25/06/2014 07:31 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - Phức tạp đặc thù về môi trường và quy hoạch phát triển đã khiến Tràng An trở thành một trong những trường hợp... vất vả nhất của VN khi "ứng thí" trước UNESCO. Và, khi về đích, câu chuyện ấy vẫn tiếp tục – nếu chúng ta muốn khai thác hết tiềm năng của Di sản Thế giới này.
Như TT&VH đã thông tin, ngày 23/6, Quần thể danh thắng Tràng An (DTTA) đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Từ bài toán "hồ sơ"
Trong phiên họp của UNESCO tại Quatar, trường hợp DTTA đã gây ra khá nhiều tranh luận. Đề cử này được lui lại để xem xét cuối cùng và kéo dài trong suốt 2 tiếng đồng hồ (so với quãng thời gian 15, 20 phút của các di sản khác). Do vậy, đây cũng là di sản "về đích" muộn nhất trong phiên họp lần này, khi các trường hợp khác đã được công bố trong thời gian từ các ngày 20-22/6.
Trong các khó khăn liên quan tới những tiêu chí xét duyệt phức tạp của UNESCO, việc DTTA nằm gần vị trí đặt 2 nhà máy xi măng của Ninh Binh là điểm nổi bật và đã được đội ngũ xây dựng hồ sơ nhìn thấy từ rất sớm. Ở thời điểm lập quy hoạch bảo tồn ban đầu, phần diện tích "lõi" của DTTA rộng hơn 4000 ha, còn khu vực được xác định là vùng "đệm" quanh đó có diện tích khá lớn, khoảng hơn 8000ha.
Tuy nhiên, vùng "đệm" này lại có sự hiện diện của 2 nhà máy xi măng với hàng trăm công nhân lao động, cộng cùng một diện tích núi đá đã được khoanh vùng để làm nguyên liệu sản xuất (được triển khai trước khi bản quy hoạch ra đời). Theo như thông tin từ một trong hai nhà máy này, nếu phải hủy bỏ hợp đồng khai thác có thời hạn 50 năm được kí trước đó, phía Ninh Bình sẽ phải bồi thường một khoản tiền lên tới cả tỉ USD.
Sau khá nhiều cuộc họp, cũng như từ văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ vào giữa năm 2013, quy hoạch bảo tồn DTTA đã được thay đổi theo hướng thu hẹp "vùng đệm" chỉ còn hơn 6000 ha và không bao gồm phần chồng lấn lên khu vực khai thác nguyên liệu của 2 nhà máy xi măng. Một mặt, văn bản giải trình về sự điều chỉnh này được gửi lên UNESCO.
Một mặt khác, các chuyên gia làm hồ sơ đã "vắt óc" lên kế hoạch thuyết phục hội đồng chuyên môn. Bởi, dù không phạm vào phần "lõi", việc một di sản thế giới nằm quá gần ngành công nghiệp hàng đầu về ô nhiễm môi trường tất nhiên là điều không hề được UNESCO cổ vũ.
Như chia sẻ của những người trong cuộc, trước khi trở thành DSTG, từ vòng hai, hồ sơ DTTA của Việt Nam từng được ICOMOS (cơ quan chuyên môn độc lập, chuyên nghiên cứu các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị lùi việc xem xét công nhận tới giữa năm 2015. Tuy nhiên, quyết tâm của VN, với các cam kết vững chắc về việc bảo vệ di sản cũng như tuân thủ các khuyến nghị sau khi có danh hiệu, đã khiến DTTA thoát khỏi nguy cơ phải... chờ thêm một năm.
Tới bài toán "có khói - không khói"
Như nhận xét của một số chuyên gia, người ta sẽ nhìn về trường hợp 2 nhà máy xi măng gần DTTA như một bài học kinh nghiệm về quy hoạch phát triển kinh tế. Ngược lại, theo nghĩa lạc quan, đây lại là câu chuyện về nỗ lực rất tích cực của Ninh Bình trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang việc phát triển bằng tiềm năng du lịch, văn hóa của mình. Nằm trên “con đường di sản phía Bắc” cùng với Thành Nhà Hồ và Hoàng Thành Thăng Long, rõ ràng Ninh Bình có tiềm năng quá lớn để phát triển du lịch.
Nhưng ngược lại, để khai thác hết tiềm năng của DTTA và các di sản xung quanh một cách hợp lý,sự xuất hiện của các nhà máy xi măng –loại hình công nghiệp số một về gây ô nhiễm và phá hoại cảnh quan – lại là điều mà Ninh Bình đang phải đối mặt. Bởi, không chỉ với 2 nhà máy đang nằm tại vùng "đệm", địa phương này cũng đang là nơi dẫn đầu toàn quốc về sản xuất xi măng, với tổng cộng 5 nhà máy và công suất mỗi năm gần 13 triệu tấn. Và, việc cân bằng giữa 2 ngành công nghiệp "có khói" và "không khói" này xem ra không hề đơn giản trong thời điểm hiện tại.
"Đặt trong vị trí của một khu vực địa lý vừa có nhiều biến động nhưng cũng phát triển mạnh hàng đầu VN, có thể coi DTTA là một viên ngọc quý nhưng cũng... thật dễ vỡ. Để bảo vệ được nó, việc xây dựng một kế hoạch quản lý toàn diện và lâu dài là rất cần thiết" – PGS Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) nhận xét ngắn gọn. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì chia sẻ thêm: "Ở một chừng mực nào đó, việc khai thác đá vôi làm xi măng là một sự lãng phí với thiên nhiên. Về lâu dài, chúng ta cần có sự cân nhắc kĩ, bởi môi trường sinh thái và môi trường văn hóa luôn là những yếu tố sống quan trọng nhất với mỗi dân tộc cũng như toàn nhân loại".
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất