trước nguy cơ di sản thế giới có thể bị biến thành “mỏ dầu” hoặc bị tận thu kiểu “mì ăn liền”…

Tư nhân quản lý di sản: Chuyện không mới

Việc giao cho tư nhân quản lý và khai thác di sản văn hóa/thiên nhiên không phải là câu chuyện mới, kể cả ở Tây lẫn ở ta. Như TT&VH Cuối tuần từng đề cập, ở nước láng giềng Campuchia, di sản thế giới - quần thể Angkor Wat đã được giao cho Tập đoàn Sokimex Invesment Co. với ông chủ người gốc Việt, khai thác từ nhiều năm nay. Để được quyền khai thác di sản nổi tiếng thế giới, tập đoàn này đã áp dụng chính sách miễn phí cho khách trong nước, đồng thời đầu tư hạ tầng cơ sở, đường sá thuận tiện nhưng không xâm hại cảnh quan môi trường. Kết quả là, tình trạng cổ vật bị đánh cắp, di sản bị mất kiểm soát trong nhiều năm đã chấm dứt. Trong khi đó, với giá vé tham quan 20 USD, mỗi năm, di sản này đã mang về cho doanh nghiệp nhiều triệu USD.

Xa hơn, cung điện Blenheim, 1 trong 5 di sản văn hóa đầu tiên của nước Anh được UNESCO công nhận năm 1997, cũng do tư nhân quản lý và là điểm du lịch nổi tiếng vì nó gắn liền với lịch sử của Hoàng gia Anh và vì phong cảnh tuyệt vời của nơi này. Còn ở nước Pháp, tháp Eiffel được hai công ty Mark Inch và Robert Waterland cùng nắm quyền kinh doanh khai thác từ hơn 10 năm trước.


Trong dự án xin nhượng quyền quản lý, khai thác vịnh Hạ Long, Tập đoàn Bitexco dự kiến nguồn thu từ vịnh Hạ Long đạt khoảng 4.700 tỉ đồng trong vòng 10 năm tới

Tại Việt Nam, mô hình tư nhân quản lý di sản cũng đã được tỉnh Quảng Bình áp dụng từ khoảng năm 2010. Động Thiên Đường, một phần của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, được giao cho Tập đoàn Trường Thịnh quản lý, khai thác. Tập đoàn này đã đưa vào khai thác tour khép kín: Sun Spa Resort - động Thiên Đường - hang Tám Cô được tỉnh đánh giá là khá hiệu quả, “đánh thức” tiềm năng du lịch của di sản được UNESCO công nhận.

Trở lại câu chuyện của vịnh Hạ Long, sau gần 20 năm vịnh này chính thức được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (1994 - 2014), UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định: Dịch vụ, hạ tầng du lịch trên vịnh Hạ Long hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách và chưa xứng tầm với một di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, nguồn thu từ di sản này mới chỉ chiếm 2% GDP của toàn tỉnh. Vì thế, ngay từ năm 2013, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia tổ chức, khai thác dịch vụ, quản lý thu phí vịnh Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long (được thành lập từ năm 1995) sẽ là cơ quan độc lập trong việc giám sát khai thác, bảo tồn…

Ngày 22 và 23/7 vừa qua, lần lượt hai doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Tuần Châu đã trình bày đề án cũng như gửi công văn tới UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất được nhượng quyền thu phí, quản lý du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trong vòng 50 năm. Trong đó, Bitexco đặt ra mục tiêu phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp.

Giải bài toán bảo tồn và phát triển: Nhiều ý kiến

Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH,TT&DL, cho biết, hiện tại, Bộ chưa chính thức nhận được thông tin về việc tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giao cho tư nhân khai thác, thu phí vịnh Hạ Long. Tuy nhiên ông Tân cũng nêu quan điểm về vấn đề này: “Hiện nay, trên thế giới không hiếm các mô hình di sản được quản lý bởi các doanh nghiệp, nhưng không phải nơi nào cũng thành công cả. Tôi cho rằng, để tư nhân vào cuộc hiệu quả, cơ quan quản lý phải để mắt thường xuyên, phải thắt chặt quản lý, không thể khoán trắng và cũng không phải cái gì cũng áp công thức “xã hội hóa”. Có làm bất cứ việc gì với vịnh Hạ Long cũng phải cần đặc biệt thận trọng và cân nhắc. Với một di sản, không phải nhiều tiền là có thể làm được mọi việc. Trước mắt, tôi cho rằng, chỉ nên thử nghiệm ở một khâu nào đó, trong một thời hạn nhất định chứ 50 năm là quá dài”.

PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, thì cho rằng, từ trước tới nay, chúng ta vẫn chỉ thiên về bảo vệ di sản văn hóa, nhưng quên mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa phải gắn với phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người. “Di sản văn hóa phải mang lại lợi ích cả về văn hóa lẫn kinh tế. Nhưng với vịnh Hạ Long - một di sản thế giới thì chúng ta phải cực kỳ thận trọng” - ông Bài nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng ủng hộ để doanh nghiệp “vào cuộc” khai thác, thu phí vịnh Hạ Long. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, việc giao quyền khai thác vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp tư nhân, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài, là chuyện hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tư nhân sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công ích…; đồng thời chia sẻ nguồn lợi nhuận. Về nguyên tắc, các công đoạn này tách khỏi đơn vị quản lý nhà nước sẽ hạn chế tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”...

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cảnh báo, dù đã giao cho tư nhân khai thác nhưng Nhà nước cũng không thể buông lỏng quản lý, giám sát…, nhất là với di sản thế giới như vịnh Hạ Long thì càng phải cẩn trọng. Việc UNESCO yêu cầu Chính phủ Ireland nộp báo cáo khi cho phép quay phim Star Wars trên hòn đảo Skellig Michael, nơi có một tu viện Cơ-đốc giáo đã được công nhận là di sản thế giới, cũng là bài học đắt giá mà chúng ta phải lưu ý.

Bài học từ Vương quốc Anh

Vương quốc Anh quy định chặt chẽ về bảo tồn di sản, thể hiện ở những văn bản luật, như quy định khi cấp phép xây dựng những công trình mới, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch, phải đảm bảo sự hài hòa với di sản hiện có. Nhà nước quan tâm đến vấn đề quy hoạch bảo tồn di tích. Tùy theo giá trị của từng loại hình di sản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà họ có phương án ứng xử (bảo vệ, khai thác) cho phù hợp.

Chẳng hạn, khu đá ở Stonehenge được bảo vệ rất nghiêm ngặt, khi xây dựng đường cao tốc họ thiết kế đường tránh nhằm hạn chế độ rung, tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra. Di tích trên vốn nổi tiếng thế giới nên thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Vì vậy, khi thiết kế, xây dựng hầm ngầm dưới đường cao tốc, người ta tính rất kỹ đến khoảng cách giữa di tích với vùng phụ cận (bãi đậu xe, nơi bán vé, bán hàng lưu niệm…), đảm bảo tối đa sự phù hợp giữa cảnh quan, không gian và môi trường, không để tác động xấu đến di tích.

Ngược lại, ở cung điện Blenheim là nơi ở của công tước đời thứ 11 của Hoàng gia Anh, trưng bày những kỷ vật về cuộc sống hoàng tộc từ những thế kỷ trước, du khách được đến gần chiêm ngưỡng hiện vật, được sống trong không gian sinh hoạt như chủ nhân của nó đã và đang sinh sống...

Hoàng Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm