02/12/2021 07:50 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà nghiên cứu Phan An Sa, con trai của cố học giả Phan Khôi, đã đột ngột ra đi vào sáng 29/11 ở tuổi 77. Để nhớ về ông, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
1. Tôi gặp Phan An Sa lần đầu vào năm 2003. Lúc ấy tôi vừa đưa Nhà xuất bản Đà Nẵng in được cuốn Tác phẩm đăng báo 1928 của Phan Khôi. Tôi đem tặng anh, cũng để làm quen với người con của tác gia Phan Khôi mà những tác phẩm đăng báo từ bảy chục năm trước, lúc này đang là đối tượng tìm lại của tôi.
Tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, phòng làm việc của ông Chánh thanh tra Bộ khá nhỏ hẹp, lúc ấy lại khá đông khách. Mãi đến lúc đám khách xong việc đã ra hết, tôi mới được tiếp chuyện. Tôi tặng ông sách Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 và nói tôi đang tiếp tục loạt tài liệu như thế này của cụ thân sinh, tôi rất mong được thân nhân tác gia Phan Khôi cộng tác, ví dụ về các nguồn tài liệu, nếu có thể…
Lần đầu giáp mặt ấy, tôi thấy ông Sa tỏ ra điềm đạm nhưng khá lạnh lùng. Ông nói có nghe bạn bè nói về cuốn sưu tập Tác phẩm đăng báo này, ông chuyển tới tôi lời cảm ơn của những người trong đại gia đình Phan Khôi, mong rằng tôi sẽ tiếp tục đề tài đang làm. Còn về nguồn tài liệu, thì gia đình hầu như không có gì có thể cung cấp.
Từ đó, tôi tiếp tục công việc nghiên cứu sưu tầm, soạn ra các cuốn Tác phẩm đăng báo tiếp theo của Phan Khôi. Có những khi bản thảo các cuốn sưu tập này gặp trắc trở ở khâu đọc duyệt, tổng biên tập (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là Nguyễn Phan Hách bèn gọi điện thẳng cho ông Phan An Sa, nói tuy là tác phẩm của cụ nhà đã đăng dưới thời thực dân, nhưng nay nếu in lại vẫn thấy vướng, nên có bài phải để lại, có bài phải bỏ đi một vài đoạn; vậy cũng cần được gia đình tác giả biết và thông cảm. Ông Hách nói lại với tôi, ông Sa bảo: đề nghị nhà xuất bản cứ làm như Nhà nước quy định!
2. Khoảng cuối năm 2005 hoặc đầu năm 2006, đang giữa giờ làm việc buổi sáng, Phan An Sa đến tìm gặp tôi và Vương Trí Nhàn ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trước mặt tôi là một Phan An Sa sôi nổi tự bộc lộ mình, khác hẳn vẻ kiềm chế, giữ gìn như lần tôi đến gặp tại cơ quan ông. Phan An Sa báo tin, anh đã nghỉ hưu, từ nay có thể dành toàn thời gian để “làm những việc cần thiết” cho người cha mà di sản trứ tác còn bị chìm trong quên lãng. Anh nói kế hoạch viết sách, kể những bước thăng trầm xảy ra với cha mình - nhà báo Phan Khôi - từ giai đoạn làm báo Sông Hương 1936 – 1937, ở Huế, đến thời kỳ đứng tên chủ nhiệm báo Nhân văn (1956) và những tháng ngày cuối đời của ông cụ tại Hà Nội.
- Vì sao lại bắt đầu câu chuyện từ Sông Hương mà không phải từ đầu? - tôi hỏi.
- Thì anh cũng bắt đầu việc tìm và làm những sưu tập Tác phẩm đăng báo của ông cụ từ năm 1928, với việc viết cho tờ Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn, chứ đâu có khởi từ việc ông cụ viết và làm ở toà soạn Nam Phong tại Hà Nội từ mười năm trước đó?
Anh hỏi lại tôi thế và cười, rồi cho biết thêm. Lý do còn ở chỗ, từ thời điểm đó, bà mẹ anh, bà Huệ, người vợ thứ hai của cha anh, mới bước vào đời ông, vẫn còn giữ được nhiều hồi ức về các đoạn đời hoạt động báo chí của ông. Anh từng được mẹ kể cho khá nhiều chuyện, khá nhiều việc từ những đoạn cha mẹ anh sống cùng nhau, ở Huế, 1935 – 1939, rồi Sài Gòn, 1939 – 1941. Với lại, nội dung bài vở các số Sông Hương vừa được in thành sưu tập Sông Hương, tuần báo ra ngày thứ bảy (Phạm Hồng Toàn sưu tầm tuyển chọn, Trung tâm VH-NN Đông Tây và Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009). Có sưu tập trong tay, có thể viết kỹ về các loại bài vở Phan Khôi đã viết và cho in.
3. Mấy năm sau, khi tôi đang đưa in các sưu tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi những năm 1932, 1933 - 1934 ở Nhà xuất bản Tri Thức, thì một hôm, giám đốc Chu Hảo gọi điện mời tôi đến gặp. Tôi tới và được anh Chu Hảo đưa cho xem một bản thảo rất dày. Đó chính là tập sách do Phan An Sa viết về cuộc đời làm báo của Phan Khôi, gồm những phần riêng rẽ như: Ông chủ nhiệm báo Sông Hương, Đi về phía Việt Bắc, Nắng được thì cứ nắng, Vĩnh hằng Hợp Thiện – Bạc Hà. Chu Hảo đề nghị tôi cầm về xem kỹ và viết lời giới thiệu để in ở đầu sách.
Tôi đem tập bản thảo về đọc, và thấy, quả thật tác giả Phan An Sa đã viết khá chi tiết về cuộc đời cha mình, một nhân vật, một tác gia có những đóng góp quan trọng vào tiến trình văn học, báo chí, tư tưởng của xứ sở mình trong nhiều năm, từ 1917 đến 1958. Vài tuần sau, tôi gửi lời giới thiệu đến Nhà xuất bản Tri Thức, và bên cạnh tên chính của sách Nắng được thì cứ nắng, anh Chu Hảo và tôi đề nghị thêm dòng sous-titre: Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn.
Bài giới thiệu của tôi kết luận bằng câu này:
“Tôi nghĩ cuốn sách này ra mắt là dịp tốt để nhắc lại và kích thích việc tìm hiểu sâu hơn, hệ thống hơn về di sản tinh thần, trí tuệ của Phan Khôi, một trong những đại diện ưu tú của trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Sự thẳng thắn đến mức quả cảm trong đối diện và gọi tên sự thật, bảo vệ chính kiến, vì giá trị con người, vì sự phát triển tiến bộ của xã hội, của đất nước - có thể khiến bản thân và gia đình họ lâm vào long đong khốn khó, thân danh họ có thể bị tẩy xóa và bôi lấm nhất thời - nhưng rốt cuộc thì trước sau đó vẫn cứ là những đức tính cố hữu ở họ. Bởi, nếu không, họ đã chẳng đáng được gọi là trí thức".
Cuốn Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa đã được trao giải thưởng văn học Hội nhà văn Hà Nội năm 2013.
Sau cuốn sách này, có lúc Phan An Sa nói vui: tôi định viết tiểu thuyết!
Thế nhưng, sự nghiệp bị dìm ếm một cách oan ức của người cha vẫn là nỗi băn khoăn lớn của ông. Những sổ tay, bản thảo của người cha để lại trong chiếc va-li mà suốt nhiều năm dài, người mẹ chỉ có thể mỗi năm đôi lần đem phơi nắng cho đỡ mủn rách, chứ chưa thể công bố trước độc giả, vẫn là nỗi canh cánh mà người con này hằng thao thức. Tôi được biết, ông Sa từng nhiều lần tổ chức việc cho đánh máy các bản thảo ấy, đem gửi lấy ý kiến các thành viên trong đại gia đình Phan Khôi. Rồi bản thảo tập di cảo đã được đăng ký in sách tại một nhà xuất bản, nhưng … chỉ thiếu một chút hợp tác giữa mấy người chủ trì, cuốn sách đã không tới được nhà in!
Năm 2018, bộ sưu tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi gồm 12 tập, do tôi thực hiện, đã hoàn thành sớm được vài năm, nhờ nỗ lực hỗ trợ việc xuất bản của đại gia đình Phan Khôi mà Phan An Sa là người chủ trì.
Trong bài viết sẵn để phát biểu tại Nhà xuất bản Tri Thức nhân sự kiện này, Phan An Sa đem đối chiếu hai công việc: việc tôi làm sưu tập các tác phẩm Phan Khôi đăng báo thì hoàn thành, mà việc anh em ông biên soạn đưa in di cảo Phan Khôi thì vẫn còn ì ạch!
Tôi can anh: xin cứ nói việc sưu tập tác phẩm đăng báo ở đây đi, còn việc di cảo sẽ nói chỗ khác!
Thực ra, Phan An Sa vẫn quyết in cho bằng được tập Phan Khôi, Di cảo, dù phải ghi sous-titre: “bản chưa đầy đủ”!
Càng ngạc nhiên hơn, trong thời gian ấy, Phan An Sa còn kịp viết xong và đưa in tập Tôi với cha tôi, Phan Khôi!
Hai năm chìm trong dịch dã Covid-19, hai cuốn sách ấy đã được xuất bản!
4. Vậy mà, sáng 30/11, một người cháu ông Sa nhắn tin cho tôi: ông Phan An Sa bị đột quỵ đã qua đời lúc trưa hôm qua, 29/11/2021.
Tin đến đột ngột vô cùng!
Còn nhớ, hồi 2015, vào Tam Kỳ dự hội thảo về những đóng góp của tác gia Phan Khôi vào sự nghiệp văn hóa dân tộc. Lúc đang có khá nhiều người quê Quảng Nam mà tôi từng quen biết từ trên đất Bắc đang ngồi tại sảnh đón khách, Phan An Sa tiến đến chỗ tôi và bảo:
- Anh hãy hình dung hồi học lớp 8 tại trường học sinh miền Nam số 28, ba học trò Lê Ngọc Trà, Hoàng Châu Sinh, Phan An Sa cùng một lớp, cùng là học sinh giỏi văn đấy!
- Ồ, thế ư? Thế tức là tôi và các anh đã chạm mặt nhau từ những năm 1959 - 1960 không chỉ một lần, trong những buổi dự thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh tại Ty Giáo dục Hà Nam rồi! Trường HSMN 28 cách nhà tôi chỉ chừng ba, bốn cây số; học sinh trường ấy thì hầu như chúng tôi chạm mặt hàng ngày, trên đường phố thị xã hoặc trên đường làng tôi!
Vậy, thế nào cũng nên có một lần trở lại thăm Hà Nam, Phủ Lý, thăm mảnh đất ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, từng đóng trường học sinh miền Nam. Trường bên tả ngạn sông Đáy, bên kia, hữu ngạn, là xã Phù Vân quê tôi!
Một lời nhắc, lời rủ rê tạo một dịp quay về thăm nơi từng gắn với thời tuổi trẻ!
Vậy mà không thực hiện được!
Thương tiếc vĩnh biệt Phan An Sa!
30 tháng 11 năm 2021
Lễ viếng nhà nghiên cứu Phan An Sa, con trai học giả Phan Khôi, sẽ diễn ra vào 9 giờ sáng nay, 2/12, tại Nhà tang lễ Thanh Trì (nghĩa trang Văn Điển). Lễ truy điệu và an táng diễn ra vào trưa cùng ngày tại nghĩa trang Cánh Phượng, thành phố Nam Định. |
Lại Nguyên Ân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất