NSND Trịnh Thịnh: Người tạo dấu ấn bằng các vai phụ

17/04/2014 16:29 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Vẻ bề ngoài và tính cách khiến Trịnh Thịnh rất được các đạo diễn mời đóng những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam. Mặc dù ông chuyên đóng vai phụ nhưng luôn để lại dấu ấn đặc biệt đối với khán giả.

Trịnh Thịnh tên thật là Trần Văn Thịnh, sinh ngày 20/7/1927 tại Hà Nội, sinh vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân. Xuất thân vốn là nhân viên ngân hàng, Trịnh Thịnh mang nhiều nét phẩm chất của một công chức thời Pháp: nghiêm túc, đúng giờ, chính xác và làm trọn phận sự của bản thân. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Bắt đầu bén duyên với điện ảnh vào khoảng năm 1954 với vai trò là diễn viên lồng tiếng và sau đó tham gia diễn xuất. Có thể nói Trịnh Thịnh là diễn viên theo suốt chặng đường hình thành và phát triển của điện ảnh Việt Nam. Ông xuất hiện từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Chung một dòng sông (1959) và vai diễn cuối cùng của ông là trong phim Tết này ai đến xông nhà (2002). Ngoài ra Trịnh Thịnh có tham gia hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tiên là vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng Topaze. Dù đóng khá nhiều phim nhưng ông chọn phim rất khắt khe. Bởi ông luôn tâm niệm “đã diễn phải là những vai diễn để đời, phải để khán giả nhớ mãi nhân vật trên phim”. Vì thế cho nên không ngạc nhiên khi gia tài phim ảnh của ông không đồ sộ với vài trăm vai diễn. Nhưng đổi lại, vai nào của ông cũng ám ảnh người xem, ngay cả khi diễn hài.

Năm 1951 Trịnh Thịnh kết hôn với bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh. Hai ông bà có với nhau năm người con gái. Với một gia đình đầy ắp tình cảm, hạnh phúc, như một nền tảng vững chắc để ông yên tâm thực hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình.

Trong gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh Trịnh Thịnh đã được các đạo diễn Việt Nam yêu thích nhắm vào các vai mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam, ghi dấu ấn với hàng loạt phim như vai ông Củng trong Truyện vợ chồng anh Lực, vai Bình trong Chuyễn xe bão táp, ông phó chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, giám đốc Trí trong Dịch cười, vai quan phủ trong Lá ngọc cành vàng, lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông… Đặc biệt, Trịnh Thịnh luôn là một trong những lựa chọn đảm bảo của nhiều đạo diễn Việt kiều lẫn các đạo diễn nước ngoài khi làm phim về Việt Nam, ông từng tham gia vào Xích Lô của Trần Anh Hùng và Đông Dương của Regis Wargnier.

Trịnh Thịnh đóng nhiều vai, từ chính diện đến phản diện, từ chính kịch đến hài kịch, vai phụ cũng như vai chính, từ vai quan quyền cho đến một lão nông nhà quê. Có thể nói diễn viên Trịnh Thịnh là một nghệ sĩ bẩm sinh, dường như ông sinh ra để làm diễn viên điện ảnh, hơn thế nữa được sinh ra để đóng các vai nông dân và vai hài.

Trịnh Thịnh là người thành phố, nhưng đã thể hiện các vai nông dân một cách sống động, đa dạng. Từ một nông dân nghèo khổ thời xưa đến viên hợp tác xã nông nghiệp, từ viên lý trưởng hách dịch, khúm núm thời Tây đến ông lão nông thôn đôn hậu và gàn dở. Khi nói về các vai diễn nông dân của mình Trịnh Thịnh từng chia sẻ “Trong thâm tâm tôi, hình ảnh người nông dân bao giờ cũng đẹp, cũng trong sáng, chân tình, không thớ lợ, giả dối. Ngay cả trong phim Thằng Bờm, người xem có thể cười sự ngờ nghệch dở hơi của cha con ông cháu nhà Bờm, nhưng vẫn là cái cười hồn nhiên, vui vẻ của những người trong cuộc, trong họ ngoài làng, không hề có tính giễu cợt”.

Đã diễn phải là những vai diễn để đời, phải để khán giả nhớ mãi nhân vật trên phim - NSND Trịnh Thịnh
Mấy chục năm trong nghề, không bó hẹp trong một loại vai, mỗi lần nhận vai dù chính hay phụ, Trịnh Thịnh cũng đều lao động nghiêm túc ông luôn nghiên cứu kỹ kịch bản và suy nghĩ tìm tòi cách diễn khác nhau. Với những vai diễn người nông dân, Trịnh Thịnh đã trở thành người bạn gần gũi và đáng yêu của khán giả Việt Nam. Còn với các vai diễn hài ông đã trở thành dấu ấn khó phai của đông đảo công chúng. Cái hài của ông không đáo để cũng không chua chát, lại càng không hời hợt, dễ dãi. Nó nhẹ nhàng, hồn hậu mà thâm sâu vô cùng. Thị trấn yên tĩnh là một ví dụ điển hình. Dường ông sinh ra để diễn hài vì chỉ cần nhìn mặt, hay những cử động thật nhỏ trên khuôn mặt ấy cũng đủ chọc cười khán giả rồi. Nhưng ẩn đằng sau những tiếng cười đấy là một nỗi niềm mà như ông từng tâm sự: “Tôi xuất hiện không phải để... hài, mà để gửi gắm tâm trạng bi hài của tôi, của một cõi người đến những cõi người”.

Với lối diễn xuất phong phú, đa dạng, hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau, Trịnh Thịnh được mời tham gia nhiều bộ phim “kinh điển” của điện ảnh Việt Nam, với những đóng góp của mình ông đã khẳng định vị trí trong lòng khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 1973 ông được giải diễn viên của Hội Điện ảnh, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII (1988) Trịnh Thịnh nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn phó chủ tịch Dương trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong Thằng Bờm. Năm 1997 ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.


Trịnh Thịnh trong phim Thằng Bờm

Ngày 12/4/2014 vừa qua NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ở tuổi 87, để lại sự nuối tiếc về một người diễn viên bậc thầy luôn tận tụy, gắn chặt với những vai diễn hồn hậu, mộc mạc mang tính biểu tượng của cả một thế hệ. Khi nghe tin nghệ sĩ Trịnh Thịnh qua đời nhiều nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã thể hiện nỗi buồn vô hạn với người nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật.

NSƯT Minh Châu tâm sự: “Tôi không biết nhiều về cuộc đời của chú nhưng ngoài đời thường, chú giản dị, gần gũi, chứ không nghĩ mình là người nổi tiếng. Chú coi diễn xuất như một công việc kiếm sống như bao nghề nghiệp khác. Chú yêu nghề, sống chết với nó và không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Dẫu biết trước quy luật sinh tử của con người, nhưng khi nghe tin chú qua đời, tôi thấy buồn vô hạn, cứ như mất mát đi một điều lớn lao”.

Đạo diễn NSƯT Đỗ Minh Tuấn chia sẻ trên trang Facebook của mình: “NSND Trịnh Thịnh, ngôi sao hài nổi tiếng trong thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước đã mất lúc 9h30 sáng 12/4/2014 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bác Trịnh Thịnh đã đóng cho tôi nhiều vai đa dạng trong các phim: Ngọn đèn trong mơ (1987) Dịch cười (1988), Thằng Cuội (1989), Đi bầu Thành hoàng (1993), Những người sợ vợ (1997). Bác là diễn viên tài năng, đức độ và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, thể hiện các vai hài tính cách, hài tình huống một cách nhuần nhị, tự nhiên và sâu sắc”.

Xin mượn câu nói của cố NSND Trịnh Thịnh: “Nghề diễn viên không phải nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng. Theo tôi, đó là bản lĩnh đầu tiên cần có ở một người diễn viên”, như một nén tâm nhang để tiễn biệt một người nghệ sĩ tài năng của điện ảnh Việt Nam.  

Lê Đình Tiến
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm